Không ngừng cải cách thủ tục hành chính

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đặt ra yêu cầu cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo đó, tiếp tục rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, các bộ, thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm trong việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhằm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Báo cáo của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ cho biết: Trong quý II/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 47 quy định kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Công an tại 10 văn bản quy phạm pháp luật.

Không ban hành quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết.

Các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành 16 văn bản quy phạm pháp luật (5 nghị định và 11 thông tư) để cắt giảm, đơn giản hóa 163 quy định kinh doanh, đã sửa đổi, hoàn thiện 2 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa 74 quy định kinh doanh.

Tính từ năm 2021 đến nay, các bộ, cơ quan ngang bộ đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa 2.352 quy định kinh doanh tại 191 văn bản quy phạm pháp luật; đã thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa 470 quy định kinh doanh tại 56 văn bản, đạt 41%.

Về kiểm soát thủ tục hành chính, báo cáo của Bộ Tư pháp cho thấy: Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Tư pháp đã thực hiện thẩm định đối với 307 thủ tục hành chính tại 31 đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo VBQPPL (11 luật, 14 nghị định, 6 quyết định) do các Bộ, cơ quan ngang Bộ chủ trì soạn thảo.

Trong đó, Bộ đề nghị không quy định 4 thủ tục, đề nghị sửa đổi 189 thủ tục (chiếm tỷ lệ 63% tổng số thủ tục hành chính quy định tại các đề nghị xây dựng và dự án, dự thảo văn bản), đề nghị quy định bổ sung 10 thủ tục.

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền đối với 2.043 văn bản (gồm 148 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 1.895 văn bản của địa phương).

Qua kiểm tra đã phát hiện, kết luận, kiến nghị xử lý đối với 31 văn bản (gồm 7 văn bản của cấp bộ, 24 văn bản của địa phương). Trong tổng số 31 văn bản đã kết luận, kiến nghị xử lý trong 6 tháng đầu năm 2023, đến nay, có 7 văn bản đã được cơ quan ban hành xử lý. Ngoài ra, trên cơ sở theo dõi, đôn đốc, có 54 văn bản trái pháp luật Bộ Tư pháp kết luận trước năm 2023 đã được cơ quan ban hành xử lý.

Cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh

Ngày 4/7/2023, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP yêu cầu các bộ, cơ quan và địa phương tập trung rà soát, chủ động cắt giảm, đơn giản hóa một cách thực chất các quy định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành, thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước được giao; trong quý III và năm 2023, tập trung ưu tiên cắt giảm, đơn giản hóa các quy định, thủ tục về đầu tư, đăng ký kinh doanh, điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính trong các ngành, lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp như xây dựng, bất động sản, thuế, hải quan, điện, năng lượng, sản xuất, chế biến nông sản, xuất nhập khẩu, giáo dục, đào tạo, y tế, lý lịch tư pháp...

Các bộ ngành, địa phương tuyệt đối không ban hành quy định, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết, trái quy định cho doanh nghiệp, người dân; chủ động cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với việc triển khai Đề án 06 và Chương trình chuyển đổi số quốc gia; tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức tạo đồng thuận trong việc triển khai.

“Giám sát chặt chẽ việc triển khai giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia, bảo đảm đúng thời hạn xử lý theo quy định; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm và công bố, công khai các cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị để xảy ra chậm trễ, gây phiền hà”, Nghị quyết yêu cầu.

Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI) cho rằng: Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách tư pháp để bảo vệ các doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, sáng tạo; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội.

Ngoài ra, theo chuyên gia này, cần rà soát lại các hàng rào phi thuế quan theo hướng rõ ràng, minh bạch và ổn định; kiên trì cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan để giám chi phí thời gian liên quan đến các thủ tục bắt buộc; rà soát lại các quy định về kiểm soát vốn, để thị trường vốn của Việt Nam hấp dẫn hơn nữa nhà đầu tư nước ngoài.

Phạm Lương Bằng, Huỳnh Tuấn Kiệt, Hoàng Tư Giang