Trong đó phân tích một số cách tiếp cận chính sách nhằm quản lý rủi ro do công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra, đồng thời khuyến nghị cụ thể cho việc tiếp cận pháp lý về quản lý rủi ro AI trong Luật Công nghiệp công nghệ số. 

Rui ro AI.jpg
AI có tiềm năng mang lại lợi ích lớn cho phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam.

Các điểm chính được phân tích trong báo cáo gồm:  

AI có tiềm năng mang lại lợi ích lớn cho phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là nâng cao năng suất lao động, cải thiện năng suất, hiệu quả các ngành kinh tế hiện hữu.  

Từ góc độ rủi ro, công nghệ này cũng có thể tạo ra các tác động tiêu cực cả trên 2 bình diện cá nhân/công dân và xã hội. 

Cụ thể, rủi ro cho cá nhân/công dân gồm: Mất cơ hội việc làm do AI thay thế một phần/hoàn toàn lao động con người trong một số loại hình công việc cụ thể; Tác động đến an toàn cá nhân và quyền công dân (tác động đến phẩm giá con người khi mất danh tính, mất tương tác cá nhân; ảnh hưởng tới sự tự do khi bị thao túng và kiểm soát hành vi, bị giám sát theo dõi, hạn chế không gian riêng tư; gia tăng bất bình đẳng bởi sự thiên kiến và bị phân biệt đổi xử).

Ở cấp độ xã hội, tác động tiêu cực đáng lo ngại nhất là sự phân mảnh xã hội, giảm niềm tin, tính gắn kết cộng đồng và bỏ qua các nhóm dễ bị tổn thương.  

Theo các chuyên gia IPS, lợi ích lẫn rủi ro lớn lao mà AI tạo ra đang đòi hỏi các Chính phủ phải có các chính sách can thiệp vào sự phát triển của bản thân công nghệ AI lẫn thị trường ứng dụng công nghệ.  

Đối với Việt Nam, lợi ích của AI ở Việt Nam trên thực tế vẫn ở mức tiềm năng. Để biến tiềm năng đó thành hiện thực, cần có những can thiệp chính sách mang tính khuyến khích trong giai đoạn 3 - 5 năm tới.

Hơn thế nữa, do công nghệ AI vẫn đang tiếp tục phát triển trên bình diện toàn cầu, đưa ra quy định pháp lý cứng dễ khiến quy định bị lạc hậu, cản trở phát triển công nghệ. Do đó, Việt Nam nên chọn cách xây dựng quy định pháp lý theo hướng nới lỏng, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện cơ chế tuân thủ tự nguyện qua xây dựng và thực hiện các bộ quy tắc ứng xử hoặc tuân thủ các bộ tiêu chuẩn công nghệ do ngành công nghệ đặt ra.  

Cụ thể, nội dung về AI trong dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số nên đưa ra các nguyên tắc về phát triển, ứng dụng AI an toàn; quy định trách nhiệm về việc xây dựng, thực hiện các bộ quy tắc ứng xử về đạo đức và an toàn AI.

“Luật chưa nên đưa ra các nghĩa vụ pháp lý mang tính bắt buộc phải thực thi cho các chủ thể”, các chuyên gia khuyến nghị.