Cuối tuần, tôi cùng cậu con trai gom dọn những phế liệu quanh nhà. Con nhặt một đôi dép tổ ong đứt quai, định quăng vào sọt rác, tôi đưa tay can ngăn thằng bé lại. Con ngạc nhiên nhìn tôi và hỏi: “Sao mẹ không vứt đi, dép đứt thì làm được gì?”. Câu hỏi của con khiến tôi nhớ lại lúc bé từng hỏi cha mình câu y hệt.

Thuở ấy, tôi định ném đôi dép đứt quai mỏng đế mà cha đã mang suốt mấy năm trời xuống lòng sông đang cuồn cuộn con nước lớn trước nhà. Bàn tay gân guốc chai sạm của cha vội nắm lấy tay tôi can ngăn lại. Tôi cũng hỏi cha như vậy. Cha ân cần trả lời: “Cứ cất vào xó nhà, đôi khi vật ngỡ vứt đi lại còn giá trị”.

Khi chúng bạn trong xóm đến nhà chơi, thấy đôi dép đứt vẫn được cha nâng niu, cất giữ cẩn thận liền phá lên cười ngạc nhiên. Tôi vẫn đứng ra bảo vệ câu nói của cha đã dạy mình đến từng đứa, dù bản thân và tụi bạn không hiểu gì.

Cho đến một hôm, nắng hè đổ lửa như thiêu đốt mọi vật. Tôi cùng mấy đứa bạn trong xóm trèo lên cây to trước nhà hóng gió, dõi mắt ra xa nhìn đám cỏ khô cháy nắng đỏ cả gốc. Tiếng leng keng từ xa vọng lại kèm câu rao: “Ai dép đứt, nồi, thau hư đổi cà rem hông…!”.

Một người đàn ông đi bộ len lỏi qua từng ngõ xóm tiến gần. Cha gọi chú ấy vào, đưa ra đôi dép đứt để đổi lấy cho tôi một cây cà rem tỏa làn khói mát lạnh. Nhìn tôi sảng khoái vị cà rem béo, ngọt, lành lạnh, đôi mắt đen sạm của người cha vùng biển cơ cực ánh lên niềm hạnh phúc.

Đám bạn thấy thế liền phóng xuống cây nhanh như chớp, về lục tung mọi ngóc ngách trong nhà để tìm những đôi dép đứt, may ra còn sót lại đâu đó. Và cũng từ hôm đó, mỗi khi lượm nhặt được đôi dép đứt ở ven đường hay trôi dạt dưới sông, chúng tôi đều nâng niu cất giữ, chờ chú bán cà rem đến đổi.

dep to ong.jpg
Đôi dép cũ của bố đã giúp tôi đổi được một cây cà rem mát lạnh giữa mùa hè. Ảnh minh họa: TL

Cũng từ đó tôi biết trân quý mọi vật, không phí phạm. Lối sống tằn tiện từ cha bởi cuộc sống nghèo khó thuở xưa luôn thấm đẫm trong tôi.

Lối sống ấy cũng đã rất hữu ích với tôi thời đại học. Cuộc sống sinh viên khó khăn, tôi gom nhặt từng đồng tiền lẻ. Hễ tờ nào rách, tôi tỉ mỉ dán lại bằng lớp băng keo trong suốt, có bao nhiêu tôi bỏ vào cái túi vải cất trong cốp xe. Nó luôn đồng hành cùng tôi qua mọi buổi đi học.

Một lần, xe bị hư, tôi tấp vào sửa, đến khi tính tiền mới phát hiện quên mang ví. Đang lúc ngây người ra nhìn ông chủ tiệm, tôi sực nhớ cái túi vải trong cốp xe. Tôi vui mừng đem ra đếm, được gần 300 ngàn, vừa đủ trả tiền sửa xe.

Hôm ấy, chạy xe về, tôi không quên dõi mắt hướng lên nền trời trong xanh và thầm nghĩ có lẽ bên thế giới xa kia, lúc nào cha cũng dõi theo và nhắc nhở tôi về bài học quý giá ấy trong cuộc sống.

Lớp trẻ như con cháu tôi hiện giờ đã khá đủ đầy, đôi khi bánh trái các loại chúng còn chê. Tiếng rao có dép đứt đổi cà rem cũng đã đi vào kí ức. Đôi dép đứt nhiều lúc cho người thu mua phế liệu, họ còn từ chối. Nhưng giá trị tinh thần của nó không lúc nào tan biến trong tôi. Câu nói của cha vẫn vẹn nguyên giá trị.