Tiếp sức cùng địa phương, đưa Mộc Bắc trở thành một vùng quê trù mật, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật  vào sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp, nhà khoa học xây dựng mô hình đưa các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất như xây dựng thành công 2 mô hình 60 ha lúa cùng giống, cùng phân bón, cùng quy trình chăm sóc, HTX liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Xây dựng 05 mô hình trồng ngô đông trên đất 2 lúa, với giống ngô mới NK 4300 sinh khối lớn phục vụ chăn nuôi bò sữa, giống ngô HN 88 thương phẩm mang lại thu nhập cao, bán với giá từ 6000 đến 7000 đồng/kg, tương đương với 75 triệu đồng/ha.

 

{keywords}
Cải thiện thu nhập nhờ chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. 

Kết quả triển khai thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp qua việc xây dựng chuỗi liên kết đã phát huy được thế mạnh đồng đất địa phương. Cụ thể, ở 2 vụ lúa HTX đã ký hợp đồng liên kết với Công ty Giống cây trồng Trung ương và Công ty cổ phần vật tư nông nghiệp Nghệ An xây dựng 2 mô hình sản xuất lúa giống mới. Trong đó, các doanh nghiệp cung cấp lúa giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật và thu mua toàn bộ sản phẩm cho người dân. Qua đó, năng suất và lợi nhuận tại các mô hình này cao hơn 10 – 15% so với ngoài mô hình. 

Cùng với cây lúa, HTX Mộc Bắc đã tổ chức sản xuất 5 ha cà chua bi trên đất 2 lúa làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu liên kết với Công ty TNHH Hội Vũ (Cụm Công nghiệp Cầu Giát). Diện tích sản xuất cà chua liên kết với doanh nghiệp đã cho giá trị đạt 450 triệu đồng/ha, cao gấp 10 lần cấy lúa.

Đối với sản xuất vụ đông, HTX Mộc Bắc đã xây dựng 5 mô hình trồng ngô đông trên đất hai lúa, gồm giống ngô lai NK4.300 sinh khối lớn phục vụ chăn nuôi bò sữa và ngô nếp HN88 thương phẩm. Với mô hình trồng ngô phục vụ chăn nuôi bò sữa, được các trang trại bò sữa trong xã ký hợp đồng thu mua cho người dân. Ngô nếp HN 88 được liên kết tiêu thụ cho doanh nghiệp chế biến, đem lại giá trị đạt 2,5 – 3 triệu đồng/sào. Do vậy, hiện cây ngô đã trở thành loại cây trồng chủ lực trong vụ đông, chiếm 85 – 90% diện tích đất hai lúa của xã. 

Hiệu quả rõ nét nhất từ liên kết trồng ngô trên đất hai lúa làm thức ăn xanh cho bò sữa. HTXDVNN Mộc Bắc đã ký hợp đồng với Công ty FrieslandCampina Hà Nam thực hiện trồng, chế biến, cung ứng thức ăn xanh ủ chua cho đàn bò sữa của doanh nghiệp với sản lượng 1.750 tấn/năm và người chăn nuôi bò sữa trên địa bàn xã cũng được hưởng lợi rất nhiều. Như trang trại chăn nuôi bò sữa của anh Nguyễn Tiến Đạt, nằm trong Khu trang trại bò sữa kiểu mẫu Công ty FrieslandCampina mỗi năm ký hợp đồng và nhập cả chục tấn cây ngô ủ làm thức ăn cho đàn bò. 

Theo anh Nguyễn Tiến Đạt, do số lượng đàn đàn bò lớn (gần 30 con) nên hằng năm lượng thức ăn xanh đều bị thiếu hụt. Có được sự liên kết với người dân thông qua HTX Mộc Bắc không còn lo nhiều đến nguồn thức ăn xanh trong quá trình chăn nuôi bò sữa.

Liên kết trong sản xuất cây ngô trên đồng ruộng Mộc Bắc lý giải được một phần trong quá trình phát triển chăn nuôi bò sữa tại địa phương. Hiện đàn bò sữa của xã Mộc Bắc lớn nhất tỉnh với hơn 1.600 con, sản lượng sữa bò nhập cho các doanh nghiệp 4.285 tấn. Theo lý giải của các chuyên gia, bò sữa sử dụng thức ăn xanh từ cây ngô là khá tốt. Do vậy, giá sữa bò tại Mộc Bắc hiện nay đang được thu mua ở mức cao nhất so với các vùng chăn nuôi bò sữa của cả nước, bình quân đạt từ 12 – 14 nghìn đồng/kg. Qua đó, mỗi năm, tổng giá trị thu được từ nguồn sữa bò đem lại cho xã 55 tỷ đồng.

Để có được các chuỗi liên kết trong sản xuất, HTX Mộc Bắc đã thực hiện tốt các khâu dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất và dịch vụ thỏa thuận. Như với dịch vụ thủy nông phục vụ sản xuất, HTX đã đầu tư kiên cố hóa 6,5 km kênh mương chính nội đồng bảo đảm tưới tiêu trên toàn bộ các cánh đồng liên kết sản xuất. Đồng thời, HTX giữ vai trò chính trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhất là hỗ trợ nguồn đầu vào (giống, vật tư…) cho xã viên, nông dân hình thành vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân thu mua sản phẩm. 

Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học – kỹ thuật, đưa máy móc vào nâng cao hiệu quả sản xuất trên đồng ruộng. HTX Mộc Bắc đi đầu trong việc đưa máy bay điều khiển từ xa vào phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho diện tích ngô giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả phun trừ và bảo vệ môi trường khi thu gom tập trung được vỏ bao bì đựng thuốc BVTV không bỏ ra môi trường…

Không thể phủ nhận, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Mộc Bắc đã chọn hướng đi đúng qua việc chú trọng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Từ đó phát huy hiệu quả trên đồng ruộng, tạo đà phát triển, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Lê Na 
Ảnh: Hoài Thanh