Đại sứ quán Úc cho biết, Chính phủ Úc hiện đang điều tra khiếu nại về vấn đề ngược đãi động vật nghiêm trọng tại Việt Nam.
Đại sứ quán Úc cho biết, cuộc điều tra diễn ra dựa trên thông tin gia súc nhập khẩu từ Úc đã được cung cấp cho những lò mổ không được cấp phép và việc giết mổ và xử lý bò Úc sai quy chuẩn đang diễn ra ở cả những lò mổ được cấp phép và không được cấp phép ở xã Phú Xuyên, Hà Nội, Việt Nam.
Thông tin này được chứng minh bằng các hình ảnh video ghi lại được.
Hiện nay, Úc áp dụng Hệ thống Đảm bảo Chất lượng Chuỗi cung ứng Xuất khẩu (ESCAS) để đảm bảo rằng những gia súc sống được xuất khẩu từ Úc phải được xử lý theo tiêu chuẩn phúc lợi động vật quốc tế, đồng thời cung cấp quy trình xử lý khi xảy ra các vấn đề xâm hại về phúc lợi động vật.
“Chúng tôi đã xem xét đoạn phim và nhận định rằng có đủ bằng chứng để tin rằng gia súc xuất hiện trong đoạn phim là gia súc từ Úc và những yêu cầu truy xuất nguồn gốc và kiếm soát ESCAS cũng như yêu cầu phúc lợi động vật đã không được đảm bảo”, lãnh đạo Đại sứ quán Úc khẳng định.
Dây chuyền giết mổ bò Úc của Vissan |
Đại sứ quán Úc cũng cho biết, trước đây đã từng có các báo cáo về việc không tuân thủ quy chuẩn ESCAS và một số cơ sở, nhà nhập khẩu đã bị loại ra khỏi chuỗi cung ứng hợp chuẩn.
“Chúng tôi đã tiến hành cuộc điều tra toàn diện và yêu cầu các nhà xuất khẩu xem xét nguồn cung cho 16 cơ sở giết mổ và 2 cơ sở chăn nuôi tại Việt Nam để chắc chắn rằng bất cứ gia súc Úc nào còn ở các cơ sở này sẽ được rời đi hoặc được giết mổ nhân đạo”, lãnh đạo đại Sứ quán Úc nói.
Cũng theo Đại sứ quán Úc, lệnh cấm xuất khẩu vẫn có hiệu lực cho đến khi cuộc điều tra được hoàn tất hoặc có đủ thông tin cần thiết để đưa ra quyết định chính thức.
Về việc này, cách đây ít hôm, ông Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc kinh doanh và phát triển thị trường Công ty TNHH Thương mại Thực phẩm sạch (thành viên Công ty CP Kết Phát Thịnh ở Long An, chuyên nhập khẩu bò Úc), cho biết công ty có lịch sử tuân thủ tốt quy định từ phía Úc nhưng không loại trừ khả năng bị vạ lây.
Lý do là Việt Nam đã có 2 lần bị cảnh báo về mổ bò bằng búa (lần đầu vào năm 2015), nếu còn tái diễn thì có khả năng Úc sẽ cấm xuất khẩu bò sang Việt Nam như đã từng làm với Indonesia trước đây. Úc làm thương hiệu bò thịt khá tốt, nhiều nước đang xúc tiến nhập khẩu bò từ nước này nên sẽ không ảnh hưởng nhiều nếu mất thị trường Việt Nam.
“Hiện tại, các nhà nhập khẩu và cơ sở giết mổ ở phía Nam vẫn hoạt động bình thường do tuân thủ tốt các quy định về phúc lợi động vật. Ở phía Bắc, sở dĩ xảy ra tình trạng bát nháo như trên là do mặt bằng giá thịt thấp, trong khi biên độ lợi nhuận của việc nhập bò Úc về giết mổ thời gian qua giảm nên một số đầu mối đã bán bò mà không kiểm soát được giết mổ như cam kết ban đầu” - ông Phong nhận xét.
Được biết, tại Úc, việc giết mổ động vật được tiến hành theo tiêu chuẩn, gồm quá trình sản xuất, vận chuyển thịt và các sản phẩm từ thịt hợp vệ sinh. Ngoài đảm bảo an toàn thực phẩm, mục đích chính của tiêu chuẩn Úc là giảm nguy cơ chấn thương, đau đớn cho con vật.
Tại lò mổ, vào hôm trước hoặc trong ngày giết mổ, các gia súc như trâu, bò, cừu, dê và lợn được cho ăn, uống nước, nghỉ ngơi. Người ta sẽ tách những con bị ốm hoặc bị thương khỏi nhóm để chữa trị hoặc hưởng cái chết nhân đạo.
Trong vòng 24 giờ trước khi con vật bị giết thịt, thanh tra an toàn thực phẩm sẽ kiểm tra nhằm đảm bảo chúng khỏe mạnh, có thể cung cấp thịt đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của con người.
Trước khi bị giết, con bò được lùa vào trong lò mổ và phòng sốc điện. Căn phòng này tách con vật với đồng loại của nó đang đứng bên ngoài. Chỉ vài giây sau khi con vật được đưa vào phòng sốc điện, người ta dùng thiết bị truyền điện phóng thẳng vào não của nó.
Sau khi bị sốc điện và bất tỉnh, bò được treo lên móc. Vài giây sau đó, người ta dùng thiết bị chuyên dụng cắt vào động mạch của nó để “tháo máu”. Vì con vật đã bất tỉnh nên nó không hề cảm nhận được đau đớn trong quá trình này.
Sau quá trình giết mổ, thanh tra an toàn thực phẩm tiếp tục kiểm tra xem thịt của nó có phù hợp với nhu cầu tiêu thụ của con người hay không. Nếu không phù hợp, số thịt này có thể được chế biến làm thức ăn động vật, chế phẩm y tế hoặc bị đem đi tiêu hủy.