“Nam thanh niên 18 tuổi vào cấp cứu không có 1 vết thương nào bên ngoài nhưng cơ tim hoàn toàn dập nát. Cậu ấy hỏi tôi: 'Anh ơi em đau lắm, em có chết không?' Sau câu nói đó, bệnh nhân mất dần ý thức rồi tử vong.

Sự ra đi của chàng trai trở thành cú sốc rất lớn với tôi đến nỗi khi cầm được bằng bác sĩ nội trú, tôi quyết định… bỏ việc về quê vì làm bác sĩ vất vả quá. Một năm sau, tôi tuyên bố với cả gia đình mình sẽ đi làm trở lại”.

Đã nhiều năm trôi qua và rất nhiều lần đối diện với lằn ranh mong manh giữa sự sống và cái chết nhưng đó là những ký ức mãi ám ảnh trong tâm trí của Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Đức Hùng. 

Từ bác sĩ nội trú “chạy trốn” vì áp lực năm nào, anh đã trở lại với nghề và đang là giảng viên Bộ môn Hồi sức cấp cứu, Trường Đại học Y Hà Nội và thành viên của Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Trong cuộc trò chuyện với VietNamNet, bác sĩ Ngô Đức Hùng không chỉ kể về hành trình quay trở lại và gắn bó với nghề mà còn tâm sự vì sao bản thân lại “đanh đá” trên mạng xã hội.

Từng "chạy trốn" vì áp lực và quyết tâm quay lại với nghề

Anh từng chia sẻ mình không “can tâm tình nguyện” học Y, anh thích Mỹ thuật hay Kiến trúc nhưng vì mong muốn của cha mẹ mới theo ngành này. Hiện tại, anh là một bác sĩ tâm huyết, người thầy giáo hết lòng vì sinh viên. Vì sao lại có sự thay đổi này?

Mẹ tôi làm giáo viên còn bố làm bác sĩ. Ngày học cấp 3, tôi đã mơ ước làm kiến trúc sư, họa sĩ. Tôi còn giấu bố mẹ đi học vẽ. Nhưng gia đình tôi có truyền thống là nghề y nên bố mẹ muốn tôi thi vào y. Tôi đành chuyển từ ôn khối A sang khối B.

Các bậc phụ huynh luôn muốn con cái có tương lai chắc chắn. Bởi vậy, bố mẹ thường suy nghĩ nếu con cái đi theo nghề của mình thì có thể giúp đỡ được nhiều hơn. Điều này tôi rút ra được sau nhiều lần nói chuyện với bố để hiểu vì sao ngày xưa ông cứ nhất mực bảo “đã y là y”.

Mơ ước làm kiến trúc sư, hoạ sĩ nhưng cha mẹ bảo học y. Đến giờ tôi thấy đó là nghiệp và đang làm tốt nhất có thể Bác sĩ Ngô Đức Hùng

Lúc đó, bố mẹ tôi nghĩ nếu không học y, tôi làm giáo viên cũng được vì có thể đứng đằng sau hỗ trợ ít nhiều.

Vậy mà khi tôi học y, có lúc bố mẹ cũng hối hận vì thấy tôi học quá vất vả. Họ cũng từng nói tại sao lại cho con học y. Nhưng thời điểm đó trách móc nhau chỉ làm mọi người khó nghĩ hơn. Thậm chí, không ít lần cha hỏi tôi theo nghề y có áy náy không. Tôi chỉ cười vì coi là cái nghiệp mình phải theo suốt đời.

Không chỉ theo nghề y, mà anh còn chọn chuyên ngành Cấp cứu - vừa vất vả vừa phải đối diện với nhiều nguy hiểm, cũng là chuyên ngành nhiều sinh viên y “né” nhất. Lý do của anh là gì vậy? 

Nhiều người cũng có câu hỏi như thế. Khi còn là sinh viên đi trực cấp cứu, tôi thấy mọi người làm việc phản ứng rất nhanh. Ngoài ra, ở phòng cấp cứu còn được sử dụng các máy móc khác nhau nên tôi rất thích. Thích là thế nhưng khi bắt tay vào làm việc thì rất vất vả.

bs ngo duc hung 3.png
Bác sĩ Ngô Đức Hùng trong buổi hướng dẫn sơ cứu ngoài cộng đồng. Ảnh: BSCC.

Đặc thù ngành cấp cứu, người ta nghỉ mình phải làm việc thậm chí còn làm nhiều hơn. Lịch trình sinh hoạt hằng ngày bị đảo lộn, ví dụ bữa trưa thường xuyên vào lúc 14h. Đặc biệt là dịp lễ Tết xác định không có ngày nghỉ.

Bởi vậy, các bác sĩ của Khoa Cấp cứu đều lần lượt bị đau dạ dày. Tôi bị xuất huyết tiêu hóa 3 lần do stress, ăn uống không đúng giờ. Lần đầu là hơn 10 năm trước, khi đó tôi còn làm bác sĩ nội trú. Không chỉ viêm dạ dày mà tính tình mình cũng thay đổi. Tôi cảm nhận mình nóng tính hơn rất nhiều.

Thường xuyên phải đối diện với lằn ranh giữa sự sống - cái chết, có ca bệnh nào khiến anh bất lực, nhớ mãi không? 

Ca bệnh khiến tôi thất vọng nhất là một thanh niên 18 tuổi làm nghề sửa ô tô. Cậu ấy chui xuống gầm xe đã được kích lên nhưng cái kích sập xuống. Toàn bộ thùng xe tải ập xuống đè lên người bệnh nhân. Lúc đó, tôi vẫn là bác sĩ nội trú năm thứ nhất. Khi đưa đến cấp cứu, toàn thân của chàng trai không có tổn thương nào cả nhưng sức ép đè lên xé rách toàn bộ cơ tim, dập nát cơ tim. Máu rỉ ra ngoài rất nhiều. Thời điểm vào viện, bệnh nhân vẫn nói chuyện được. Khi đặt máy siêu âm vào thì toàn bộ màng ngoài tim chảy nhiều máu và chỉ 10-15 phút sau bệnh nhân lịm dần. 

Các bác sĩ không thể làm gì cứu bệnh nhân được vì cơ tim đã hỏng. Ngay cả ở thời điểm bây giờ, bác sĩ cũng không thể làm gì hơn, bất lực đứng nhìn bệnh nhân chết mà không thể cứu được.

BS ngo duc hung 4.png
Từ cầm bằng về quê nghỉ ngơi, bác sĩ Hùng đã quay trở lại công việc sau cú hích tại bệnh viện tỉnh. Ảnh: BSCC.

Tôi nhớ mãi câu nói của nam thanh niên ấy: “Anh ơi em đau lắm, em có chết không?” rồi cậu ấy mất ý thức và tử vong.

Sau ca bệnh này, tôi bị sốc nặng. Tôi rơi vào tình trạng stress nặng từ đó. Chính vì thế, khi học xong nội trú, tôi thấy "trời ơi làm bác sĩ cấp cứu vất vả quá". Cầm bằng trên tay, tôi quyết định “khăn gói” về quê với vài bộ quần áo kèm theo thùng sách.

Cả nhà không ai hỏi gì vì biết tính của tôi. Thời gian đó, tôi nghĩ mình cần nghỉ ngơi chứ không phải muốn đổi nghề. Tôi cho mình thời gian “hưởng thụ”. Tôi tha hồ làm những việc mình thích, gấp giấy, đọc sách, chụp ảnh. Chơi chán thì xem tivi, xem tivi chán thì ngủ. Rồi tôi lại tuyên bố đi làm.

Tôi vào bệnh viện tỉnh công tác và gặp ca bệnh thứ 2 mang tính “cú hích” trong cuộc đời làm bác sĩ của mình. Đó là một cậu bé câm điếc bẩm sinh bị đuối nước. Khi vào cấp cứu, tính mạng cậu bé đã “ngàn cân treo sợi tóc”, phổi trắng xóa. Cuộc đấu trí cân não giữa “tử thần” và bác sĩ cấp cứu bắt đầu. 20 ngày, chúng tôi giằng co để cứu bệnh nhi rồi cậu bé tỉnh. 

Khi tỉnh, trẻ đã chỉ tay về phía tôi, nở một nụ cười rồi đặt tay lên ngực của mình. Nụ cười của cậu bé câm, món quà cảm ơn các bác sĩ của gia đình là một thúng bánh đúc cùng lá thư dài 4 mặt giấy khiến tôi bắt đầu nghĩ khác. Tôi nghĩ ở đâu đó ngoài kia còn rất rất nhiều người cần đến sự tận tâm của một bác sĩ hồi sức cấp cứu. Tôi quyết định quay lại với con đường khoa học đầy chông gai này.

Đến bây giờ khi đã gắn bó với nghề, chắc hẳn đối với anh, bác sĩ không chỉ là một nghề để kiếm sống?

“Anh có yêu nghề không” là câu tôi thường xuyên được hỏi. Đến lần ra mắt cuốn sách 3 phút sơ cứu, lại có người hỏi tôi “Anh có yêu nghề cấp cứu này không”. Mỗi lần có người hỏi tôi điều đó, tôi lại nói: "Đừng hỏi tôi có yêu nghề này hay không mà hãy hỏi tôi làm nghề này có tốt hay không?". 

bs ngo duc hung 5.png
Bác sĩ Hùng trong một buổi giảng dạy cho sinh viên. Ảnh: BSCC

Tôi đã làm và theo đuổi nghề này bao năm và vẫn đang cố gắng làm việc tốt nhất có thể. Đến giờ, chuyện mình có yêu nghề hay không, với tôi không còn ý nghĩa nữa vì đã theo đuổi tới nửa đời người rồi. Bác sĩ cấp cứu đã trở thành cái nghiệp và tôi đang “đâm lao thì phải theo lao”, đến thời điểm nào đó nó trở thành đam mê.

Lấy sự "đanh đá" để gửi thông điệp tới cộng đồng

Là thầy thuốc, thầy giáo nhưng trên mạng xã hội, nhiều người đều nhận thấy anh hơi “ngoa ngôn”, người ta còn bảo anh là “bác sĩ đanh đá nhất Vịnh Bắc Bộ”. Anh nghĩ sao về nhận xét này? 

Nhiều người nói tôi đanh đá, chua ngoa không giữ hình tượng trên mạng xã hội. Tôi không cố gắng xây dựng hình ảnh mình là một bác sĩ đeo kính trắng đạo mạo và chuẩn chỉ như xã hội kỳ vọng.

Có lúc tôi nghĩ sống ảo thì phải khác. Tôi muốn viết “ngoa” để mọi người chú ý nhưng qua đó đều có thông điệp gửi gắm cộng đồng. Tôi thẳng thắn tranh luận trên mạng xã hội và đây là điều bình thường.

bs ngo duc hung 1.png
Bác sĩ Hùng ra mắt cuốn sách '3 phút sơ cứu'. Ảnh: BSCC.

Chúng ta phải có phản biện. Nếu thông điệp chúng ta đưa ra không có tranh luận, chỉ một chiều thì đương nhiên niềm tin không thể trọn vẹn.

Tôi muốn viết “ngoa” để mọi người chú ý nhưng qua đó có thông điệp gửi gắm cộng đồng. Bác sĩ Ngô Đức Hùng

Mỗi người có phong cách viết khác nhau. Phong cách của tôi có thể gây khó chịu cho người mới đọc nhưng các cụ đã nói “thuốc đắng dã tật”, cách tiếp cận đó để lại ấn tượng cho mọi người nhiều hơn. Trong cuốn sách 3 phút sơ cứu, tôi nhấn mạnh với người đọc cần nhớ điều cốt lõi trong tất cả hành động là phải làm đúng trước khi làm đẹp - và thực tế là "những gì đúng thường ít đẹp". 

Trong cuộc chiến của tôi với các hội nhóm thực dưỡng, anti vắc xin, tôi phản biện và không quan tâm ai chê mình. Tôi chấp nhận bị "ném đá" vì suy nghĩ đơn giản nếu mình không lên tiếng thì “cái xấu sẽ lên ngôi”, mình là người tử tế thì không nên im lặng. Trong lĩnh vực sức khỏe, người làm sai có thể trả giá bằng cả tính mạng. Thậm chí người ta còn bảo tôi mua bằng 2 triệu đồng hay “mồm thuyền úp ngược”, tôi chẳng thấy buồn vì điều đó.

Tôi bật mí thêm, việc tranh luận với nhóm thực dưỡng, anti vắc xin cũng là một cách giải trí của tôi để xả stress rất tốt.