LỜI TÒA SOẠN

Trong Thông tư 04/2022, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh phải thực hiện việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử, hoàn thành trước tháng 7/2023. Tuy nhiên, cơ quan này không nêu rõ yêu cầu khi nào phải xóa sổ đơn thuốc viết tay, vì thế hiện không ít cơ sở y tế từ tuyến trung ương tới xã, phường, y tế tư nhân, vẫn còn tình trạng đơn thuốc được bác sĩ kê bằng tay, thay vì in đơn điện tử. Đáng nói nhiều đơn thuốc khiến bệnh nhân, dược sĩ, thậm chí bác sĩ bị làm khó, "bó tay" vì… không dịch được chữ bác sĩ.

Cuối tháng 2 vừa qua, Bộ Y tế tiếp tục yêu cầu rà soát, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời hành vi tiêu cực trong kê đơn, chỉ định kỹ thuật, dịch vụ y tế để lấy “hoa hồng”, gây phiền hà cho người bệnh nhằm trục lợi từ người bệnh và Quỹ BHYT.

Từ thực tế trải nghiệm đi khám chữa bệnh, nhiều độc giả gửi về VietNamNet nỗi bức xúc khi phải luận dịch chữ bác sĩ và những băn khoăn về việc vì sao vẫn còn tình trạng này trong khi nơi nơi đã ứng dụng chuyển đổi số. 

VietNamNet đăng tải các ý kiến thể hiện góc nhìn cá nhân độc giả qua diễn đàn "Khổ sở đi dịch chữ bác sĩ trên đơn thuốc viết tay".

Bài 1: Hành trình đi nhờ người dịch chữ bác sĩ trên đơn thuốc

Bài 2: Những đơn thuốc như 'vẽ giun ra giấy' không ai dịch nổi vì chữ bác sĩ quá xấu

Bài 3: 'Chữ bác sĩ trên đơn thuốc đến dược sĩ cũng phải đoán mò thì nguy hiểm quá'

Bài 4: Đề nghị xử lý bác sĩ viết đơn thuốc chữ như 'giun dế quái đản'

Bài 5: Xử phạt bác sĩ không ghi đơn thuốc rõ ràng: Có quy định sao khó áp dụng?

Vì sao đơn thuốc viết tay vẫn tồn tại?

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết bản thân ông từng tiếp nhận không ít đơn thuốc viết tay do bệnh nhân đưa đến hoặc gửi nhờ “dịch hộ, đọc hộ” nhưng vẫn “bó tay” vì chữ bác sĩ xấu, khó đọc. 

“Người bệnh đến khám, chúng tôi hỏi đơn thuốc cũ đã uống những gì, vừa để bác sĩ biết tiền sử dùng thuốc, vừa để tham khảo, nhưng khi người bệnh đưa đơn ra thì… hoa cả mắt vì chữ ngoáy, ngoặc vào nhau, còn viết tắt, mất nét, không dịch nổi. Thú thật, lắm lúc đúng là có bực mình bởi đang cần thông tin mà không được cung cấp”, bác sĩ Hưng chia sẻ. Theo ông, nếu thuốc ngoài lĩnh vực chuyên môn, rất khó để nhờ bác sĩ dịch hộ, luận hộ đơn.  

W-don-thuoc-1.png
Đơn thuốc in máy đã phổ biến nhưng không ít cơ sở y tế vẫn tồn tại song song giữa đơn điện tử - đơn viết tay. Ảnh minh họa: Phạm Hải

Thừa nhận việc vẫn còn những đơn thuốc viết tay tồn tại trong các cơ sở khám chữa bệnh, thậm chí có không ít đơn viết chữ xấu, khó đọc, bác sĩ Hưng cũng cho rằng hầu hết bác sĩ đều muốn số hóa, kê đơn bằng hình thức điện tử, nhưng có thể do cơ sở chưa đảm bảo cơ sở trang thiết bị hay đồng bộ phần mềm, hệ thống, trang bị đến từng phòng khám, bác sĩ… nên vẫn còn tình trạng kê đơn bằng chữ viết tay. Ngoài ra, số lượng người bệnh khám của bác sĩ quá đông cũng ảnh hưởng tới quá trình trao đổi, tư vấn, kê đơn của thầy thuốc.  

Vị bác sĩ lấy thêm ví dụ nhiều bệnh nhân khi nhận đơn thuốc đánh máy, in ra tờ rời không kẹp ghim vào hồ sơ bệnh án, y bạ, rất dễ bị đánh rơi. Vì thế, họ vẫn thấy tiện lợi khi bác sĩ kê luôn bằng tay đơn thuốc trong sổ y bạ.   

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Thành Đô, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn, cho rằng những đơn thuốc viết tay có thể là do thuốc hay vật tư nhỏ không được cập nhật hoặc không có trong hệ thống phần mềm, kho thuốc, vật tư của bệnh viện.

Theo bác sĩ Đô, những đơn thuốc viết tay thường diễn ra ở phòng khám. "Với nhiều người, viết đơn thuốc bằng tay là thói quen tồn tại từ rất lâu. Thao tác kê đơn điện tử, đánh máy… có thể đơn giản và nhẹ nhàng với người trẻ nhưng với người lớn tuổi, đã có thời gian dài kê đơn bằng viết tay thì không như thế. Với họ, có thể kê đơn viết ra giấy chỉ mất 1-2 phút, nhanh hơn là loay hoay kê bằng máy tính, mất 5-6 phút, trong khi bệnh nhân chờ khám đông, khiến họ càng muốn lựa chọn hình thức nhanh gọn hơn", bác sĩ Đô nhận định.  

Trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), cho hay trong một số tình huống, đơn thuốc viết tay tỏ ra thuận tiện hơn, thời gian ra đơn nhanh hơn, người bệnh dễ dàng cầm ra hiệu thuốc để mua.

"Tôi vẫn cho rằng viết nguệch ngoạc 'giun dế' khiến bệnh nhân, dược sĩ, thậm chí bác sĩ, không luận dịch được là thầy thuốc kê đơn thiếu trách nhiệm, khám bệnh theo kiểu ban ơn", bác sĩ Hoàng thẳng thắn.

Đơn thuốc in máy, liên thông, đơn điện tử… là điều ai cũng mong muốn bởi ít nhất nó sẽ khắc phục tình trạng bác sĩ quên cách ghi tên thuốc, hoạt chất. Nếu kê bằng máy, hệ thống sẽ hiển thị gợi ý tên thuốc, giúp thao tác vừa nhanh vừa chính xác. Nhưng bên cạnh việc đầu tư, đồng bộ cơ sở vật chất, thiết bị, phần mềm, phải có chế tài rõ ràng, nghiêm khắc cho việc nếu vẫn để đơn thuốc viết tay tồn tại, nếu không vẫn bị "lách luật". Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng

Kê đơn kiểu "ký tự đặc biệt" để móc ngoặc với nhà thuốc?

Phó giáo sư Nguyễn Hữu Đức, nguyên giảng viên Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược TP. HCM, cho biết: “Đơn thuốc không ai dịch được rất nguy hiểm. Dược sĩ bán nhầm thuốc có thể gây tác dụng phụ, làm bệnh nặng hơn cho người uống. Khi nhận đơn thuốc "vẽ giun trên giấy" người bệnh cần liên hệ bác sĩ, không nên tự dịch hoặc nhờ người dịch. Có thuốc chỉ khác nhau một hai ký tự đã chuyển sang tác dụng khác”.

Đồng quan điểm, một bác sĩ từng giữ chức vụ giám đốc bệnh viện tỉnh cho biết bản thân ông nhiều lần không thể dịch được chữ trên đơn thuốc. “Nếu dịch sai, người bệnh không mua đúng thuốc, uống bệnh không khỏi. Bởi tên thuốc đọc giống nhau nhưng viết khác nhau, thuốc nhìn giống nhau nhưng tác dụng khác nhau. Hai thuốc có đuôi chữ al -an, dịch sai thành hai loại khác nhau hoàn toàn”, vị bác sĩ này cho biết.

Ngoài lý do chữ xấu, viết cẩu thả theo thói quen, bác sĩ này cũng thẳng thắn nhận định một số bác sĩ cố tình “móc ngoặc” với nhà thuốc. Hiện một số thuốc nhập khẩu nhưng không cung ứng trên hệ thống OTC, họ chỉ để ở một số đơn vị nhà thuốc "ruột" bán với mức giá cao. 

Theo thông tư 04/2022 của Bộ Y tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử. Đối với các bệnh viện từ hạng 3 trở lên hoàn thành trước ngày 31/12/2022. Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác: hoàn thành trước ngày 30/06/2023. Tuy nhiên, theo vị bác sĩ này đến nay các sở y tế thực hiện chưa nghiêm. Vì vậy, ông cho rằng: “Nếu cơ quan quản lý siết chặt như việc đo nồng độ cồn khi tham gia giao thông, tình trạng này sẽ chấm dứt”. 

Phó giáo sư Nguyễn Hoài Nam, Giảng viên cao cấp, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, cũng khẳng định hiện nay, tỷ lệ bác sĩ viết đơn thuốc xấu rất ít. Dù vậy, ngành y vẫn có một số bác sĩ kê đơn theo kiểu “viết ký tự chỉ nhà thuốc đó mới biết”. 

Ông chia sẻ: “Cách đây 3,4 năm, người thân gọi điện cầu cứu tôi lúc nửa đêm nhờ đọc hộ đơn thuốc. Cả đơn 5,6 thuốc đều như "rồng múa, phượng bay", không thể đọc được. Tôi gửi đồng nghiệp là dược sĩ cũng bó tay. Ngày hôm sau, người thân đó phải tìm tới nhà thuốc đúng nơi người bác sĩ giới thiệu cách nhà hơn chục cây số, họ đã mua được thuốc”.

Do đó, khi giảng dạy, ông Nam luôn khuyến cáo sinh viên, học viên trong trường không nên đổ lỗi viết nhanh nên chữ xấu. Nhiều người họ vẫn giữ được nét chữ. "Viết xấu đến mức không đọc được, người ta nghĩ chắc chắn "có vấn đề" hoặc móc ngoặc với nhà thuốc", ông cho biết. 

 Hỏi lại đơn thuốc là quyền lợi chính đáng của bệnh nhân

Bác sĩ Hưng cũng cho biết thực tế, có người bệnh chia sẻ khi hỏi lại thuốc trong đơn chữ viết tay trên đây, bác sĩ đó liền bảo "ra ngoài có người hướng dẫn cho" khi đông người bệnh. “Đó là thói quen chưa tốt và đôi khi thiếu tôn trọng người bệnh, cần cải thiện”, bác sĩ Hưng nhấn mạnh. 

Việc hỏi lại bác sĩ, đặc biệt là hỏi về đơn thuốc khi không dịch được, đọc được, là quyền lợi chính đáng của bệnh nhân. Tuy nhiên, thực tế tâm lý không ít người bệnh chưa quen với việc đòi hỏi quyền lợi của mình. Bác sĩ vừa kê đơn vừa dặn dò, bệnh nhân “vâng, dạ” hoặc im lặng. Bác sĩ không thấy bệnh nhân hỏi lại, không thắc mắc ngay sau khi nhận đơn, càng tin rằng bệnh nhân đã nghe, đã hiểu.

W-donthuoc-13-1-1.jpg
Một đơn thuốc được kê bằng chữ viết tay tại một bệnh viện tuyến Trung ương, ngày 19/3. Ảnh: Phạm Hải

Sau đó, bệnh nhân cũng không phản hồi thêm về đơn thuốc hay hiệu quả điều trị, thầy thuốc lại đinh ninh không có sai sót nào. Việc cả 2 bên im lặng sẽ khiến thầy thuốc không nhận ra hạn chế, không có động lực thay đổi.

"Nếu không dịch được, đọc được đơn thuốc hay chẩn đoán bệnh, bệnh nhân cần hỏi lại rõ ràng ngay tại bàn khám, hoặc gọi điện cho bác sĩ. Không nên e ngại hay lo sợ phiền phức, bởi đơn thuốc không phải là thứ có thể đoán, dịch hay luận được", bác sĩ Hưng cho biết.

Đồng tình với quan điểm của bác sĩ Hưng, bác sĩ Hoàng cho rằng người bệnh cần phải lên tiếng mạnh mẽ về tình trạng đơn thuốc khó đọc vì chữ bác sĩ xấu. “Quyền lợi của người bệnh là được biết đầy đủ về nội dung đơn thuốc và lời dặn của bác sĩ sau khi khám bệnh”, ông nói.  

Ban Sức khoẻ - Báo VietNamNet mở diễn đàn "Khổ sở đi dịch chữ bác sĩ trên đơn thuốc viết tay". Bạn đọc có ý kiến đóng góp xin gửi về địa chỉ bansuckhoe@vietnamnet.vn. Các bài viết phù hợp sẽ được đăng tải theo quy định của tòa soạn.

Xin chân thành cảm ơn.