- Sau hai tháng chính thức cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang sốt ruột bởi vẫn phải chờ hướng dẫn. Hiện có tới vài trăm trường hợp đang xếp hàng chờ hoàn tất giấy tờ về chủ quyền.

Ngay khi pháp luật cho phép người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam, không ít doanh nghiệp đã lên kế hoạch bài bản để đón dòng vốn ngoại trên. Còn nhớ, cách đây không lâu, có chủ đầu tư còn "dọa" sẽ tăng giá đối với nhóm đối tượng này bởi nhu cầu mua rất lớn. Vậy mà, gần 3 tháng trôi qua, lượng khách hàng đến tìm hiểu thì bèo bọt còn chủ đầu tư thì hoang mang trước hàng loạt quy định.

Theo khảo sát tại nhiều dự án BĐS, lượng khách hàng là người nước ngoài chiếm khoảng 10-20%, tuy nhiên, phần lớn mới dừng lại ở việc quan tâm tìm hiểu. Họ chưa thực sự quyết định xuống tiền. Thậm chí, nhiều dự án bán nhà cho người nước ngoài dưới hình thức đặt cọc vì còn chờ hướng dẫn.

Về thủ tục, Chính phủ mới ban hành Nghị định 76 hướng dẫn hợp đồng mẫu nhưng phải chờ đến 1/11/2015 mới có hiệu lực. Hiện có tới 500 trường hợp đang xếp hàng chờ hoàn tất chủ quyền.

{keywords}
Bán nhà cho người nước ngoài vẫn chưa đạt như kỳ vọng. (Ảnh: NVCC)

Ông Nguyễn Nam Hiền, Tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh Land, cho rằng, mặc dù điều luật này hướng đến đối tượng là khách hàng nước ngoài, Việt kiều nhưng các văn bản luật chính thức lại không được chuyển ngữ sang các ngôn ngữ quốc tế nên gây khó khăn cho người nước ngoài khi tìm hiểu luật. Ngoài ra, một số quy định khác, như người nước ngoài không được trực tiếp đăng ký thuê bao đồng hồ điện, không được vay vốn ngân hàng,... cũng đang cản trở người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, làm giảm tính hấp dẫn của thị trường.

Đại diện CBRE, một công ty tư vấn bất động sản cho nhiều khách hàng là người nước ngoài, cũng thừa nhận, quy định mới có hiệu lực được vài tháng nên khó người nước ngoài nào có thể sở hữu được căn nhà ở Việt Nam. Lý do, quá trình từ lúc đặt cọc đến khi hoàn thiện hợp đồng mua bán, nhận nhà và có giấy chứng nhận sở hữu mất khá nhiều thời gian.

Giám đốc điều hành CBRE, ông Richard Leech, cho hay, nhiều khách hàng đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông,... họ quan tâm đến khả năng sinh lời của bất động sản từ việc mua đi bán lại hoặc cho thuê lại. Tuy nhiên, rào cản với họ là sự mù mờ về thông tin thị trường. 

Trò chuyện với phóng viên, ông Peter Luu, một Việt Kiều Mỹ cho hay, khi ông quyết định lựa chọn một dự án thì lúc này mới ngã ngửa bởi mua nhà ở Việt Nam hoàn toàn khác xa với bên Mỹ do có quá nhiều thủ tục và thời gian chờ đợi lâu. Ông rất lo ngại kiểu mua đứt bán đoạn ở Việt Nam. 

Đừng quá kỳ vọng

Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, dù luật được cho là đã mở nhưng thực tế ở thời điểm hiện nay, vẫn chưa thấy được một “cú hích” nào thật sự lớn đối với khách hàng tiềm năng này. Để nói rằng họ tạo ra cú bùng nổ của thị trường này thì chưa có và ông cho rằng, các nhà đầu tư kinh doanh BĐS không nên quá kỳ vọng.

{keywords}
Các đợt mở bán của chủ đầu tư rầm rộ nhưng thiếu bóng người nước ngoài. (Ảnh:NV)

“Người Á Đông như Trung Quốc, Hàn Quốc họ có tâm lý sở hữu nhà nhưng người châu Âu và châu Mỹ, Nhật Bản họ thích thuê nhà, đừng ảo tưởng họ sẽ thích mua. Vấn đề là sản phẩm của chúng ta đáp ứng yêu cầu những cái chuẩn, những cái phong cách tập quán của từng kiều dân, giá cả hợp lý.

Đơn cử người Nhật mua 30% số lượng nhà tại một dự án nhưng họ chỉ muốn cho người Nhật thuê thì chủ đầu tư cần hướng đến 70% sản phẩm còn lại cũng cho thuê.

Ông Robert Trần, Việt kiều đang quản lý một doanh nghiệp về bất động sản tại Canada, đánh giá, sản phẩm bất động sản của Việt Nam vẫn chưa tạo được sự hấp dẫn cho người nước ngoài vì cách tiếp cận, quảng bá, kinh doanh chưa phù hợp. Chất lượng sản phẩm cũng còn đáng lo ngại, các dịch vụ đi kèm còn yếu.

Theo CBRE, người nước ngoài nên được xem là nhóm đối tượng mở rộng hợp lý của một thị trường đã phát triển, chứ không hẳn là một biện pháp “chữa cháy” khi thị trường đang thừa BĐS cao cấp.

Theo thống kê của Hiệp hội BĐS TP.HCM, 1/7/2015, mới có khoảng 8 trường hợp người nước ngoài được cấp sổ đỏ nhưng đó là chủ quyền mua theo kiểu cũ chứ chưa có thủ tục mới.

Còn theo Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), hiện nay mới chỉ có 9 hồ sơ mua nhà của người nước ngoài và Việt kiều chuyển đến các ngành chức năng và vẫn đang trong giai đoạn xem xét.

Rõ ràng việc gỡ bỏ những hạn chế người nước ngoài sở hữu nhà ở Việt Nam là một tin tốt lành, nhưng đây chưa phải là giải pháp duy nhất cho mọi vấn đề đã và đang tồn tại trong ngành BĐS trong những năm vừa qua. 

D.Anh