Bên cạnh những kết quả như trên, hệ thống chính sách phát triển CNHT cũng còn những hạn chế nhất định, rất cần được quan tâm để hoàn thiện thêm. Góp ý cho hội thảo tái cơ cấu công nghiệp, PGS, TS. Vũ Văn Hà, Hội đồng Lý luận Trung ương đã nêu ra 5 khía cạnh cần rút kinh nghiệm.
Một là, tuy là chính sách phát triển CNHT khá đa dạng những còn thiếu thống nhất. Tính thiếu thống nhất thể hiện giữa các chính sách chồng chéo, khác biệt, chẳng hạn chính sách thu hút các doanh nghiệp FDI chưa gắn với các ràng buộc về trách nhiệm phát triển hệ thống nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam, chính sách hạn chế tiêu dùng ô tô cá nhân mâu thuẫn với quan điểm và định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô và điều này đã ảnh hưởng đến sự phát triển công nghiệp hỗ trợ. Thiếu tính thống nhất giữa các địa phương trong các chính sách hỗ trợ, ưu đãi gây khó khăn cho thu hút các doanh nghiệp CNHT. Để khắc phục điều này, ngoài việc rà soát kỹ khi ban hành các chính sách, rất cần có Ban chỉ đạo cấp quốc gia cho lĩnh vực CNHT và CNHT cho công nghệ cao.
Thứ hai, mặc dù hệ thống chính sách CNHT ban hành khá đầy đủ, nhưng việc triển khai chính sách vào thực tiễn còn chậm. Điều này bắt nguồn từ việc quy định trong chính sách đôi khi chưa cụ thể. Ví dụ nhiều doanh nghiệp gia công đang hiểu Nghị định 111 chỉ áp dụng ưu đãi đối với hoạt động sản xuất, nên gặp nhiều khó khăn trong việc xin xác nhận và áp dụng ưu đãi.
Thực tế nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT rất khó tiếp cận những ưu đãi theo chính sách quy định, nhất là các ưu đãi liên quan đến lãi suất, tín dụng. Bởi lẽ, muốn vay vốn cần không ít điều kiện. Trong khi nhu cầu vay vốn lại lớn, nhưng đa số doanh nghiệp CNHT có quy mô nhỏ, khả năng tài chính hạn chế, không có hoặc rất ít tài sản bảo đảm. Mặt khác, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp CNHT đa phần là trung và dài hạn để đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, song chính sách tín dụng ưu đãi thường chỉ áp dụng cho nhu cầu vốn ngắn, phạm vi ưu đãi hẹp, chưa kể rất ít doanh nghiệp được cấp chứng nhận thuộc đối tượng CNHT ưu tiên phát triển … nên khả năng tiếp cận nguồn vốn bị hạn chế. Rõ ràng để khuyến khích CNHT cần nghiên cứu ban hành chính sách phù hợp thực tế.
Thứ ba, nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ CNHT thời gian qua phát triển chưa đúng với tiềm năng có nguyên nhân một phần từ phía chính sách của Nhà nước. Các giải pháp chính sách cụ thể thiết thực chưa được cập nhật, điều chỉnh phù hợp từng thời kỳ, tạo ra môi trường cũng như cơ hội cho các doanh nghiệp CNHT, chính vì vậy tính dẫn đường của chính sách còn hạn chế. Bên cạnh đó chính sách gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cũng chưa có tính giàng buộc chặt chẽ, mới chỉ dựa trên cam kết của nhà đầu tư. Do vậy, để tạo khung pháp lý cao, thúc đẩy ngành CNHT phát triển, Chính phủ cần xây dựng và sớm trình Quốc hội ban hành Luật CNHT.
Thư tư, Việt Nam cũng chưa có chính sách thiết lập hệ thống thống kê đầy đủ về ngành CNHT. Hệ thống cơ sở dữ liệu về CNHT còn chưa hoàn thiện, chưa tạo thuận lợi trong việc thu thập, phân loại, tổng hợp, lưu trữ, kết nối và chia sẻ thông tin về các tình hình hoạt động của doanh nghiệp CNHT. Vì vậy, thông tin về lĩnh vực hoạt động, khả năng của các doanh nghiệp CNHT Việt Nam rất ít, không đủ để tạo nên cơ sở dữ liệu trợ giúp các doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm kiếm thông tin về nhu cầu đối với các chi tiết, linh kiện, về năng lực cung cấp các linh kiện, phụ tùng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng... để liên kết với nhau trong hoạt động.
Thứ năm, Nghị định 115 đã nêu 7 giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy CNHT, tuy nhiên cần đặc biệt chú ý chính sách phát triển thị trường cho CNHT như thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp hạ nguồn, công nghiệp vật liệu cũng như thu hút đầu tư sản xuất sản phẩm CNHT. Trên thực tế dù Nhà nước có hỗ trợ nhưng nếu không có được quy mô thị trường đủ lớn, các doanh nghiệp CNHT cũng không thể mở rộng sản xuất hiệu quả.
Thông qua thúc đẩy các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thị trường cho công nghiệp hỗ trợ trong nước sẽ được duy trì và mở rộng, tạo tiền đề để các doanh nghiệp CNHT trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.
Văn Quý (ghi)