Tại Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư về tình hình ngoại giao kinh tế năm 2023, trao đổi để công tác ngoại giao kinh tế đạt hiệu quả cao trong thời gian tới Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải cho rằng, cần đẩy mạnh kết nối đường hàng không và đường biển giữa Việt Nam và Ấn Độ để vừa thúc đẩy phát triển kinh tế vừa thúc đẩy phát triển du lịch.

Đặc biệt về thúc đẩy du lịch, mặc dù Việt Nam là địa điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch Ấn Độ, nhưng nhìn chung Việt Nam là điểm đến tương đối mới. Vì vậy, theo Đại sứ Nguyễn Thanh Hải cần có chương trình quảng bá du lịch Việt Nam với quy mô lớn như năm du lịch, tháng du lịch Việt Nam tại Ấn Độ để tạo sức hút hơn.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích các địa phương xây dựng các cơ chế ưu đãi cho các đoàn khách lớn để tổ chức các sự kiện, hội nghị, đám cưới… quy mô lớn.

Về thương mại, thương mại kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ đã đạt mục tiêu mà hai nước đặt ra là 5 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Đại sứ Nguyễn Thanh Hải, con số này mới chiếm 2% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam. Đại sứ đề nghị cần nghiên cứu xem xét khả năng đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương giữa Việt Nam - Ấn Độ. Xây dựng cẩm nang về tiếp cận thị trường Ấn Độ.

W-hoinghi.png
Ảnh minh hoạ

Về đầu tư, Đại sứ Nguyễn Thanh Hải cho biết, vốn đầu tư trực tiếp từ Ấn Độ còn khiêm tốn khoảng 1 tỷ USD, tuy nhiên hiện nay có nhiều tập đoàn Ấn Độ có ý định đầu tư lớn vào Việt Nam. Vì vậy, cần khẩn trương hoàn thiện chủ trương đầu tư tổng thể cho các tập đoàn.

Về giáo dục, Đại sứ Nguyễn Thanh Hải thông tin đây là xu hướng mới, ngày càng có nhiều sinh viên của Ấn Độ sang Việt Nam học tập đặc biệt là lĩnh vực y khoa. Năm 2022 có 100 sinh viên tới Việt Nam, vì vậy Đại sứ mong muốn các ngành, các địa phương, các trường sớm phát huy thế mạnh này để mở rộng tạo điều kiện tiếp nhận sinh viên Ấn Độ tại Việt Nam.

Triển khai Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư, trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối và quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về đối ngoại, Chương trình hành động của Chính phủ đã xác định phương châm: "Tư duy sáng tạo, hành động quyết liệt, ứng phó linh hoạt, hiệu quả, khai thác và tranh thủ mọi cơ hội cho phát triển đất nước" với 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác ngoại giao kinh tế; mở rộng, làm sâu sắc và tạo thế đan xen lợi ích trong quan hệ kinh tế với các đối tác; nâng cao chất lượng, hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; Vận động, thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ các động lực tăng trưởng; xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm; đẩy mạnh nghiên cứu, tham mưu, nâng cao năng lực phân tích, dự báo phục vụ điều hành kinh tế-xã hội; nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành và bố trí nguồn lực triển khai ngoại giao kinh tế.

Duy Khánh và nhóm PV, BTV