Trên thế giới, hoạt động chuyển đổi số trong quản lý chất thải công nghiệp đã phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Ứng dụng công nghệ số đã giúp các doanh nghiệp giảm nguy cơ sự cố chất thải, hoặc xử lý kịp thời khi sự cố xảy ra.

Minh chứng là một số tập đoàn sản xuất lớn trên thế giới như Adidas có hệ thống kiểm toán môi trường cho toàn chuỗi cung ứng của họ như các nhà máy sản xuất gia công, các nhà cung cấp hóa chất, nguyên vật liệu, các nhà cung cấp dịch vụ xử lý chất thải… Các ứng dụng công nghệ số đã giúp kiểm soát các dòng chất thải tái chế trên toàn chuỗi cung ứng về mặt khối lượng, chất lượng lẫn mục đích tái chế.

anh bai 31.jpg
Tại Việt Nam, hoạt động chuyển đổi số trong quản lý chất thải công nghiệp vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, hoạt động chuyển đổi số trong quản lý chất thải công nghiệp vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Một nhóm nghiên cứu của Đại học An Giang – Đại học Quốc gia TP.HCM đã tiến hành nghiên cứu phân tích hiện trạng chuyển đổi số trong hoạt động quản lý chất thải công nghiệp tại một số tỉnh phía Nam trên cơ sở phỏng vấn sâu các bên liên quan. 

Kết quả cho thấy, công tác báo cáo cũng như số hóa, phân tích và quản lý dữ liệu chất thải công nghiệp tại các doanh nghiệp Việt Nam không được quan tâm thực hiện đúng mức, mới chỉ áp dụng mức độ chuyển đổi số cơ bản, mặc dù đã có vài công nghệ số được triển khai như hệ thống định vị chất thải (GPS) và phần mềm kê khai phí bảo vệ môi trường nước thải. Công tác quản lý chất thải tái chế tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được đẩy mạnh và hỗ trợ bằng phần mềm dữ liệu. 

Đối với doanh nghiệp có yếu tố đầu tư nước ngoài chi phối thì có tiến hành số hóa hoặc số hóa một phần dữ liệu. Việc quản lý, chia sẻ dữ liệu/ thông tin giữa các phòng ban trong cùng một đơn vị được thực hiện thông qua hệ thống các phương tiện mạng xã hội (Zalo, Viber) và email. Hầu như tất cả các đơn vị đều sử dụng phần mềm Excel để làm công cụ phân tích và thống kê số liệu.

Doanh nghiệp sản xuất đều được yêu cầu kê khai khối lượng chất thải xử lý và tái chế (phế liệu) và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước định kỳ, tuy nhiên dữ liệu về chất thải tái chế chỉ tập trung ở các loại có giá trị cao như đồng, nhôm, giấy, nhựa,… Các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ thường không thống kê, quản lý và cũng không quan tâm đến quá trình tái chế một số loại chất thải có giá trị thấp phát sinh trong quá trình sản xuất như tro xỉ lò hơi, lò dầu và lò đốt chất thải. 

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, công tác số hóa cũng chưa được triển khai thực hiện mặc dù “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ–TTg ngày 3/6/2020. Kết quả khảo sát cho thấy một số cơ quan quản lý nhà nước hiện nay phải thuê đơn vị tư vấn hoặc sử dụng lực lượng sinh viên thực tập để thực hiện công tác nhập số liệu từ báo cáo giấy vào file Excel theo từng thời điểm khác nhau.

Cơ quan quản lý nhà nước là đơn vị quản lý tổng hợp tất cả các dữ liệu về môi trường của phạm vi tỉnh/ thành, có cái nhìn tổng quát và nắm rõ dòng thải phát sinh, lưu trữ, xử lý như thế nào, đồng thời là cơ quan hướng dẫn, giám sát các doanh nghiệp thực hiện công tác bảo vệ môi trường, nhưng do công tác số hóa chưa được quan tâm thực hiện nên nguồn dữ liệu phong phú không được khai thác hiệu quả.

Trên cơ sở phân tích các thông tin tổng quan và kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản lý chất thải và sử dụng tài nguyên.

Theo đó, vai trò của tiêu chuẩn và hướng dẫn chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý chất thải rất quan trọng, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và ban hành để doanh nghiệp và cơ quan quản lý có cơ sở triển khai thực hiện, nhằm hạn chế tối đa lãng phí công sức, chi phí và thời gian.

Song song với thể chế hóa công tác kiểm toán môi trường, cần phát triển các phần mềm và có sự đánh giá phần mềm trước khi khuyến nghị sử dụng nhằm mục đích đảm bảo sự tương thích và đồng bộ về kỹ thuật và dữ liệu.

Các dòng chất thải tái chế phát sinh từ các nguồn trong nước cũng cần được quản lý chặt chẽ về khối lượng, thành phần để xác định tiềm năng trao đổi và tái chế phù hợp, giảm thiểu các rủi ro về lãng phí chi phí vận chuyển và ô nhiễm môi trường.

Việc quy hoạch và thu hút đầu tư đối với các khu công nghiệp/khu chế xuất/khu công nghệ cao/cụm công nghiệp mới cần quan tâm đến các ngành nghề và công nghệ sao cho tối ưu hóa khả năng trao đổi chất thải trong khu/cụm…

Việt Hoàng và nhóm PV, BTV