Mưu sinh nơi đất khách

Các gia đình nông dân nghèo thu nhập cả năm tầm 8 triệu đồng trong khi chi phí học tập, sinh hoạt của con họ - những sinh viên, học sinh - cũng 7-8 triệu đồng. Để thực hiện ước mơ con trẻ, nhất là hóa giải lời nguyền "chỉ học mới thoát nghèo", những bậc sinh thành lặng lẽ rời quê hương, gạt nước mắt xa gia đình tới thành phố mưu sinh bằng sức lực và nỗi nhọc nhằn.

{keywords}
Ảnh: Hồ Giáp

Họ sống bằng nghề chạy xe ôm, bơm ga, phụ hồ, bán vé số, bán đồ ăn dạo, phụ việc từ mờ sáng đến khi những quán nhậu đêm tắt đèn.

Các chị, các mẹ sau một ngày hơn 16 tiếng vất vả về ngủ vội trong những căn nhà trọ tập thể năm ba chục người tại ven kênh Nhiêu Lộc hay gần cầu Bình Triệu. Mỗi người là một chiếc chiếu ngả lưng với giá 10.000 đồng gồm cả tắm giặt. Có người vội mở lá thư từ quê nhà ra xem, ngắm nghía từng nét chữ nguệch ngoạc của trẻ mà hai hàng lệ rơi. Có chị không biết chữ hoặc chữ không nhiều nhờ người viết hộ lời động viên con ở nhà học hành với lời hứa “Tết cha mẹ về”.

Quê hương miền Trung trong đó có đất học Tuy Hòa dần phát triển từ những chịu đựng, hy sinh đó. Tôi chợt nhớ đến một cô bé, đạt giải 3 giỏi Văn toàn tỉnh Phú Yên, không vào khoa Văn - ĐH Sư phạm dù được tuyển thẳng, miễn học phí. Cô rớt ĐH Kinh tế, quyết tâm thi lại năm sau. Ngày phụ bán hàng, chiều tối về học luyện thi. Cô nói quyết tâm xây dựng quê hương Phú Yên giàu và đẹp không bằng văn chương như bài thi mà bằng kiến thức kinh tế. Đã hơn 20 năm rồi... Ra đi để trở lại.

Nước mắt cựu binh già

Năm 1977, hàng vạn thanh niên xếp bút nghiên ra chiến trường Tây Nam. “Đoàn quân vội đi, đi về biên giới, cũng từ biên giới về, những bầy trẻ nhỏ. Đoàn quân lặng im, nhìn đàn em bé, từng đôi mắt đen xoe tròn, từng đôi mắt mang hình viên đạn, từng đôi mắt sáng lên cháy lên như ngàn viên đạn, từng đôi mắt quê hương trao cho đoàn quân”... Bài hát còn in đậm trong ký ức của anh lính trẻ nay đã là những cựu binh đầu bạc.

Cuộc sống đang bình an, hàng ngày dắt cháu đến trường, nhìn những đôi mắt xoe tròn trong trẻo dễ thương, nhưng ngày đầu tháng 10, họ nghẹn ngào xúc động khi nhìn những đôi mắt trẻ xoe tròn ngơ ngác trên bờ vai cha, những đôi mắt nhắm nghiền đang ngủ của trẻ trên vòng tay mẹ. Tất cả trên một chiếc xe gắn máy vượt hơn 1.000 cây số để về quê, ra khỏi Sài Gòn. Đôi mắt lo âu của người cha đang lèo lái cả gia đình, ánh mắt trìu mến của người mẹ nhìn con trẻ. Rồi những đôi mắt chăm chăm khi cha mẹ chúng xin qua chốt để về quê, chắc hình ảnh đó hằn sâu trong ký ức.

Người cựu binh già buồn vì mọi cố gắng của lãnh đạo thành phố không giữ chân họ ở lại được và buột miệng “Thôi để cho họ về”. Ông cũng buồn vì sự hiến dâng của thế hệ mình cho thành phố đáng sống và tươi đẹp, nay phải chứng kiến nhiều cảnh đau lòng. Từng dòng người bỏ ta đi, dứt khoát bỏ ta đi.

Người lính già thở dài lo lắng cho những đứa trẻ thơ trải qua đêm ngoài trời sương lạnh, hết nắng cháy đến mưa dầm. Ông không đi tu mà bỗng niệm phật cầu an lành.

{keywords}
Những gói xôi nóng hổi được kịp thời đưa ra khu vực tiếp đón bà con đi xe máy từ phía Nam trở về. Ảnh: Trần Hảo

Hàng ngày đi làm bỗng thấy hình ảnh các bạn trẻ đứng dọc đường trên tay cầm bảng tiếp sức đồng bào, cầm những ổ bánh mì, chai nước mát, hộp cơm và cả tiền mặt để trao tặng những người không quen biết. Họ không cần mang ơn, chỉ cần mang đến hạnh phúc nụ cười cho bà con. Hình ảnh trải dài từ TP.HCM, Long An, Vĩnh Long đến tận Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh.... Khóe mắt cay cay nghĩ về năm chữ “Vô giá nghĩa đồng bào”.

Tình nghĩa đồng bào

Cũng như người lính già kia, nhiều vị lãnh đạo không lường trước được tình hình. Những người mà 100 ngày trước đó vẫn tuân thủ các chỉ thị 15, 16, không kêu ca dù thiếu thốn. Vì cam chịu và nghĩ họ chỉ là ở tạm.

Rồi khi dịch bệnh ngoài tầm kiểm soát. Trong những ngày giãn cách nghiêm ngặt, tôi đã từng đến những khu trọ ở xã Tân Kiên, Bình Chánh. Một không khí âm u, im lặng, những cửa phòng trọ khép hờ hững... Họ im lặng chờ đợi và chờ đợi cũng lâu, và đành bất lực.

Tuyệt vọng hơn là những người lớn tuổi, bệnh 2 tháng không đến bệnh viện, mua đại vài viên thuốc tự uống qua ngày. Cái kết là họ không qua khỏi, cả khu xóm trọ càng hoang mang. Xóm trọ sống trong sợ hãi bởi những ca dương tính, gọi điện đến y tế địa phương nhưng cả tuần không thấy ai đến, không thấy ai cho thuốc. Quyết tâm trong lòng về thôi, vì quá sợ.

Không biết cô Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên Phạm Thị Minh Hiền có con lớn đi xa nhà chưa? Trong đại dịch có những bà mẹ hằng đêm khắc khoải nguyện cầu mong phép lạ đem con về ngay trong vòng tay của mình. Về đi con, tìm cách về đi con, ở đây có cha mẹ, có cả quê hương, giọng nói thân quen ấm áp. 

Trước những nỗi lo của  người dân quê nghèo, lãnh đạo nhiều tỉnh thành tổ chức cho người dân trở về quê trong trật tự, an toàn. Hàng ngàn, hàng chục ngàn hoàn cảnh đáng thương được trở về trên những chuyến xe đong đầy yêu thương, trách nhiệm.

Sự lo toan vất vả của các lãnh đạo địa phương thể hiện tình nghĩa, trách nhiệm với đồng bào của mình. Cùng với đó là đóng góp tài lực, chia sẻ của nhà hảo tâm, doanh nghiệp... Những quyết định táo bạo, dám nghĩ dám làm trên nền tảng khoa học của lãnh đạo tỉnh Phú Yên, trong đó có cô Minh Hiền là một minh chứng.

Cho đến nay, sự di dân có trật tự và an toàn khẳng định đúng điều đó.

Khi tôi viết những dòng này là lúc anh em lái xe chở bà con về Hà Tĩnh trong trời mưa gió. Cầu nguyện cho mọi điều tốt đẹp đến với đoàn xe vì nghĩa đồng bào. Mong ước các lãnh đạo địa phương nhiều sức khỏe, vì an sinh và bảo vệ an toàn cho người dân trở về.

Từ Đức Duy

Sự vô giá của nghĩa đồng bào

Sự vô giá của nghĩa đồng bào

Tôi sẽ luôn khắc sâu trong tâm niệm về sự vô giá của nghĩa đồng bào - Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên Phạm Thị Minh Hiền chia sẻ sau những ngày tham gia đón công dân trở về từ phía Nam.