Không ít trong số những “người nhà nước” đang thiếu đi sự thông cảm cần thiết, thậm chí có thái độ coi thường, với những người dân quanh mình.
Cán bộ, công chức không biết cười sẽ bị sa thải
Tháng 4 năm ngoái, Giáo sư Hiroshi Ishiguro thuộc trường Đại học Osaka, Nhật Bản đã khiến thế giới “mắt chữ O, mồm chữ A” khi giới thiệu một "nữ robot" gọi tên là Geminoid F. Geminoid F làm thế giới kinh ngạc bởi “cô” có thể nói, hát và đặc biệt, cô “biết cười” với 65 biểu hiện sắc thái khác nhau trên khuôn mặt.
Có điều, khi clip về Geminoid F được tung lên mạng, những con người sinh ra đã bẩm sinh biết cười, chỉ…mỉm cười mà bình luận rằng: Geminoid F đang nhếch mép, đang nhe răng chứ đâu phải là cười.
Đấy. Con người có thể chinh phục mặt trăng, chế tạo phi thuyền, biến gái thành trai… nhưng khoa học có tiến bộ đến bao nhiêu, con người có sáng tạo đến thế nào cũng không thể tạo cho rô bốt một nụ cười đúng nghĩa. Rất đơn giản thôi, một nụ cười trước hết phải bắt nguồn từ cảm xúc, thứ mà ma nơ canh có đẹp, có thật đến mấy hay rô bốt thế hệ thứ bao nhiêu bao nhiêu cũng không thể có như con người.
Công an TPHCM đang tập huấn cho CSGT cười khi tiến hành xử phạt. |
Ấy thế mà trong khi Giáo sư Hiroshi đáng kính vắt óc toát mồ hôi để tạo ra một nụ cười cho người máy, thì ở xứ Việt ta, có những người lại “không biết cười”.
Chẳng phải người máy. Cũng không phải Ma nơ canh. Là “cán bộ nhà nước”.
Tuần rồi, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Vĩnh Tân vừa có phát biểu xác định “vấn đề quan trọng nhất” là địa phương tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phải thay đổi ứng xử từ việc thực hiện mệnh lệnh hành chính sang hành chính phục vụ dân. Tuổi trẻ dẫn lời ông Tân khẳng định: “Cán bộ không đủ chuẩn và không biết cười, không đồng cảm với nhân dân thì dứt khoát phải cho nghỉ”.
Thế nào là “không biết cười”?, thế nào là “không đồng cảm” để có thể “cho nghỉ”- một trong những biện pháp xử lý hành chính nặng nhất đối với công chức? Chẳng văn bản quy phạm nào quy định. Cho nghỉ vì “không biết cười” hay vì “không đồng cảm” là khó chứ chẳng chơi.
Nhưng khó kệ khó, phát biểu của vị bí thư “gây bão” dư luận ngay bởi ông nói trúng tâm tư của ngót chín chục triệu đồng bào, những người hàng ngày hàng giờ phải tiếp xúc với không ít “rô bốt”, “ma nơ canh” hoặc “lạnh như kem” hoặc “nhăn như khỉ” mỗi khi có việc phải vào cửa quan.
Rất vui tính, có người đã đề xuất mở lớp dạy cười cho cán bộ, công chức nhà nước. Chắc là do nhớ tới “câu chuyện tháng tư” khi CSGT TP HCM lần đầu tiên mở lớp tập huấn để “CSGT biết cười và xin lỗi dân khi xử phạt vi phạm trên đường phố”, hay cách mà ngành y tế dạy “y bác sĩ học cách cười và nói cám ơn bệnh nhân”.
Ừ thì nụ cười, hay lời “cảm ơn”, “xin lỗi” dù là một kỹ năng, một thủ thuật, một phản xạ được giáo dục, nhưng việc nở một nụ cười trước khi giơ tay chào dân, hay nói lời xin lỗi thực ra cũng là cần thiết khi cuộc sống vốn đã có quá nhiều căng thẳng. Nhưng cũng phải thật thà mà nói, hé răng chưa chắc đã phải là một nụ cười.
Nụ cười, có lẽ khó có thể dạy, bởi nó phải bắt đầu từ cảm xúc, từ sự trân trọng, từ việc thông cảm giữa những con người và con người. Và quan trọng là nụ cười đó phải được gắn với những hành động cụ thể.
Chủ tịch nước kê ghế giữa cảng Sa Kỳ nói chuyện với ngư dân. Bộ trưởng Bộ Giao thông bỏ lễ khánh thành để đi Cần Giờ chỉ đạo cứu hộ. Nữ tân bí thư tỉnh ủy Ninh Bình đội mũ cối về nơi bão đổ bộ… Bao nhiêu là những hình ảnh đẹp, những câu chuyện gần dân, những sự đồng cảm. Nhưng bên cạnh đó, cũng còn vô số những câu chuyện, những nỗi bức xúc của người dân trước những “Rô bốt siêu vô cảm”.
Không ít trong số những “người nhà nước” đang thiếu đi sự thông cảm cần thiết, thậm chí có thái độ coi thường, với những người dân quanh mình. Đây là một sự thật. Và yêu cầu phải “biết cười”, vì thế, rất dễ dẫn đến những “nụ cười Geminoid F”- một ma nơ canh máy.
Ủng hộ vị bí thư tỉnh ủy. Nhưng xin nhắc ông rằng, muốn “biết cười”- với đồng bào của mình, muốn nụ cười không phải là “nhe răng, nhếch mép”, cán bộ công chức nhà nước trước hết phải biết khóc. Khóc chứ không phải rơi nước mắt, để bằng tấm lòng, thực sự đồng cảm với những khó khăn của nhân dân.
Bởi nếu có sự đồng cảm thực sự thì một nữ hộ sinh nào đó đã không để rơi những đứa trẻ vài ngày tuổi chỉ vì “trong khăn không có tờ 20 ngàn”. Bởi nếu có sự đồng cảm thực sự thì chẳng cần những quy định “CSGT chỉ được mang 100 ngàn”.
Và bởi, chỉ sự đồng cảm thực sự thì những hành vi bản năng như nở một nụ cười, nói lời cảm ơn, hay cất tiếng xin lỗi mà một đứa trẻ lên 5 đã được dạy, mới lại không, thật kỳ cục và ngược đời, trở thành bài học cho những lớn râu tóc đã đầy mồm vẫn vỗ ngực xưng là “đầy tớ của dân”.
Đào Tuấn