Các phân tích của PGS, TS. Vũ Văn Hà, Hội đồng Lý luận Trung ương, sẽ cho thấy chính sách phát triển CNHT ở Việt Nam hiện nay đã thu được những kết quả ra sao?

Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) là ngành sản xuất đầu nguồn cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị, linh kiện và phụ tùng cho các ngành công nghiệp lắp ráp, sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh. Do vậy CNHT có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, chuyển đổi cơ cấu sản xuất của một quốc gia. Để đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế với mục tiêu đến năm 2025, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đến năm 2030, trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa phát triển CNHT.

Sản xuất ô tô Việt Nam (ảnh: Băng Dương)

Nhìn lại chúng ta thấy, chủ trương, chính sách phát triển CNHT ở Việt Nam cho đến hiện nay khá đa dạng và đầy đủ:

Thứ nhất, nhận thức về CNHT ngày càng rõ và đầy đủ về nội dung và vai trò, vị trí. Từ chỗ chưa có khái niệm về phát triển CNHT, xem như ngành phụ trợ, bổ trợ đã đi đến chủ trương, chính sách phải chú trọng ưu tiên thúc đẩy CNHT, coi CNHT có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, giúp nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng và phát triển CNHT là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam cải thiện chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững; 

Thứ hai, từ chính sách chú ý phát triển sản phẩm, ngành riêng lẻ đến chú ý phát triển cụm ngành, liên ngành, khu công nghiệp hình thành các chuỗi cung ứng nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, đưa phần giá trị gia tăng trong thành phẩm chiếm tỷ lệ ngày càng cao;

Thứ ba, phát triển các ngành CNHT nhằm cung ứng cho các cơ sở FDI đồng thời tiến đến mở rộng mục tiêu tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, hướng đến xuất khẩu các sản phẩm CNHT ra thị trường thế giới (chứ không chỉ là vệ tinh của các doanh nghiệp FDI trong nước);

Thứ tư, chú ý đến phát triển các doanh nghiệp lớn, mang tính lan tỏa, dẫn dắt, tạo chuỗi cung ứng không chỉ đối với các doanh nghiệp FDI mà ngay cả cung cấp cho các doanh nghiệp nội địa tạo sản phẩm hoàn chỉnh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, nâng tầm thương hiệu sản phẩm Việt Nam;

Thứ năm, từ chính sách cơ cấu ngành đã chú ý toàn diện hơn đến các chính sách khuyến khích, hỗ trợ…về thuế, tài chính, tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, hoàn thiện thể chế nhằm tạo môi trường cạnh tranh cho các doanh nghiệp CNHT phát triển ở Việt Nam

Thứ sáu, cùng với chủ trương đầu tư phát triển mạnh CNHT, Việt Nam đã hình thành hệ thống chính sách khá hoàn chỉnh với CNHT trên cả 3 mảng: 1- Các chính sách ưu đãi về đầu tư, về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, về thuế giá trị gia tăng, về  tín dụng; 2- Các chính sách hỗ trợ: hỗ trợ nghiên cứu phát triển CNHT, hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, hỗ trợ phát triển thị trường, hỗ trợ của Trung tâm phát triển CNHT; 3- Các chương trình hỗ trợ phát triển như: hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ nghiên cứu phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ cung cấp thông tin CNHT, hỗ trợ quốc tế, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật các sản phẩm CNHT, xây dựng cơ sở dữ liệu CNHT.

Doanh nghiệp công nghiệp trong nước cũng ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại (ảnh: Băng Dương)

Với hệ thống chính sách như trên đã góp phần thúc đẩy ngành CNHT dần phát triển, có thể thể nhận thấy trên mấy khía cạnh sau:

1- CNHT được quan tâm, thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng dần sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản… Bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa; Cơ cấu sản phẩm có sự dịch chuyển tích cực khi tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và vừa của Việt Nam đã tăng lên đáng kể, tạo cơ sở hình thành một số tập đoàn công nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 44,3% năm 2016 lên 49,8% năm 2020.

2- Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành CNHT tăng lên, hiện có 2.000 doanh sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh tham gia được vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Số doanh đang hoạt động trong CNHT chiếm khoảng 4,5% tổng số doanh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động chiếm 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo, doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh đạt hơn 900.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo...

3- Doanh nghiệp CNHT trong nước cũng ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo. Một số doanh sản xuất linh kiện của Việt Nam có năng lực tốt ở các lĩnh vực, như: sản xuất khuôn mẫu các loại; linh kiện xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật; săm lốp các loại… Chẳng hạn, tính đến năm 2020 số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Samsung tăng từ 35 doanh nghiệp năm 2018 lên 42 doanh nghiệp; số lượng nhà cung ứng cấp 2 tăng từ 157 doanh nghiệp lên 170 doanh nghiệp, 240 doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới cung ứng của Samsung. Ngoài Samsung, hiện có hàng trăm doanh nghiệp CNHT Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các hãng Toyota, LG, Trường Hải…

4- Năng lực sản xuất sản phẩm CNHT trong nước được nâng lên, tỷ lệ nội địa hóa của một số ngành công nghiệp tại Việt Nam được cải thiện. Đối với ngành  ngành điện tử gia dụng tỷ lệ nội địa hóa là 30 - 35% nhu cầu linh kiện; điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy khoảng tỷ lệ nội địa hóa 40%, ngành dệt may tỷ lệ nội địa hóa 55% (năm 2020). 

Văn Quý (ghi)