Cuộc cách mạng về nhận thức
Trong buổi lễ ra mắt “Cẩm nang Chuyển đổi số” mới đây, đại diện Cục Tin học hóa, đơn vị được giao trực tiếp soạn thảo cuốn cẩm nang này cho hay, Chuyển đổi số, bắt đầu từ những đột phá công nghệ số, nhưng chuyển đổi số không phải chỉ là công nghệ số, mà quan trọng hơn, chuyển đổi số là chấp nhận cái mới, do đó chuyển đổi số là cuộc cách mạng về nhận thức nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ..
Gồm hơn 20 câu hỏi lớn và 100 câu hỏi nhỏ, “Cẩm nang Chuyển đổi số” ghi tóm lược những điều quan trọng và thiết yếu của chuyển đổi số. Cẩm nang được trình bày một cách ngắn gọn, súc tích, trong sáng để đảm bảo mọi người dễ đọc, dễ hiểu và cảm thấy thú vị.
(Ảnh minh họa) |
Câu trả lời được trình bày gồm trước tiên là nội dung giải thích ngắn gọn nhất, sau đó là một số câu hỏi và câu trả lời mang tính giải thích sâu hơn, dành cho những ai muốn quan tâm sâu hơn, và cuối cùng là một số ví dụ minh họa, dành cho những ai muốn liên hệ thực tế.
Nội dung cẩm nang được cấu trúc thành 4 phần chính, phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau, bao gồm: cẩm nang cơ bản, cẩm nang cho người dân, cẩm nang cho doanh nghiệp, cẩm nang cho cơ quan nhà nước.
Cẩm nang chuyển đổi số có nhiều tầng nấc tri thức phục vụ nhu cầu tìm hiểu từ nông đến sâu của người đọc. Cẩm nang cũng mang đến với người đọc các câu chuyện về chuyển đổi số từ khắp nơi trên thế giới.
Cẩm nang này có thể trở thành một cuốn sách truyền cảm hứng, để mỗi khi đọc nó, người dân, doanh nghiệp, tổ chức thấy chuyển đổi số không phải là việc xa vời mà rất gần gũi, không phải việc khó khăn mà kỳ thực rất đơn giản, để có thêm động lực để khởi đầu và tiếp tục quá trình chuyển đổi số cho bản thân và đơn vị.
Trẻ em rất cần được bảo vệ trên môi trường mạng
Tại lễ ra mắt, Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa cũng cho biết, dự kiến sắp tới Cục Tin học hóa sẽ thiết kế website của Cẩm nang theo hướng mở như wiki pedia để mọi người có quyền góp ý, chỉnh sửa cho cuốn Cẩm nang.
Đối với là trẻ em, học sinh, một đối tượng cũng rất cần được bảo vệ trên môi trường mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có tài liệu hướng dẫn về kỹ năng an toàn thông tin theo với hình thức truyện tranh hay hoạt hình để các em dễ tiếp thu, học mà chơi, chơi mà học.
Được biết, ý tưởng về việc thực hiện ấn phẩm trang bị các kỹ năng số cơ bản cho trẻ em dưới hình thức truyện tranh được học tập từ kinh nghiệm của Nhật Bản.
Theo đó Cục Tin học hóa với mong muốn ấn phẩm sẽ tiếp cận đến các em học sinh một cách dễ dàng hơn và cũng dễ hiểu hơn.
Tuy nhiên Cục cũng trăn trở là làm sao để truyền tải kiến thức, kỹ năng nhưng không làm dày thêm sách giáo khoa, nặng thêm cặp đi học của học sinh và quan trọng nhất là để các em học mà như đang chơi.
Hiện Cục Tin học hóa đang phối hợp với Bộ GD&ĐT và một hãng công nghệ xây dựng chương trình nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho học sinh, sinh viên.
Đến nay, nội dung chương trình này đã cơ bản được xây dựng xong, đang xin ý kiến đóng góp. Kỳ vọng chương trình nâng cao nhận thức về an toàn thông tin sẽ thiết thực với các em học sinh, sinh viên, các đơn vị soạn thảo dự kiến trang bị các kỹ năng cho học sinh tiểu học qua các video clip ngắn, đơn giản cũng như tổ chức các cuộc thi cho học sinh trung học.
Bích Hạnh