Ngọn giáo của Phù Sai, hay gọi tắt là Giáo Phù Sai, là phần đầu của cây giáo được các nhà khảo cổ Trung Quốc tìm thấy vào tháng 11/1983, khi họ tiến hành khai quật ngôi mộ cổ số 5 ở huyện Giang Lăng thuộc tỉnh Hồ Bắc.

Ngọn giáo của Phù Sai được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Wikipedia

Thông qua nhiều cuộc kiểm tra niên đại cổ vật, các nhà khoa học giám định ngọn giáo này được chế tạo vào cuối thời Xuân Thu (771 TCN – 476 TCN) trong lịch sử Trung Quốc. Ngọn giáo có chiều dài 29,5cm; phần rộng nhất của ngọn giáo là 5,5cm. Ở hai mặt của ngọn giáo có những họa tiết khá tương đồng với hoa văn trên thân thanh kiếm của Việt vương Câu Tiễn.

Giống kiếm Câu Tiễn, một mặt của ngọn giáo Phù Sai cũng được khắc tám chữ theo lối “Điểu trùng văn”, tức những loại chữ tượng hình sơ khai của văn tự Trung Quốc thời Xuân Thu – Chiến Quốc, với nội dung “Ngô vương Phù Sai tự tác dụng mâu”, nghĩa là ngọn giáo này của Ngô vương Phù Sai tự làm để dùng.

Tám chữ được khắc trên ngọn giáo của Phù Sai. Ảnh: Hubei Provincial Museum

Để lý giải việc ngọn giáo của Ngô vương Phù Sai, người trị vì cuối cùng của nước Ngô (nay là tỉnh Giang Tô thuộc vùng duyên hải miền đông Trung Quốc) lại nằm trong ngôi mộ cổ số 5 ở huyện Giang Lăng thuộc tỉnh Hồ Bắc, là mộ của một quý tộc người nước Sở thời Chiến Quốc (năm 403 TCN – 221 TCN), các nhà khoa học đã đưa ra lời giải thích như sau. 

“Khi nước Ngô bị nước Việt của vua Câu Tiễn tiêu diệt vào năm 473 TCN, nhiều báu vật của quốc gia này, trong đó có ngọn giáo của Phù Sai, đã bị sung vào trong quốc khố nước Việt. Về sau, khi nước Việt bị Sở, một trong bảy nước hùng mạnh nhất thời Chiến Quốc, tiêu diệt vào năm 306 TCN, thì ngọn giáo này lại rơi vào tay của người Sở. Rất có thể chủ nhân ngôi mộ số 5 là một quý tộc nước Sở, nên ngọn giáo Phù Sai mới được đem chôn theo người này”, trang 360doc dẫn lời một số nhà sử học nói.

Bản vẽ lãnh thổ nước Sở và Việt vào năm 350 TCN ở thời Chiến Quốc. Ảnh: Wikipedia 

Video giới thiệu sơ lược về ngọn giáo Phù Sai. Nguồn: CCTV 7/ Haokan