Theo bà Nguyễn Hương Quỳnh, CEO BambuUP, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam cần được định hướng để chuyển dịch sang Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và đổi mới sáng tạo mở để có thể có một sự phát triển thực sự về “Chất” và đảm bảo yếu tố “Bền vững”.
Theo đó, bà Nguyễn Hương Quỳnh cho rằng cần tăng cường liên kết giữa các chủ thể trong Hệ sinh thái xây dựng một mô hình hỗ trợ khởi nghiệp chuyên sâu bền vững. Dẫn báo cáo của VCCI, trên cả nước có chưa đến 10% công ty khởi nghiệp thành công. Trong đó, hơn 60% doanh nghiệp thất bại do yếu về khâu tìm kiếm khách hàng, 42% doanh nghiệp phá sản do vấn đề sản phẩm (tạo ra các sản phẩm mà thị trường không cần).
Các chủ thể hỗ trợ khởi nghiệp nên cộng hưởng thế mạnh lẫn nhau để thành lập một tổ chức liên kết chặt chẽ hỗ trợ chuyên sâu đi cùng startup xuyên suốt không chỉ từ khâu lên ý tưởng đến kết quả nghiên cứu, ươm tạo, tăng tốc đến quỹ đầu tư mà đặc biệt cần có những hỗ trợ thực tế và cụ thể hóa từ chính sách tới hành động giúp các tartup phát triển khách hàng và thị trường.
Việc thúc đẩy Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và đổi mới sáng tạo mở đòi hỏi sự tiên phong của các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc chủ động và cởi mở đưa ra những đầu bài và thách thức của mình ra cho cộng đồng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, tạo mô hình kiểu mẫu để các tập đoàn và doanh nghiệp cũng cảm thấy tự tin hơn khi trao cơ hội cho các công ty startup và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Nếu không có sự tham gia mạnh mẽ này, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở sẽ không thể cất cánh.
Ở khía cạnh khác, cần trang bị kiến thức và kỹ năng đổi mới sáng tạo cho mọi chủ thể trong Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và đổi mới sáng tạo mở. Khảo sát về mức độ sẵn sàng của Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của BambuUP cho thấy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở chúng ta còn đang ở giai đoạn sơ khai. Trong 1-2 năm tới chính là trang bị kiến thức và kỹ năng đổi mới sáng tạo cho các cán bộ quản lý, các tổ chức hỗ trợ tới các tập đoàn, doanh nghiệp và các công ty khởi nghiệp. Cùng với đó, sẽ cần một định hướng chiến lược về mặt chính sách và phát triển cơ sở vật chất của các tỉnh thành cho Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của tỉnh thành, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo mở chứ không chỉ dừng ở thúc đẩy và hỗ trợ khởi nghiệp.
Nói tới vai trò của các tổ chức đổi mới sáng tạo, ông Trần Vũ Tuấn Phan, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ KHCN, Học viện KHCN và Đổi mới sáng tạo (thuộc bộ KH&CN), hình thành các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo là hạt nhân cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo địa phương.
Ông Trần Vũ Tuấn Phan cho rằng, các địa phương cần xác định rõ về đặc điểm hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại địa bàn của mình. Tăng cường liên kết và chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức hành động thống nhất; hướng đến mục tiêu chung - mô hình kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, phương thức đầu tư mới để khai thác nguồn lực dựa trên tài sản trí tuệ hơn là dựa trên tài nguyên thiên nhiên; hợp tác, chia sẻ nguồn lực hơn là cạnh tranh; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế hiệu quả, trọng điểm hơn là dàn trải, phân tác; Hướng tới xây dựng chất lượng, hiệu quả của công ty khởi nghiệp sáng tạo hơn số lượng, phong trào....
Địa phương cần phân định rõ ràng được hoạt động đổi mới sáng tạo, thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và nâng cao năng suất với hoạt động khởi nghiệp. Từ đó đưa ra được các chính sách phù hợp cho từng loại hình hoạt động và loại hình tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo.
Tiếp đó, cần xác định được các đầu mối với chức năng, nhiệm vụ tổng hợp, cung cấp những thông tin liên quan của các chủ thể hệ sinh thái, các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động đào tạo, liên kết, hợp tác. Đồng thời, cũng là đơn vị kết nối, tổng hợp thông tin để thúc đẩy hệ sinh thái. Đơn vị này cần thiết phải có vị trí pháp lý đủ để đối thoại, trao đổi với các tổ chức, đơn vị khác trong hệ sinh thái, cần thiết phải có đủ nhân sự, năng lực để hỗ trợ đổi mới sáng tạo tại địa phương, đồng thời kết nối với các mắt xích và các tổ chức đổi mới sáng tạo trên phạm vi toàn quốc.