CEO Tima Trần Thế Vĩnh cho rằng, Nhà nước cần sớm có khung pháp lý quy định cụ thể về hoạt động cho vay ngang hàng để thanh lọc thị trường, loại bỏ các công ty trá hình, không đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực này. |
Tín dụng đen Trung Quốc núp bóng đang lũng đoạn thị trường Việt
CEO Tima Trần Thế Vĩnh cho biết, dân số Việt Nam với hơn một nửa là dân số trẻ trong độ tuổi lao động đang có nhu cầu tài chính cao nhưng lại gặp nhiều rào cản khi tiếp cận tài chính chính thống, đặc biệt là nhóm người ở vùng nông thôn. Đây là tiềm năng rất lớn cho lĩnh vực P2P Lending (cho vay ngang hàng) phát triển. Thêm vào đó là sự phổ cập của Internet, điện thoại di động mở ra cơ hội cho lĩnh vực cho vay ngang hàng dễ dàng tiếp cận đến từng khách hàng trên mọi vùng địa lý.
Ông Vĩnh cho hay, thực tế trên thị trường đang tồn tại các ứng dụng (app) cho vay online đội mác P2P lending để thực hiện hoạt động cho vay trái pháp luật theo hình thức “tín dụng đen”. Những app này thường bẫy người dùng bằng hình thức cho vay online dễ dàng, chỉ cần một số giấy tờ cơ bản như giấy chứng minh nhân dân. Nhưng khi người dùng đăng ký vay thì mới biết mình phải chịu mức lãi suất rất cao, dẫn đến không có khả thanh toán. Sau đó họ sẽ phải đối mặt với hình thức đòi nợ theo kiểu tín dụng đen đe dọa, “khủng bố” tinh thần khách vay và những người thân, gây cản trở và mất an toàn cuộc sống.
CEO Tima cho rằng, những hoạt động trên khiến người dân có suy nghĩ sai lệch về mô hình P2P đúng nghĩa. Hệ luỵ nó gây ra là làm suy giảm uy tín, cản trở hoạt động của những công ty hoạt động nghiêm túc, chuẩn chỉnh, minh bạch trong lĩnh vực cho vay ngang hàng. "Do các app cho vay online trá hình thường lợi dụng kẽ hở của khung pháp lý để cho vay dễ dàng với lãi suất cao. Sau đó, khi người vay không đủ khả năng trả nợ họ sẽ dùng mọi biện pháp để thu hồi khoản vay, kể cả những biện pháp phiền toái gây ảnh hưởng đến những người thân của khách vay. Điều này vô tình khiến người dân có thói quen dễ dãi vay tiền online, nhưng lại sẵn sàng quỵt nợ”, CEO Tima Trần Thế Vĩnh lý giải.
Bên cạnh đó, những công ty làm biến tướng mô hình vay ngang hàng dưới một số hình thức như sử dụng trực tiếp vốn để cho vay, không kết nối nhà đầu tư với người có nhu cầu; hoặc lợi dụng để huy động vốn, chiếm dụng vốn và sử dụng sai mục đích. Đến lúc mất kiểm soát nguồn vốn, dẫn đến sụp đổ sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế cũng như ngành dịch vụ cho vay ngang hàng. Điều này khiến cho lĩnh vực P2P lending mất dần cơ hội để phát triển, thậm chí có nguy cơ bị ngăn chặn.
Đại diện một startup khởi nghiệp sáng tạo chuyên về cho vay ngang hàng (P2P) của Việt Nam (đề nghị không nêu tên) cho hay, có rất nhiều các doanh nghiệp của Trung Quốc, hoặc được Trung Quốc đầu tư, mượn tên người Việt Nam để đứng đăng ký kinh doanh đội mác P2P lending rất nhiều. Họ tạo ra không chỉ 1 app mà nhiều app trên iOS, Android để cho vay online tràn lan. Chỉ cần search từ khóa “vay tiền” là có rất nhiều công ty không rõ nguồn gốc xuất xứ và các công ty Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực này.
Tuần trước, lực lượng chức năng đã xử lý 2 vụ cho vay tín dụng đen trực tuyến với lãi suất cao lên đến 900% tháng. Thủ đoạn của các đối tượng này là đội mác P2P Lending để cho vay online nhưng thu hồi nợ theo mô hình tín dụng đen (thu hồi tận nhà theo các phương pháp không chính thống)… Các app tín dụng đen của doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trá hình tại Việt Nam cũng khiến người dân hình thành tâm lý lo lắng dè chừng , làm ảnh hưởng rất nhiều đến các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình P2P lending được cấp phép tại Việt Nam.
"Khác với trước kia, khi khách hàng vay có quan điểm tích cực là vay để trả nợ gấp, họ tìm đến các khoản vay online như một giải pháp tình thế hiệu quả khi không vay được tại ngân hàng hay các công ty tài chính trong ngắn hạn. Nhưng giờ đây mỗi khi nhắc đến vay tiền online, có rất nhiều diễn đàn, group còn chỉ nhau cách "bùng tiền" các app online, chỉ vì quan niệm vay online đồng nghĩa với vay tín dụng đen", đại diện startup này nói.
Cách nào xử lý nạn tín dụng đen Trung Quốc núp bóng?
Đại diện startup về Fintech trên cho rằng để giải quyết vấn đề các công ty tín dụng đen trá hình của Trung Quốc núp bóng tại Việt Nam, thì việc kêu gọi và cảnh tỉnh ý thức người dân là khá khó khăn, bởi đa số người vay là dân lao động, ít tiếp xúc với truyền thông. Mặt khác, các công ty tín dụng đen hoạt động trá hình cũng rất tinh vi, để nhận biết không phải là dễ, trừ khi đã vay của họ. Thế nên cách nhanh và thiết thực nhất là cần sớm có cơ chế pháp lý thử nghiệm (sandbox) để các công ty tài chính trực tuyến Việt Nam hoạt động và loại bỏ các công ty trá hình. Chỉ có như vậy mới làm trong sạch được mô hình P2P lending tại Việt Nam.
“Chúng tôi cho rằng chính sách càng rõ ràng càng tốt, quy định cách thức hoạt động, lãi, phí, hình thức chuyển, nhận tiền ra sao…. Khi có chính sách ra đời, việc ngăn chặn và loại bỏ tín dụng đen trá hình P2P lending sẽ đơn giản hơn rất nhiều vì đã có khung pháp lý và quy định để thực thi”, đại diện startup này nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Thế Vĩnh cho rằng, về phía nhà nước cần sớm có khung pháp lý quy định cụ thể về hoạt động cho vay ngang hàng để thanh lọc thị trường. Từ đó, có thể loại bỏ các công ty trá hình, không đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, người dân cũng cần tỉnh táo và nâng cao nhận thức để phân biệt các app, ứng dụng vay trực tuyến đúng nghĩa và trá hình thông qua cách nhận biết về thông tin doanh nghiệp vận hành app cho vay, mức độ uy tín của thương hiệu, sự minh bạch về lãi phí, thủ tục hồ sơ, sự chuyên nghiệp trong khâu phục vụ khách hàng. "Thêm nữa, người dân cần tìm hiểu kỹ về mức độ an toàn khi tham gia vay online như có các công ty bảo hiểm uy tín bảo hiểm khoản vay không, có ngân hàng hay các công ty tài chính làm trung gian thanh toán hay không”, ông Trần Thế Vĩnh chia sẻ.
Thái Khang
CEO FIIN: “DN tín dụng đen Trung Quốc chiếm hơn 60% giao dịch cho vay qua app tại Việt Nam”
CEO Trần Việt Vĩnh của FIIN cho hay, hiện có khoảng 20 công ty Trung Quốc đăng ký núp bóng các công ty hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và cho vay theo mô hình hoạt động của công ty tài chính.