Mô hình trồng mận An Phước đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Cải tạo vườn tạp kém hiệu quả

Ông Phạm Thành Minh, thôn Sông Cầu, xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức từng đi tham quan một số vườn mận An Phước ở các tỉnh miền Tây. Sau những gì mắt thấy, tay nghe ông Minh đã cải tạo khu vườn trước đây trồng ngô, sắn xen với điều, cam, quýt nhưng hiệu quả kinh tế không cao để chuyển sang trồng mận An Phước.

Ban đầu, ông mua hơn 200 cây giống về trồng trên 6 sào đất nhà. Sau thời gian chăm sóc, tỉa bỏ bớt những cây ốm yếu, lựa chọn cây tốt để lại…, vườn mận của nhà ông Minh hiện còn 100 cây. Vườn mậnnhà ông Minh được thương lái tại Bà Rịa và các vùng lân cận đến vườn thu mua trực tiếp, với đầu ra, giá cả ổn định.

{keywords}
Một số nông dân huyện Châu Đức mạnh dạn chuyển đổi từ vườn cây tạp, vườn cây kém hiệu quả sang trồng cây mận, nhờ đó có thu nhập cao.

Theo ông Minh, cây mận An Phước dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, phân bón ít nên chi phí đầu tư thấp. Cây từ khi ra hoa đến ngày thu hoạch chỉ hơn 2 tháng. Ưu điểm là trái to, ngọt, giòn và mọng nước… nên được thị trường ưa chuộng. Với giá bán dao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg và đầu ra ổn định nên thu nhập của gia đình khá ổn định, mỗi năm gia đình ông thu về khoảng 20 tấn, sau khi trừ chi phí ông còn thu về khoảng 200 triệu đồng/năm.

Ở thôn Quảng Phú, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức, gia đình anh Minh cũng ngày càng khá giả nhờ cải tạo vườn cà phê, ruộng lúa năng suất thấp sang trồng cây mận; Hiện nay, với 6 sào đất gia đình anh Minh đang trồng 200 gốc mận giống An Phước. Mỗi năm gia đình thu về khoảng gần 40 tấn roi, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu về trên 300 triệu đồng. Đến nay, thành công từ mô hình của gia đình, anh Minh còn tích cực hướng dẫn người dân trong vùng kỹ thuật làm đất, trồng roi để tạo thu nhập ổn định cho gia đình.

Mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao

Ông Huỳnh Ngọc Sơn, Trưởng thôn Sông Cầu (xã Nghĩa Thành) cho biết, toàn thôn có 403 hộ, nếu như trước năm 2010, thôn có 34 hộ nghèo, thì đến nay giảm xuống chỉ còn 2 họ nghèo, hộ giàu và khá tăng lên hàng năm, trong đó có hộ của ông Phạm Thành Minh.

Ông Hoàng Quốc Thái, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thành cho biết, mô hình trồng mận An Phước của ông Minh là một trong những mô hình phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sắp tới, địa phương sẽ tiếp tục kiến nghị các cấp, ngành chuyên môn tạo điều kiện, hỗ trợ về vốn cũng như kỹ thuật cho các hộ nông dân phát triển những mô hình vườn cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, góp phần tích cực cho địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2020.

Đánh giá về kết quả của mô hình chuyển đổi từ các vườn cây kém hiệu quả sang trồng mận An Phước, ông Thân Xuân Động, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Châu Đức cho biết, mô hình cải tạo vườn tạp, vườn cây kém hiệu quả trên địa bàn huyện Châu Đức được đánh giá là ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thời gian tới, Hội Nông dân huyện đề xuất các cấp, ngành chuyên môn tạo điều kiện, hỗ trợ về vốn cũng như kỹ thuật cho các hộ nông dân phát triển những mô hình vườn cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế. Từ đó, tăng thu nhập, góp phần tích cực cho các địa phương trên địa bàn huyện hoàn thành các tiêu chí xóa đói giảm nghèo trong năm 2020.

Thúy Nga
Ảnh: Lê Hạnh