Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay, tình trạng công dân khiếu kiện tại trụ sở Tiếp công dân TƯ có thái độ quá khích, bức xúc gia tăng và ngày càng nghiêm trọng.

Trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo sáng nay tại phiên họp UBTVQH, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2016 có xu hướng giảm so với năm 2015.

{keywords}

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, tình hình khiếu kiện của công dân vẫn diễn ra phức tạp tại khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, miền Nam - nhất là sau khi xảy ra sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung. 

Đặc biệt, tình trạng công dân khiếu kiện tại Trụ sở Tiếp công dân TƯ có thái độ quá khích, bức xúc gia tăng và ngày càng nghiêm trọng.

"Đã xảy ra nhiều vụ việc công dân xô xát, đánh và đe dọa cán bộ tiếp công dân, khi được lực lượng chức năng nhắc nhở, tuyên truyền và vận động thì có thái độ bức xúc, thậm chí có hành vi chống đối, tấn công lực lượng bảo vệ", Tổng Thanh tra cho hay.

Ông dẫn dụ: công dân tỉnh Thanh Hóa chém vào đầu cán bộ của Ban; công dân tỉnh Nam Định đấm vào mặt Phó Vụ trưởng, Ban Nội chính TƯ; công dân Nghệ An, hộ khẩu thường trú tại tỉnh Đắk Lắk đe dọa giết Phó trưởng phòng Tiếp dân 1...

Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị báo cáo của Chính phủ cần tập trung phân tích, đánh giá sâu hơn nữa về nguyên nhân của tình trạng công dân khiếu kiện tại trụ sở tiếp công dân TƯ có thái độ quá khích, bức xúc gia tăng và ngày càng nghiêm trọng.

Chính phủ cần đánh giá cụ thể về chất lượng, hiệu quả, cũng như trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các cấp trong việc tổ chức tiếp công dân, việc tổ chức đối thoại trong tiếp công dân và gắn việc tiếp công dân với giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Đồng thời cần nêu rõ, đích danh người đứng đầu các ngành, các cấp không trực tiếp tiếp công dân và có biện pháp xử lý nghiêm đối với những người không thực hiện việc tiếp công dân theo quy định.

'Cán bộ tiếp dân trước hết phải ... chai mặt'

Thảo luận về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt đề nghị cần làm rõ, trong số các đơn thư khiếu nại thì bao nhiêu phần trăm là quấy rối, lợi dụng tình hình.

{keywords}

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt. Ảnh: Quốc hội

"Tôi rất chia sẻ chuyện thực tế mà nguy hiểm đó là sự can thiệp, chỉ đạo, nhận định của quan chức. Có những vụ việc rất đơn giản, anh em giải quyết đúng tinh thần, thì lại có điện thoại.

Can thiệt chỉ đạo làm méo mó sự việc. Có khi một sự việc 3 trường phái chỉ đạo, thì nghe trường phái nào?", ông Việt bày tỏ từ kinh nghiệm cá nhân.

Theo ông Việt, chọn cán bộ tiếp dân cũng phải có kiến thức.

"Tôi đã chứng kiến cán bộ không có kiến thức nói đúng thành sai, nói đơn giản thành phức tạp, nguy hiểm nhất là đổ lỗi. Thứ hai là trách nhiệm. Dù chia sẻ nhưng trách nhiệm của đội quân này cần phải chấn chỉnh", ông Việt nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng cho hay, trong nhiều vụ việc phức tạp, nghiêm trọng cán bộ tiếp dân phải là người có thẩm quyền, tránh tình trạng cử cán bộ văn phòng tiếp rồi chỉ biết "hứa sẽ trả lời".

"Chẳng lẽ một tháng chủ tịch tỉnh không thể tiếp dân một lần. Nếu anh đối thoại trực tiếp thì sẽ trả lời dân đúng, trúng. Đưa cán bộ văn phòng xuống gặp dân thì lại "nghe, tiếp thu để báo cáo trả lời sau thì bao giờ mới trả lại được. Làm tốt cái này thì chắc chắn hiệu quả sẽ tốt thôi", ông Đỗ Bá Tỵ nói.

Để giảm tình trạng dân đánh cán bộ tại trụ sở tiếp dân, Phó Chủ tịch Quốc hội góp ý, cũng phải coi trụ sở tiếp dân TƯ là cơ quan được bảo vệ thường xuyên. Vì theo ông, cán bộ trụ sở tiếp dân TƯ bị dân đánh thì ai còn yên tâm làm nữa.

H.Nhì