Nhà giáo mang một sứ mệnh đặc biệt trong xã hội, là yếu tố quyết định sự thành bại của nền giáo dục. Một quốc gia muốn phát triển cần ưu tiên đầu tư cho giáo dục. Đây cũng là chủ trương của Đảng và Nhà nước ta.

Theo Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, lương của nhà giáo cần được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ giáo viên các cấp nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục gia tăng trong những năm gần đây. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng này là do mức lương của nhà giáo còn rất thấp so với mặt bằng chung của xã hội, không đủ để trang trải cuộc sống cho bản thân và gia đình trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao và tình hình kinh tế-xã hội biến động. Cuộc sống của nhà giáo nghỉ hưu lại càng khó khăn hơn nữa.      

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Trước thực tế này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính tích cực nghiên cứu để cải cách chính sách tiền lương cán bộ, viên chức, công chức, trong đó có giáo viên.

Theo xu hướng chung, cải cách tiền lương phải đảm bảo tính hiệu quả và tính hợp lý. Tính hiệu quả thể hiện ở sự phù hợp của mức lương với vị trí việc làm, năng suất lao động và khả năng chi trả của ngân sách. Hơn nữa, tính hiệu quả còn thể hiện ở việc giảm thiểu chi phí xã hội thực hiện chính sách.

Tính hợp lý thể hiện ở sự đảm bảo mức lương đủ để trang trải cuộc sốngvà có thể xếp cao hơn so với một số ngành nghề để có thể thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, đảm bảo giáo viên chuyên tâm với nghề và giữ chân được giáo viên giỏi, nhờ đó nâng cao vị thế của nhà giáo trong xã hội và cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, để thực hiện cải cách thì điều quan trọng là cần tìm ra phương án đảm bảo nguồn chi trả lương phù hợp và bền vững.

Để trả lời câu hỏi "lương nhà giáo có đủ để trang trái cuộc sống?", trong Báo cáo nghiên cứu và tư vấn chính sách năm 2023, Nhóm nghiên cứu và Tư vấn về lĩnh vực Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân sau khi nghiên cứu kỹ thực trạng về hệ thống tiền lương giáo viên ở Việt Nam hiện nay và tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này đã đưa ra một số đề xuất chính như sau: 

Thứ nhất, để hệ thống lương mới đảm bảo tính hiệu quả, cần: (i) Luật hóa chính sách tiền lương trong Luật Nhà giáo (hiện nay là Dự thảo Luật Nhà giáo) và cụ thể hóa các quy định liên quan trong Luật; (ii) Gắn lương với vị trí việc làm; (iii) Gắn lương với hiệu  suất công việc; (iv) Xác định cấu trúc lương, phụ cấp, thưởng phù hợp; (v) Tạo nguồn chi trả lương ổn định và bền vững.

​Thứ hai, để hệ thống lương mới đảm bảo tính hợp lý, cần (i) Nâng mức lương cơ sở cao hơn mức chi phí sinh hoạt và cao hơn so với những ngành nghề khác; (ii) Tính lại mức chi phí sinh hoạt sao cho sát với thực tế; (iii) Đảm bảo các chế độ đãi ngộ, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp vùng miền được bổ sung và thực hiện đầy đủ, trúng đối tượng. Xác định hệ số phụ cấp hợp lý để phân biệt giữa các đối tượng trong ngành và với các ngành nghề khác. Quy định rõ trách nhiệm thực hiện của cấp có thẩm quyền đối với từng loại trợ cấp; (iv) Xác định khoảng thời gian điều chỉnh và mức điều chỉnh mức lương tối thiểu theo lộ trìnhhợp lý và có cơ sở (lạm phát, tăng trưởng kinh tế);(v) Xây dựng thang bậc lương đảm bảo sự thăng tiến trong nghề nghiệp, khoảng cách giữa các bậc phải phản ánh được sự khác biệt về hiệu suất công việc (hệ số tích hợp các tiêu chí đánh giá từ nhiều phía). 

Cuối cùng, cải cách tiền lương là một quá trình, lâu dài và thách thức, nên để thực hiện việc này, cần nghiên cứu kỹ lưỡng thực trạng cuộc sống và công việc của giáo viên, cần sự lắng nghe ý kiến của các bên liên quan và cần sự học hỏi kinh nghiệm quốc tế. 

(còn tiếp)

TS. Nguyễn Hoàng Oanh