Theo ghi nhận, hầu hết các chỉ tiêu về giáo dục của Long An và các tỉnh, thành trong vùng đều thấp hơn chỉ tiêu chung của cả nước và các khu vực khác. Trước yêu cầu đổi mới, giáo dục hệ mầm non khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần những giải pháp mạnh mẽ để “vượt trũng”.

Đứng trước các yêu cầu cấp thiết về giáo dục mầm non, phổ thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cách nay 2 năm, từng diễn ra Hội nghị đánh giá thực trạng giáo dục mầm non, phổ thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Theo quan sát, đây là hội nghị mang tầm khu vực đầu tiên do Bộ GD&ĐT tổ chức nhằm tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, đặc biệt là trong điều kiện chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. 

{keywords}
Ảnh minh họa

Tại Hội nghị đó, các đại biểu tham dự đã đưa ra các minh chứng rất cụ thể, cho thấy, chất lượng giáo dục mầm nôn tại tỉnh Long An và các tỉnh/thành khu vực ĐBSCL mặc dù được nâng lên, tuy nhiên tới nay, khu vực này vẫn là ‘vũng trũng” về giáo dục đào tạo, nếu so với các địa phương khác.

Cụ thể, tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp và tỷ trẻ mầm non thấp nhất so với các vùng và thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước; số học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày đạt 63,45% (cả nước đạt trên 80%), chưa có tỉnh nào trong khu vực đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi cấp độ 3.

Số liệu tổng hợp của Kho bạc nhà nước trong giai đoạn 2011 đến 2016 cũng cho thấy, chi ngân sách địa phương (tính cả phần ngân sách TW hỗ trợ các địa phương nhưng được quyết toán tại địa phương) cho giáo dục mầm non, phổ thông của cả nước khoảng trên 155 nghìn tỷ đồng, trong đó tổng chi ngân sách địa phương trung bình/năm (2011-2016) cho giáo dục mầm non, phổ thông của các tỉnh ĐBSCL khoảng 24.603,1 tỷ đồng.

Như vậy, tổng chi ngân sách địa phương cho giáo dục mầm non, phổ thông của các tỉnh ĐBSCL chiếm 15,9 % tổng chi của cả nước, trong khi đó tổng số học sinh của ĐBSCL chiếm 17,5% tổng số học sinh của cả nước (chưa tính đến tỷ lệ bỏ học của ĐBSCL cao hơn mặt bằng chung của cả nước và tỷ lệ huy động trẻ ra lớp của cấp MN còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước).

Mức chi ngân sách địa phương trung bình cho một học sinh mầm non, phổ thông cả nước là 8.372,6 nghìn đồng trong khi đó với ĐBSCL là 7.380,2 nghìn đồng. Như vậy mức chi của ĐBSCL thấp hơn bình quân chung của cả nước là 11,9% (trong đó thấp hơn bình quân chung của cả nước về chi đầu tư là 8,6%, chi thường xuyên 12,5%). Phân bổ chi ngân sách địa phương cho các cấp học cũng chưa hợp lý.

Trong khi nguồn ngân sách địa phương chi cho giáo dục thấp thì nguồn vốn trung ương hỗ trợ các địa phương khu vực ĐBSCL thông qua các chương trình, đề án nói chung chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số vốn trung ương hỗ trợ các địa phương - thấp nhất so với các vùng trong cả nước, do chính sách hỗ trợ tập trung cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà các tỉnh ĐBSCL có ít đối tượng thụ hưởng so với các vùng khó khăn khác.

Mặc dù là khu vực có điều kiện kinh tế phát triển song nhìn từ thực trạng giáo dục và đào tạo của 13 tỉnh ĐBSCL cho thấy còn quá nhiều bất cập trong phát triển giáo dục, đây thực sự là các tỉnh thuộc diện "vùng trũng về giáo dục và đào tạo" cần được quan tâm đầu tư; cần có những chính sách nhằm đưa giáo dục và đào tạo ở các tỉnh ĐBSCL phát triển ngang bằng với mặt bằng chung của cả nước.

Để đạt được mục tiêu đặt ra đến năm 2025 giáo dục của các tỉnh ĐBSCL tối thiểu phát triển ngang bằng với bình quân chung của cả nước, các tỉnh trong khu vực cần khẩn trương rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 19 và Nghị quyết 37.

Cân đối bố trí ngân sách cho giáo dục tại địa phương đảm bảo tối thiểu ngang bằng với tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Đồng thời, điều chỉnh việc phân bổ ngân sách chi cho các cấp học mầm non, tiểu học… một cách hợp lý và phù hợp với định hướng phát triển giáo dục của địa phương.

Thực hiện việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục theo lộ trình, phù hợp với việc cân đối, bố trí các nguồn lực thực hiện, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đảm bảo chất lượng giáo dục, tránh việc thực hiện chỉ dựa trên quyết tâm chính trị, duy ý chí để giảm biên chế, giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập mà không xem xét đến điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, tạo cơ chế khuyến khích các cơ sở giáo dục chủ động hợp tác, liên kết với các cá nhân, đơn vị có uy tín trong và ngoài nước huy động các nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục.

Về chính sách, cần ban hành cơ chế, chính sách cho vùng ĐBSCL; mở rộng đối tượng được hưởng chế độ ăn trưa, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với trẻ mẫu giáo 3,4 và 5 tuổi thuộc hộ cận nghèo, trẻ vùng sông nước khó khăn trong việc đến trường, lớp.

Nếu chương trình kiên cố hóa trường lớp học giai đoạn 2021-2025 được thực hiện cần cho phép các tỉnh ĐBSCL tham gia với các tiêu chí, điều kiện như các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ, nhằm giúp các tỉnh trong vùng xóa bỏ các phòng học tạm, tranh tre nứa lá, từng bước tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất trường học cho toàn vùng. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, sơ kết 2 năm thực hiện Đề án Phát triển Giáo dục Mầm non giai đoạn 2018-2025, triển khai Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi được Chính phủ phê duyệt năm 2010 với mục tiêu: Bảo đảm hầu hết trẻ em 5 tuổi ở mọi vùng miền được đến lớp để thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày, đủ một năm học, nhằm chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để trẻ em vào lớp 1.

Đây là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và nhà nước đối với thế hệ mầm non của đất nước. Đề án được toàn xã hội quan tâm và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện. Vượt nhiều khó khăn, trong hơn 10 năm qua, Việt Nam đã thực hiện thành công các mục tiêu Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tạo nên diện mạo mới đối với giáo dục mầm non.

Một số hạn chế, bất cập cũng được thẳng thắn đánh giá tại Hội nghị. Tỷ lệ huy động trẻ các độ tuổi có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền; đặc biệt tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 3, 4 tuổi nhiều địa phương còn thấp.

Tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được khắc phục. Đặc biệt, tỷ lệ giáo viên/lớp thấp một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Triển khai chậm chế độ chính sách đối với giáo viên hợp đồng lao động.

Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới của GDMN, theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh là thực hiện tốt đầu tư cơ sở vật chất trường lớp. Tuyển dụng đủ số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ, đảm bảo các điều kiện nhằm duy trì và nâng cao chất lượng PCGDMNTENT. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc ở cơ sở đối với công tác đạt chuẩn PCGDMNTENT.

Theo đó, Vụ GDMN sẽ chủ trì, phối hợp các bộ ngành, các đơn vị, xây dựng trình Chính phủ Đề án PCGDMN cho trẻ em 4 tuổi. Các địa phương xây dựng Kế hoạch, xác định giải pháp và lộ trình triển khai thực hiện Đề án PCGDMN cho trẻ em 4 tuổi vững chắc, đảm bảo chất lượng, tính khả thi.

Cửu Long