Nhằm đưa ra một số kiến nghị chính sách đổi mới cơ chế trả lương cho nhà giáo, góp phần hoàn thiện cải cách tiền lương giáo viên theo hướng hiệu quả và hợp lý hơn, TS Nguyễn Hoàng Oanh và nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân góp bàn về việc cải cách tiền lương cho giáo viên.

Tác giả và nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, cải cách tiền lương phải đảm bảo tính hiệu quả và tính hợp lý. Tính hiệu quả thể hiện ở sự phù hợp của mức lương với vị trí việc làm, năng suất lao động và khả năng chi trả của ngân sách.

Hơn nữa, tính hiệu quả còn thể hiện ở việc giảm thiểu chi phí xã hội thực hiện chính sách. Tính hợp lý thể hiện ở sự đảm bảo mức lương đủ để trang trải cuộc sống và có thể xếp cao hơn so với một số ngành nghề để có thể thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, đảm bảo giáo viên chuyên tâm với nghề và giữ chân được giáo viên giỏi, nhờ đó nâng cao vị thế của nhà giáo trong xã hội và cải thiện chất lượng giáo dục và đào tạo. Để thực hiện cải cách thì điều quan trọng là cần tìm ra phương án đảm bảo nguồn chi trả lương phù hợp và bền vững.

Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 21/5/2018 và Luật Giáo dục 2019 đã mở đường cho việc cải cách chính sách tiền lương nhà giáo nhằm tạo động lực cho nhà giáo chuyên tâm với nghề và tự hào về nghề. Để thực hiện nhữngvchủ trương này, trong những năm gần đây, một số chính sách hỗ trợ ngoài lương như chế độ phụ cấp ưu đãi và phụ cấp thâm niên nhà giáo đã được triển khai.

Bất chấp những nỗ lực của Chính phủ trong việc nâng cao đời sống giáo viên, theo thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, năm học 2021-2022 có 16.265 giáo viên các cấp nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành giáo dục; trong đó, số giáo viên côngvlập nghỉ việc là 10.407 người, số giáo viên ngoài công lập là 5.858 người. Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng giáo viên bỏ việc, chuyển việc, hoặc không yên tâm công tác là do mức lương của nhà giáo còn rất thấp so với mặt bằng chung của xã hội, không đủ để trang trải cuộc sống cho bản thân và gia đình trong bối cảnh giá cả hàng hóa tăng cao và tình hình kinh tế-xã hội biến động. Cuộc sống của nhà giáo nghỉ hưu lại càng khó khăn hơn nữa.

Trước thực tế này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính tích cực nghiên cứu để cải cách chính sách tiền lương cán bộ, viên chức, công chức, trong đó có giáo viên.

W-giaovien.png
Chính sách lương mới cho cán bộ, viên chức, công chức của tất cả các ngành sẽ được áp dụng kể từ 01/07/2024. Theo đó, mức lương cơ sở mới cho giáo viên cao hơn mức cũ 30%.

Theo kế hoạch, chính sách lương mới cho cán bộ, viên chức, công chức của tất cả các ngành sẽ được áp dụng kể từ 01/07/2024. Theo đó, mức lương cơ sở mới cho giáo viên cao hơn mức cũ 30%.

Tuy nhiên, do mức lương cũ rất thấp do cơ sở để tính toán không sát với thực tế, giá cả thì leo thang và trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp và phải chia sẻ cho nhiều mục đích chi tiêu khác, nên dù chính sách lương mới thể hiện nỗ lực rất lớn từ Chính phủ trong việc nâng cao đời sống cho giáo viên, nhưng mức tăng thực tế chỉ vào khoảng 25%, cũng chỉ cải thiện được phần nào mức sống của bản thân giáo viên mà chưa đảm bảo một cuộc sống đang hoàng cho giáo viên và gia đình họ và cao hơn so với những ngành nghề khác.

Do đó, tác giả và nhóm nghiên cứu góp bàn một số vấn đề như sau:

Luật hóa chính sách về lương và điều kiện làm việc của nhà giáo

Ở Việt Nam, chính sách tiền lương giáo viên hiện được điều chỉnh bởi rất nhiều văn bản pháp luật như Luật Viên chức 2010 và Luật Viên chức sửa đổi 2019, Luật Cán bộ, công chức, Luật Giáo dục, Luật Lao động.... Việc thực hiện chế độ tiền lương giáo viên được dựa trên một hệ thống các văn bản dưới luật bao gồm nhiều nghị quyết, nghị định, các thông tư và thông tư liên tịch.

Vì có quá nhiều Bộ, ngành và cơ quan liên quan tới việc xây dựng chính sách tiền lương giáo viên. Điều đó dẫn tới sự phức tạp và khó khăn trong việc thực hiện chế độ tiền lương giáo viên. 

Sau khi tham khảo kỹ những nội dung liên quan tới chính sách tiền lương và đãi ngộ ở các luật về tiền lương và luật giáo dục của các nước đề cập ở trên, nhóm có một số đề xuất cụ thể bổ sung vào nội dung về tiền lương và đãi ngộ giáo viên trong Dự thảo Luật Giáo dục của Việt Nam như sau: 

Các quy định trực tiếp liên quan đến nhà giáo, bao gồm cả các quy định về lương nhà giáo, nên được tập trung ở Luật Nhà giáo.

Mục 1 của Điều 40 Chương V quy định về tiền lương của nhà giáo. Mục 1 ghi: “Chính sách tiền lương của nhà giáo bao gồm tiền lương và phụ cấp và các chế độ khác (nếu có)”. Vì tiền lương là cơ sở để tính các khoản phụ cấp theo lương và các chế độ khác như được quy định ở các mục còn lại của chương, nên cần cụ thể hóa hơn quy định về tiền lương.

Hơn nữa, nếu như trước đây, khi chưa có Luật Nhà giáo thì quy định pháp luật về tiền lương giáo viên nằm ở các quy định chung với tiền lương của cán bộ, viên chức, công chức và nhân viên lực lượng vũ trang trong các bộ luật khác (Luật Lao động, Luật Viên chức, Luật Cán bộ Công chức, ...), thì bây giờ nên đưa những quy định này vào Luật Nhà giáo để giảm bớt sự phức tạp, chồng chéo trong các quy định, thuận lợi hơn trong việc triển khai thực hiện các chế độ chính sách.

Cụ thể là: Nên đưa thêm quy định về mức lương tối thiểu cho từng cấp bậc giáo viên (mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trường nghề, cao đẳng, đại học) theo vị trí việc làm ở các vùng khác nhau thay vì chỉ nói chung “mức lương tối thiểu của giáo viên” (tham khảo ở Luật Nhà giáo và Nhân sự Thái Lan và các luật về tiền lương và điều kiện làm việc của một số nước);

Trong giai đoạn trước mắt, khi mức lương tối thiểu (mức lương cơ sở) vẫn được sử dụng làm cơ sở để xác định các khoản phụ cấp theo lương và các chế độ khác, do đó để xác định được mức lương, thì mức lương tối thiểu cần phải được xác định dựa trên mức chi phí sinh hoạt sát với thực tế. Luật cần ghi rõ mức chi phí sinh hoạt được áp dụng được lấy từ nguồn thông tin của cơ quan/tổ chức nào.

Nhóm nghiên cứu tìm hiểu thì thấy có vài nghiên cứu thuộc các đề tài/dự án nghiên cứu khoa học nhỏ của các tổ chức phi chính phủ hoặc viện nghiên cứu trực thuộc trường đại học đã ước tính chi phí sinh hoạt của cá nhân và hộ gia đình theo tháng để phục vụ cho mục đích nghiên cứu riêng của họ.

Hiện nay, Tổng cục Thống kê Việt Nam, cơ quan thống kê chính thức của quốc gia, chỉ công bố thông tin về mức chi tiêu trung bình tháng của người dân cho hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cơ bản hàng năm. Từ nhiều năm nay, mức chi tiêu này không bao gồm rất nhiều khoản chi tiêu cần thiết cho cuộc sống của một cá nhân và một hộ gia đình một tháng nên lấy đó làm thước đo mức chi phí sinh hoạt để xác định mức lương tối thiểu là không sát với thực tế.

Luật cũng cần quy định rõ mức lương được xếp theo thang bậc theo trật tự từ thấp đến cao phù  hợp với vị trí công việc, trình độ đào tạo, trách nhiệm và mức độ sáng tạo. 
Mục 2 của Điều 40 Chương V ghi: “Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.” Sự chênh lệch mức lương của giáo viên so với mức lương của những người cùng trình độ và cùng thâm niên công tác ở những ngành nghề khác thể hiện vị thế của nghề giáo viên trong xã hội nên Luật nên quy định rõ giới hạn của mức chênh lệch.

Điều 41 và Điều 42 đề cập đến các chính sách hỗ trợ và thu hút nhà giáo, nhưng còn khá chung chung và gây khó hiểu. Ví dụ, Mục 1 của Điều 41 ghi: “Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhà giáo trẻ; nhà giáo công tác ở vùng khó khăn; ...” và Mục 2 ghi: “Chính sách hỗ trợ nhà giáo gồm: nhà công vụ, chế độ phụ cấp, chế độ trợ cấp, ...”. Hai quy định này chưa rõ dẫn tới nhiều câu hỏi, chẳng hạn như: nhà giáo trẻ công tác ở tất cả các vùng đều được hưởng chính sách hỗ trợ nhà công vụ, chế độ phụ cấp, chế độ trợ cấp, ... hay chỉ nhà giáo công tác ở vùng khó khăn. Vì thế, cần bổ sung quy định cụ thể về diện hưởng từng loại hỗ trợ, mức hỗ trợ và cách thức hỗ trợ.    

Dự thảo Luật còn thiếu những quy định về cơ chế, tiêu chí để định kỳ xem xét, điều chỉnh mức lương tối thiểu phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội. Đồng thời, cần xác định rõ trách nhiệm và thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc quyết định, điều chỉnh mức lương tối thiểu (có thể tham khảo ở Luật Nhà giáo của Philippines).

Đảm bảo tính hiệu quả của tiền lương mới

Như chúng ta thấy, chính sách lương hiện tại phụ thuộc nhiều vào ngân sách chứ chưa gắn kết với vị trí việc làm. Chính sách lương hiện tại có đặc điểm: 

Chưa phân biệt rõ ràng các vị trí công việc khác nhau và độ khó của từng công việc; 
Chưa có hệ thống bậc thăng tiến rõ ràng dựa trên vị trí công việc và năng lực;  Lương chủ yếu được xác định dựa trên yếu tố như trình độ học vấn, thâm niên công tác mà chưa gắn trực tiếp với vị trí công việc, năng lực và hiệu suất lao động.  

Những bất cập kể trên là tiền đề cho cải cách chính sách lương giáo viên. Nếu thực hiện được tất cả các nội dung cải cách đề ra theo yêu cầu của Nghị quyết số 27/NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW thì chính sách lương mới sẽ tạo sự thay đổi rất đáng kể so với chính sách cũ do: Phân loại và định nghĩa rõ các vị trí công việc khác nhau của giáo viên. Ví dụ, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, quản lý cấp trưởng, ...;  Xây dựng được hệ thống bậc thăng tiến dựa trên vị trí công việc và năng lực;  Liên kết một phần tiền lương với vị trí công việc cụ thể (70%), không chỉ dựa trên trình độ và thâm niên. Ví dụ, giáo viên bậc tiểu học sẽ có mức lương cơ bản thấp hơn so với giáo viên bậc trung học hoặc giáo viên quản lý cấp trưởng. Ngoài ra, các khoản phụ cấp (30%), thưởng (tối đa là 10%) sẽ được xác định dựa trên các yếu tố như kinh nghiệm, thành tích, đảm nhiệm thêm các nhiệm vụ khác.  

Song mặc dù Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành liên quan đã rất cố gắng triển khai các nội dung công việc để tiến hành cải cách chính sách tiền lương khu vực doanh nghiệp và khu vực công theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, mới chỉ có 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công đã rõ và đủ điều kiện thực hiện, còn 2 nội dung chưa thực hiện được gồm các bảng lương mới (bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương) và cơ cấu lại và sắp xếp thành 9 chế độ phụ cấp mới thì còn cần phải tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện từng bước.

Do đó, từ ngày 01/7/2024, Chính phủ đề xuất thực hiện giải pháp tăng lương khu vực công, trong đó có giáo viên, với 3 nội dung: thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên thành 2,34 triệu đồng/tháng, tức là tăng 30%; trong thời gian chưa đủ điều kiện thực hiện 9 loại phụ cấp mới, tiếp tục thực hiện các loại phụ cấp hiện hành; thực hiện tiền lương và thu nhập đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước hiện đang được áp dụng cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù. Các đối tượng nghỉ hưu, hưởng trợ cấp, chế độ, chính sách gắn với mức lương cơ sở đều được điều chỉnh tăng tương ứng với mức tăng lương của công chức.

Như vậy, từ 01/7/2024, lương của giáo viên sẽ vẫn được tính theo công thức cũ và vẫn áp dụng các loại phụ cấp hiện hành. Vì mức lương cơ sở tăng đều 30% nên lương cơ bản và các khoản phụ cấp theo lương cũng sẽ tăng 30%, do đó lương danh nghĩa sẽ tăng 30%.

Trong thời gian tới, nếu giá cả được kiểm soát tốt, lạm phát ổn định ở mức dưới 5%, thì mức lương thực tế tăng trên 25%. Mặc dù chính sách tiền lương mới sẽ cải thiện được phần nào mức sống của giáo viên, nhưng vẫn bảo lưu những hạn chế căn bản của chính sách tiền lương cũ. Cụ thể: Lương chưa gắn với vị vị trí việc làm và chưa phản ánh được sự khác biệt về độ khó của các công việc; Hệ thống bậc thăng tiến vẫn chưa hợp lý và giảm động lực thăng tiến do không có tiêu chí nào khác ngoài thời gian để phân biệt sự khác biệt giữa các bậc. Khoảng cách giữa các bậc quá nhỏ và số bậc của mỗi hạng chức danh nghề nghiệp quá nhiều; Lương chưa gắn kết với hiệu quả công việc mà vẫn dựa trên bằng cấp và thâm niên.

Việc thực hiện mô hình trả lương giáo viên dựa trên vị trí công việc và năng suất lao động là một quá trình đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và sự phối hợp đồng bộ các giải pháp. Theo nhóm nghiên cứu, trong thời gian tới, các cơ quan có thẩm quyền cần: 

Tiếp tục hoàn thiện bộ tiêu chí cụ thể và chi tiết hơn để phân loại, định nghĩa rõ các vị trí công việc và độ khó tương ứng của từng công việc; Thiết kế hệ thống bậc thăng tiến dựa trên vị trí công việc, năng lực và thành tích rõ ràng và minh bạch. Muốn vậy, cần xây dựng hệ thống đánh giá năng lực và hiệu quả công việc của giáo viên dựa trên các tiêu chí định lượng (như kết quả học tập của học sinh, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp, …) và các tiêu chí định tính (như khả năng sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, khả năng quản lý lớp học, …); 

Bên cạnh đó, cần thiết lập mối liên hệ rõ ràng giữa kết quả đánh giá và mức lương của giáo viên. Trước hết, cần xây dựng bảng lương với các bậc tương ứng với mỗi mức năng suất và hiệu quả công việc. Việc phân bậc lương và thăng lương phải dựa trên kết quả đánh giá năng lực và hiệu quả định kỳ.

Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại giáo viên một cách khách quan, công khai, minh bạch, toàn diện và công bằng. Bộ tiêu chí cần: (i) bao gồm các tiêu chí liên quan tới kiến thức chuyên môn, kỹ năng sư phạm, thái độ nghề nghiệp, kết quả học tập của người học, đóng góp cho trường/ngành, …; (ii) đảm bảo cân bằng giữa các tiêu chí định lượng (như kết quả học tập của người học) và các tiêu chí định tính (như đánh giá của cha mẹ/người giám hộ của người học); (iii) phân tầng xếp loại và liên kết mức xếp loại với các mức lương, phụ cấp, thưởng tương ứng (Tham khỏa mô hình đánh giá giáo viên của Singapore, Hàn Quốc, Phần Lan, …).

Và đặc biệt, cần có sự tham gia của các bên liên quan trong việc thực hiện, giám sát thực hiện và đánh giá kết quả thực hiện cải cách.

Đảm bảo tính hợp lý của tiền lương mới 

Để hiểu được thực trạng về mức lương giáo viên hiện tại, hãy lấy ví dụ về tiền lương của một giáo viên tiểu học có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm, đã giảng dạy được 3 năm, đủ điều kiện để thi lên hạng III. Lương tháng của giáo viên này được tính bằng lương cơ bản cộng phụ cấp. Hệ số lương hiện hưởng là 2,34, phụ cấp ưu đãi là 35% lương cơ bản nếu thuộc vùng I và là 50% lương cơ bản nếu thuộc vùng IV và chưa được hưởng phụ cấp thâm niên. Theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP và Nghị định 72/2018/NĐ-CP về mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, mức lương cơ sở kể từ 01/7/2023 là 1.800.000 đồng/tháng. Do đó, lương của giáo viên tiểu học hạng III ở vùng I là 5,686 triệu đồng/tháng và ở vùng IV là 6,318 triệu đồng/tháng.

Ở những vùng sâu vùng xa, chi phí sinh hoạt thấp hơn, thì lương chỉ đủ để trang trải chi phí sinh hoạt cá nhân. Nếu phải gánh vác chi phí cho gia đình, thì rõ ràng là cuộc sống của giáo viên không thể dựa vào lương được.   

Điều rất vô lý là, lương của giảng viên cao đẳng, đại học cùng hạng và cùng số năm giảng dạy với giáo viên tiểu học còn thấp hơn (chỉ 5,265 triệu đồng) do được hưởng mức lương cơ bản giống nhau nhưng mức phụ cấp nghề thấp hơn (chỉ 25% ở vùng I).

Theo kết quả khảo sát mức lương các ngành nghề năm 2023 bởi Tổng cục Thống kê, mức lương bình quân ngành giáo dục và đào tạo thuộc nhóm thấp, dao động trong khoảng 50 – 60% so với nhóm cao.

Chính sách tiền lương hiện tại là rất bất hợp lý vì nhiều lý do. Thứ nhất, hệ số lương ở cùng bậc mới chỉ phản ánh được trình độ đào tạo và thâm niên công tác, chứ chưa phản ánh được độ khó của công việc, năng lực và hiệu suất làm việc. Thứ hai, số bậc và khoảng cách giữa các bậc của cùng hạng chức danh nghề nghiệp là giống nhau giữa giáo viên các cấp (từ tiểu học đến đại học) là không công bằng, không phân biệt được vị trí (loại công việc) và độ khó của các công việc khác nhau. Thứ ba, mức lương cơ sở còn quá thấp dẫn tới lương cơ bản không gắn với chi phí sinh hoạt thực tế. Thứ tư, cơ sở để xác định hệ số phụ cấp ưu đãi nghề không rõ ràng và không hợp lý. Thứ năm, lương cộng phụ cấp theo lương giáo viên quá thấp, không đủ để trang trải cuộc sống cho bản thân và gia đình, thấp hơn so với nhiều ngành nghề khác.  

Bởi vậy, để xác lập được đúng vị thế của giáo viên trong xã hội, để giáo viên chuyên tâm với công việc và yên tâm với nghề, để tăng tính hấp dẫn của nghề, tiền lương trả cho giáo viên phải đảm bảo một mức sống đàng hoàng cho bản thân giáo viên và gia đình họ, chứ không phải chỉ đảm bảo một mức sống tối thiểu cho bản thân giáo viên (Luật của các nước đều đề cập đến điều này).

Nhóm nghiên cứu góp bàn một số khuyến nghị:

Mức lương cơ sở phải được điều chỉnh tăng dần, kịp thời theo tốc độ tăng trưởng kinh tế thực. Muốn vậy, mức lương khởi điểm cần được xác định dựa trên chi phí sinh hoạt sát với thực tế để làm cơ sở xác định mức lương khởi điểm và điều chỉnh bậc lương. Đặc biệt,, giáo viên mới vào nghề chưa có tích lũy, thường phải đi thuê nhà và nuôi con nhỏ, nên chi phí sinh hoạt cần phải bao gồm cả tiền thuê nhà và chi phí cho người phụ thuộc. Nếu tiền lương chỉ đủ để trang trải cho bản thân giáo viên, không tính đến người phụ thuộc, thì giáo viên sẽ không thể chuyên tâm với nghề, phải dạy thêm hoặc làm nghề phụ ngoài giờ lên lớp, ..., ảnh hưởng tới chất lượng giảng dạy, khả năng thăng tiến nghề nghiệp và làm giảm vị thế của nhà giáo trước xã hội.

Mức lương khởi điểm của giáo viên cần phải xếp cao hơn những mức khởi điểm của những nghề khác để tăng tính hấp dẫn của nghề. Mức lương khởi điểm thường là yếu tố cơ bản nhất tác động tới quyết định chọn nghề hoặc chấp nhận làm việc ở một tổ chức. Mức lương khởi điểm càng cao càng có khả năng thu hút được người giỏi vào nghề.

Các mức lương sau mức lương khởi điểm phải xác định ở những mức sao cho có sự phân biệt thỏa đáng giữa các mức độ phức tạp và kỹ năng thực hiện cũng như mức độ đóng góp để tạo động lực cho giáo viên cống hiến với nghề.

Thang lương phải được thiết kế sao cho có sự chênh lệch giữa các công việc khác nhau và đảm bảo tương quan với hệ thống lương của các ngành nghề khác trong xã hội như tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW.      

Điều chỉnh các khoản phụ cấp dành cho đúng đối tượng, phù hợp, thỏa đáng để tạo sự khác biệt hợp lý giữa các ngành nghề, tạo khuyến khích để giáo viên cống hiến và thu hút được giáo viên yên tâm công tác, đặc biệt ở những vùng khó khăn.

Các mức thưởng cần gắn với năng suất và hiệu suất công việc. Cần xây dựng hệ thống đánh giá giáo viên dựa vào kết quả, kết hợp cả các tiêu chí đánh giá định lượng và định tính.  

Mức điều chỉnh tiền lương cơ bản hàng năm được quy định là 7%. Trong trường hợp có những biến động về giá cả hay tình hình kinh tế - xã hội, mức điều chỉnh có thể linh hoạt sao cho phù hợp với điều kiện thực tế dể có thể bù đắp cho sự giảm đi của sức mua của tiền lương do lạm phát và đảm bảo mức tăng cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Cần đảm bảo quỹ lương ổn định và bền vững, cân đối ngân sách chi cho các ngành và ưu tiên ngân sách cho giáo dục.

Xây dựng hệ thống lương hợp lý chính là xây dựng một hệ thống phân phối thu nhập hợp lý. Đây luôn là một công việc hết sức khó khăn và thách thức. Vì vậy, cải cách tiền lương cần được thực hiện thận trọng, từng bước và cần có sự tham kiến của tất cả các bên liên quan.

TS. Nguyễn Hoàng Oanh