Thiếu kỹ năng sống nên … dễ bị lừa

Tại Hội thảo về “Bảo đảm quyền của người lao động Việt Nam di cư” tổ chức tại Hải Phòng, Thượng tá Cao Quốc Việt, Phòng 5 Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, toàn quốc đã xảy ra 1.266 vụ mua bán người, với 1.690 đối tượng, lừa bán 2.956 nạn nhân.

Ông cho hay, người phạm tội chủ yếu là những đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người. Người nước ngoài thông qua công ty môi giới vào Việt Nam hoạt động kinh doanh rồi móc nối, cấu kết với cò mồi, môi giới người Việt Nam, dẫn dắt hình thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia.

{keywords}
Quang cảnh buổi hội thảo.

Đặc biệt, những người từng là nạn nhân, hoặc lấy chồng người nước ngoài khi về thăm quê lại trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán phụ nữ, trẻ em khác, kể cả người thân trong gia đình, hoặc lợi dụng việc buôn bán, làm ăn qua lại biên giới hay kinh doanh các dịch vụ dọc biên giới để tham gia hoạt động phạm tội.

Theo Thượng tá Cao Quốc Việt, nạn nhân trong các vụ mua bán người thường tập trung ở những vùng nông thôn, miền núi. Đa phần tội phạm lợi dụng những người dân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có việc làm, thiếu hiểu biết về xã hội và kỹ năng sống, nhẹ dạ cả tin để lừa đảo. Ngoài ra, một số cô gái trẻ thích hưởng thụ, ăn chơi, đua đòi nên dễ tin theo lời hứa hẹn của đối tượng về việc làm ổn định, thu nhập cao hoặc lấy chồng nước ngoài khá giả… dẫn đến bị lừa bán.

Cần đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chí

PGS.TS Nguyễn Thanh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Quyền con người cho rằng, để bảo hộ lao động Việt Nam di cư ở nước ngoài, phải rà soát để có định hướng khắc phục những bất cập trong thực thi pháp luật đảm bảo quyền đối với lao động di cư tự do. Ông đề nghị thành lập cơ quan và đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách có đủ năng lực, tận tụy và có tâm với người lao động di cư, thiết lập sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam với các quốc gia nhận và gửi lao động.

Theo ông Tuấn, cần hoàn thiện các quy định về quyền và nghĩa vụ nhằm bảo hộ tốt quyền cho lao động di cư tự do, cung cấp thông tin về các quyền lao động và quyền con người cho người lao động di cư và hỗ trợ họ thực hiện các quyền này. "Cơ quan chức năng cần hỗ trợ người lao động trong tất cả giai đoạn di cư, bằng việc cung cấp thông tin, tập huấn và dạy tiếng cho họ, bảo đảm người lao động di cư có thể hiểu và thực hiện các hợp đồng lao động".

Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm thì cho rằng, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tài chính và nhân lực để thực hiện hoạt động này (vốn điều lệ không thấp hơn 5 tỷ đồng và phải thuộc sở hữu pháp nhân, thể nhân Việt Nam…). Theo đó, người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài phải được đào tạo, giáo dục, định hướng những kiến thức cơ bản về cưỡng bức lao động, phòng chống buôn bán người, bình đẳng giới, lạm dụng tình dục và các kỹ năng phòng ngừa khác.

Vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác tuyển chọn và đào tạo người lao động (về ngoại ngữ, tay nghề và ý thức tổ chức kỷ luật) để đáp ứng yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua thanh tra, kiểm tra, điều tra kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này, cũng như đề xuất sửa đổi, bổ sung những bất cập, tồn tại trong lĩnh vực này.

Bích Thủy