Tuyến cao tốc này dài 54 km được đầu tư xây dựng đưa vào khai thác từ năm 2016 với quy mô 4 làn xe. Từ khi đưa vào khai thác đến nay, mỗi năm phương tiện tham gia giao thông trên tuyến liên tục tăng cao, trung bình 10,5%. Hiện tuyến đường thường xuyên trong tình trạng quá tải, gây ùn tắc kéo dài.

Đại diện VEC cho biết, về lưu lượng xe hiện nay dự án đã mãn tải 25%, trong đó đoạn từ Long Thành đi TP.HCM lưu lượng đã trên 65.000 xe/ ngày đêm, trong khi với quy mô 4 làn xe chạy tối đa chỉ đạt 45.000 xe/ ngày đêm. Hơn nữa đến năm 2025 khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, chắc chắn đường cao tốc không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại.

Do vậy, việc mở rộng đoạn từ nút giao An Phú đến hết phạm vi xây dựng nút giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (dài 21,92 km) là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách.

Cao tốc TP.HCM - Long Thành  Dầu Giây quá tải,  thường xuyên ùn tắc . Ảnh: Như Sỹ.

Trong đó, theo đề xuất của VEC đoạn từ nút giao đường Vành đai 2 đến nút giao Vành đai 3 (km4 – Km8 +770) với quy mô 8 làn xe. Đoạn từ nút giao đường Vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (km8+770 – Km25 ++920) đề xuất đầu tư mở rộng 10 làn xe theo quy hoạch.

Đại diện VEC cho biết, theo khái toán, tổng mức đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành - Dầu Giây lên 8-10 làn xe nói trên có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 14.786 tỷ đồng. 

Theo phương án đề xuất, VEC thực hiện đầu tư theo hình thức tự huy động vốn. Phương án này đảm bảo thời gian triển khai dự án nhanh chóng, đáp ứng tiến độ đưa vào sử dụng quý I/2026.

Để huy động được nguồn vốn đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành - Dầu Giây, trong phương án đề xuất, VEC sẽ triển khai song song với việc hoàn thành tái cơ cấu tổng công ty.

Theo đó, VEC sẽ tăng vốn điều lệ bằng các nguồn vốn ngân sách trước đây đã đầu tư vào các dự án thành vốn điều lệ của VEC. Nếu việc này được thực hiện vốn điều lệ của VEC sẽ tăng lên trên 49.000 tỷ đồng thay vì chỉ có 978 tỷ như hiện nay. Có như vậy VEC mới có năng lực huy động vay thương mại để thực hiện các dự án.

"Thực tế tại thời điểm này khi chưa được tái cơ cấu, vốn điều lệ của VEC chỉ có 978 tỷ đồng nên không đủ điều kiện huy động vốn. Vừa qua, Quốc Hội đã thống nhất chủ trương cho phép chuyển từ vay lại sang cấp phát giao cho VEC tăng vốn điều lệ. Đây là điều kiện thuận lợi để tổng công ty có thể huy động được vốn triển khai dự án", đại diện VEC thông tin.

Trước đó, Bộ GTVT yêu cầu VEC nghiên cứu bổ sung các phương án đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây như: đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), đầu tư theo phương thức nhượng quyền để so sánh ưu nhược điểm của các phương án.

Tuy nhiên, sau khi phân tích tình hình thực tế dựa trên các ưu nhược điểm, VEC cho rằng phương án đầu tư mở rộng theo hình thức tự huy động vốn là phù hợp nhất.