Mới đây, báo cáo đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương về tình hình thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, ông Đoàn Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Cần Thơ cho hay, thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả ấn tượng.
Theo đó, nhận thức của các cấp, các ngành, ý thức chấp hành pháp luật của người dân và doanh nghiệp được nâng lên. Nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật do các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp về pháp luật, tổ chức hành nghề về pháp luật thực hiện có sức lan tỏa lớn.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, truyền thông cũng có nhiều đóng góp đáng ghi nhận trong thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật với nội dung tuyên truyền được chọn lọc, phù hợp cho từng nhóm đối tượng cụ thể. Kịp thời đưa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống.
Điểm nhấn lớn nhất trong phổ biến, giáo dục pháp luật của thành phố Cần Thơ chính là việc thành phố đã linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Từ năm 2022 đến nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thành phố thực hiện đạt hiệu quả tích cực. Trang thông tin điện tử tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thành phố Cần Thơ có hàng trăm nghìn lượt chia sẻ, theo dõi và truy cập.
Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố đã hướng dẫn Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật quận, huyện ứng dụng các nền tảng mạng xã hội, thành lập các nhóm Zalo, trong đó có sự đại diện của trưởng ấp/khu vực, tổ hòa giải... và đại diện từng hộ gia đình để thuận tiện trong việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật.
Hiện nay, thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố cũng đã thành lập nhóm Zalo để thuận tiện trong trao đổi ý kiến, cung cấp tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật.
Nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Hội đồng đã đổi mới hình thức tuyên truyền thông qua việc xây dựng các video clip có nội dung ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu với chủ đề như “Một phút để hiểu biết pháp luật” nhằm thay thế cho cách phát hành in ấn tờ rơi, tờ gấp truyền thống. Cách làm này mang lại hiệu quả thiết thực, tiết kiệm hàng trăm triệu đồng tiền in ấn so với cách làm truyền thống.
Bên cạnh đó, Hội đồng đã biên tập và phát hành Tờ Thông tin phổ biến pháp luật định kỳ hằng tháng, dưới dạng văn bản điện tử để tuyên truyền, cập nhật các quy định pháp luật mới. Tìm hiểu, hỏi - đáp pháp luật, câu hỏi tình huống và giải đáp pháp luật… được đăng tải trên Trang thông tin điện tử tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố và các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook… giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận pháp luật một cách nhanh chóng.
Mặc dù thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tuy nhiên, từng lúc từng nơi, các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp chưa chặt chẽ. Một số báo cáo viên, tuyên truyền viên do tập trung công việc chuyên môn nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng tuyên truyền.
Ðể công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố sẽ chủ động định hướng trong việc xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể từng tháng, quý, năm để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và các hoạt động chính trị của thành phố. Đồng thời, chú trọng việc đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu của người dân.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố Cần Thơ cho hay, để phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế thì các đơn vị tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của Hội đồng trong việc tham mưu, nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật lên tầm cao mới.
Chỉ đạo đẩy mạnh việc đổi mới nội dung, cách thức triển khai thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với nhu cầu của người dân thành phố và từng nhóm đối tượng, địa bàn.
Phát huy vai trò của từng thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật. Xây dựng, củng cố, quản lý đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; hướng tới chuẩn hóa đội ngũ này để làm nòng cốt trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hiện nay và cả trong thời gian tới.