Được biết, từ năm 2016 đến nay, Công an TP Cần Thơ đã phát hiện, bắt, khởi tố 2 vụ, 4 bị can về tội mua bán người, có 10 nạn nhân. So với giai đoạn 2011-2015, giảm 6 vụ (2⁄8), 17 bị can (4⁄21), 77 nạn nhân (10⁄87).
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ cho hay, nạn nhân mua bán người chủ yếu là phụ nữ, trẻ em. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng mua bán người ngày càng tinh vi, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác, khó khăn về kinh tế, chính sách mở cửa, hội nhập thông thoáng trong xuất, nhập cảnh… để thực hiện hành vi phạm tội.
Đặc biệt, các đối tượng còn lợi dụng internet, mạng xã hội giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, môi giới hôn nhân, tổ chức du lịch, chữa bệnh… để tiếp cận, dụ dỗ, lừa người ra nước ngoài, tổ chức xuất cảnh trái phép và bán nạn nhân cho các chủ sử dụng lao động nước ngoài, hoặc cưỡng bức lao động, ép hoạt động mại dâm, làm vợ bất hợp pháp.
Vì vậy, Công an thành phố Cần Thơ đã mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người; xây dựng, củng cố các mô hình phòng, chống tội phạm hiệu quả.
Giáo dục định hướng cho phụ nữ Việt Nam kết hôn di trú giai đoạn VI. |
Từ năm 2016 đến nay, đơn vị tiếp nhận, giải quyết 25 tin báo liên quan, xử phạt vi phạm hành chính 6 đối tượng về hành vi môi giới hôn nhân trái thuần phong mỹ tục, nhập cảnh trái mục đích; giáo dục, răn đe 8 đối tượng. Lực lượng đã phát hiện, bắt, khởi tố 2 vụ. Nổi bật là triệt phá chuyên án vào ngày 5-8-2019, khởi tố 3 bị can: Bùi Thúy Thu (40 tuổi), Nguyễn Thị A Khương (22 tuổi), cùng ngụ huyện Cờ Đỏ; Dương Minh Hùng (35 tuổi), ngụ tỉnh Ninh Thuận; giải cứu 2 nạn nhân.
Các đối tượng này giả làm khách đi đường ghé vào các quán cà phê có nhân viên nữ để làm quen, vẽ ra cuộc sống sung túc nơi xứ người, hứa nếu các cô gái lấy chồng Trung Quốc sẽ được hưởng 70 triệu đồng từ nhà chồng. Các đối tượng đã lừa bán 5 phụ nữ sang Trung Quốc làm vợ, mỗi nạn nhân từ 210-250 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thị Thu Lam, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Cần Thơ, cho biết: “Hội tuyên truyền pháp luật, giúp hội viên nắm thủ đoạn của các đối tượng để cảnh giác. Hội còn vận động cán bộ, hội viên tố giác và tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm tại địa phương, tiếp cận nhóm phụ nữ có nguy cơ cao bị mua bán để nắm tâm tư, nguyện vọng, tư vấn, định hướng kịp thời. Nếu phát hiện nghi vấn, báo cơ quan chức năng xử lý”.
Ngoài việc đa dạng hóa các hình thức truyền thông, Hội LHPN còn phối hợp Trung tâm Vì sự phát triển phụ nữ Đồng bằng Sông Cửu Long tổ chức tham vấn cộng đồng, truyền thông về bạo lực giới, giới thiệu Ngôi nhà bình yên thuộc Trung tâm, tập huấn cho nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ về công tác chuyển giao nạn nhân bị mua bán và bị bạo lực. Hội duy trì các mô hình “Quán cà phê pháp luật”, các Câu lạc bộ “Thân nhân Kiều bào Hàn Quốc” để cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc. Ngoài ra, hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn, giới thiệu việc làm, học nghề... góp phần ổn định kinh tế, tránh bị tội phạm mua bán người dụ dỗ.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ cũng tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, hòa nhập cộng đồng: thành lập thí điểm “Mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về” tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ; thăm hỏi gia đình nạn nhân, nắm nguyện vọng, hỗ trợ vượt qua khó khăn...
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, Công an thành phố tham mưu UBND thành phố, Ban Chỉ đạo 138 thành phố triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch về phòng, chống mua bán người.
Nổi bật là Kế hoạch tổ chức thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và Lào về phòng, chống mua bán người và bảo vệ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch triển khai thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam - Campuchia về hợp tác song phương trong phòng, chống mua bán người và bảo vệ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2020-2022....
Bích Thủy