CNN trích dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Ukraine cho hay: "Ngày 25/3, khoảng 16h30, quân Nga đã thực hiện một vụ tấn công bằng tên lửa vào căn cứ của Bộ Tư lệnh Không quân thuộc Các lực lượng vũ trang Ukraine ở Vinnytsia. Người Nga đã bắn tổng cộng 6 tên lửa hành trình. Một vài trong số chúng đã bị phòng không Ukraine bắn hạ. Phần còn lại nhắm vào một số công trình, phá hủy đáng kể cơ sở hạ tầng".

{keywords}
Ảnh: AP

Nhà chức trách Ukraine cho biết, họ đang tiếp tục đánh giá các hậu quả do vụ tấn công của Nga gây ra.

Cùng ngày, quân đội Nga tuyên bố đã hoàn thành giai đoạn một của "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine và hiện tập trung vào việc "giải phóng" vùng ly khai Donbass ở miền đông nước láng giềng. Theo Trung tướng Sergei Rudskoy, các lực lượng ly khai được Nga hậu thuẫn đang nắm quyền kiểm soát 93% Luhansk và 54% Donetsk, hai nước cộng hòa tự xưng ở Donbass.

Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ xác nhận, binh lính Nga đang ưu tiên hành động ở Donbass thay vì thủ đô Kiev của Ukraine. Một số nhà phân tích tin, động thái có thể ám chỉ việc Moscow thu hẹp phạm vi chiến dịch tấn công ở nước láng giềng, giữa lúc các cơ quan tình báo phương Tây quả quyết quân Nga vấp phải sự kháng cự quyết liệt của người Ukraine và bị cản bước tiến công ở nhiều nơi, một phần vì cả quân số thương vong và các vấn đề hậu cần.

{keywords}
Hàng rào bê tông và bao cát được dựng lên ở trung tâm Kiev, Ukraine để ngăn chặn các lực lượng Nga. Ảnh: AP

Theo AP, trong thông điệp video mới sau phát biểu của ông Rudskoy, Tổng thống Volodymyr Zelensky tái kêu gọi Moscow đàm phán chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên, ông Zelensky nói, Kiev sẽ không đồng ý từ bỏ bất kỳ phần lãnh thổ nào của mình vì hòa bình.

“Sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine cần được đảm bảo. Các điều kiện phải công bằng vì người dân Ukraine sẽ không chấp nhận chúng", ông Zelensky nhấn mạnh. Người đứng đầu chính phủ Ukraine cũng quả quyết, cho đến nay, quân Nga mất tới hơn 16.000 binh sĩ, cao hơn nhiều con số thống kê Moscow đưa ra.

{keywords}
Các tình nguyên viên tham gia Lực lượng phòng vệ lãnh thổ Ukraine đang được huấn luyện ở Brovary, đông bắc Kiev. Ảnh: AP

Các quan chức Anh và Mỹ lưu ý, một tháng kể từ khi chiến sự bùng phát, các lực lượng Ukraine đã chuyển từ chỉ phòng thủ ở giai đoạn đầu sang "đôi khi phản kích" và đã tái chiếm được các vùng ngoại ô Kiev. Đầu tuần này, quân Ukraine cũng tấn công phá hủy một tàu chiến thuộc Hạm đội biển Đen của Nga đang neo đậu ở cảng Berdyansk thuộc vùng Zaporizhzhia, đông nam đất nước.

Ngược lại, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố quân đội nước này đã tiến sâu thêm 4km vào lãnh thổ Ukraine và thâu tóm kiểm soát thêm nhiều khu vực gồm Batmanka, Mikhailovka, Krasny Partizan, Stavki và Troitskoye. Thủ hiến Chernihiv xác nhận, thành phố phía bắc Ukraine này đã bị các lực lượng Nga bao vây, cô lập.

{keywords}
Một người dân đang cố gắng rời khỏi hiện trường bị Nga oanh tạc ở quận Moskovskyi thuộc Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine. Ảnh: Reuters
{keywords}
Người dân đang trú ẩn dưới tầng hầm của một tòa nhà ở thành phố cảng Mariupol, miền nam Ukraine. Ảnh: Reuters

Phát biểu từ Brussels, Bỉ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tin "còn quá sớm" để nói liệu quân Nga đã thay đổi cách tiếp cận về chiến lược quân sự ở Ukraine hay chưa. Theo một số nguồn tin, Moscow đang cân nhắc rút binh sĩ từ Gruzia về chi viện cho cuộc chiến ở nước láng giềng.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đến khu vực biên giới Ba Lan, trực tiếp chứng kiến các nỗ lực quốc tế nhằm trợ giúp một phần trong số hàng triệu người tị nạn chiến tranh đến từ Ukraine và thăm hỏi các binh lính Mỹ đang làm nhiệm vụ củng cố sườn phía đông của NATO.

Theo Reuters, ông Biden đã dùng bữa cùng các binh sĩ thuộc Sư đoàn dù số 82 của Mỹ đóng tại khu vực sân bay Rzeszow và đề cập tới những nguy cơ cao của chiến sự Nga - Ukraine.

Trước đó một ngày, lãnh đạo Nhà Trắng đã có mặt ở Brussels để tham dự hội nghị thượng đỉnh 3 bên chưa từng có tiền lệ giữa NATO, G7 và liên minh châu Âu (EU) để thảo luận về cuộc xung đột tồi tệ nhất ở châu lục kể từ các cuộc chiến vùng Balkans vào những năm 1990. Ông Biden nói với báo giới rằng, chuyến công du lần này của ông nhằm củng cố cam kết của Mỹ về việc sẽ đóng vai trò chính trong viện trợ nhân đạo trong và ngoài Ukraine cũng như giúp di tản dân thường nước này đi lánh nạn.

Ông Biden dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda về khủng hoảng Ukraine trong ngày 26/3.

Trả lời phỏng vấn báo chí trên đường tháp tùng ông Biden đến Ba Lan, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tiết lộ, Washington và các đồng minh đang lập kế hoạch dự phòng cho khả năng Nga chọn tấn công lãnh thổ NATO. Ông Sullivan cũng để ngỏ khả năng phương Tây áp thêm các biện pháp trừng phạt Nga vì tiến đánh nước láng giềng.

Tuấn Anh

Nga có còn ưu thế quân sự sau một tháng tấn công Ukraine?

Nga có còn ưu thế quân sự sau một tháng tấn công Ukraine?

Nhiều người đặt câu hỏi liệu Nga còn giữ ưu thế quân sự hay không, khi Ukraine đã chuyển từ chỉ phòng thủ sang "đôi khi phản kích" và giành lại kiểm soát một số khu vực.