- Sáng 16/8, chúng tôi có mặt tại nhà trẻ Maika nằm trên quốc lộ 1A (ấp 3 xã Bình Chánh, H.Bình Chánh, TP.HCM) từ rất sớm. Ngoài cổng, lác đác phụ huynh đưa trẻ đến. Bên trong các cô giáo, bảo mẫu đang thực hiện công đoạn cuối cùng tẩy rửa phòng học trước khi đưa các cháu vào...

Từ một trường mầm non

Vừa qua, huyện Bình Chánh là một trong những quận huyện có số trẻ nhiễm bệnh tay chân miệng (TCM) khá cao.

Chỉ riêng tại xã Bình Chánh đã có đến hơn 20 trường hợp nhiễm bệnh. Rất may chưa có con số tử vong nào, nhưng dịch tay chân miệng đã khiến chính quyền xã, trạm y tế và ban giám hiệu các trường hết sức cảnh giác.

Cô giáo Lục Thị Ngọc Mai, hiệu trưởng trường mẫu giáo Maika cho chúng tôi biết, để đối phó với dịch bệnh này, nhà trường đã tích cực áp dụng những biện pháp vệ sinh phòng dịch.

Được địa phương cung cấp miễn phí Chloramin B và Javel, trường đã phải tẩy rửa phòng học dụng cụ, đồ chơi của các em nhiều lần trong ngày. Các cô giáo, bảo mẫu luôn chăm sóc từng em để kịp thời phát hiện những triệu chứng phát bệnh để báo ngay cho phụ huynh có biện pháp cách ly.

Lớp mẫu giáo tại trường Maika Bình Chánh

Cô Ngọc Mai cho biết thêm, nhờ có sự chăm sóc kỹ nên trong thời gian vừa qua đã phát hiện được 2 trẻ có triệu chứng bệnh tay chân miệng. Hai em này đã được phụ huynh chữa trị kịp thời...

HTML clipboard

Tính đến ngày 12/8/2011, cả nước đã ghi nhận 32.588 trường hợp mắc tay chân miệng tại 52 địa phương (tăng 5,2 lần so với cùng kỳ năm 2010).

Trong số các ca mắc đã có 81 trường hợp tử vong tại 17 tỉnh, thành phố. Nóng nhất là tại TP. Hồ Chí Minh (22 trường hợp tử vong), Đồng Nai (16), Bình Dương (08), Long An (06), Bà Rịa – Vũng Tàu (06)...

Chỉ tính riêng tại TP HCM đã có hơn 14.090 ca mắc tay chân miệng phải nhập viện (trong đó hơn nửa số ca của TP.HCM, còn lại là từ các tỉnh lân cận) và 61 trường hợp tử vong (TP.HCM có 22 ca). Bệnh chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi, chiếm hơn 90%. Hầu hết các em không đến trường mà mắc tại nhà.

Trong khi đó, bà Đặng Thị Ánh Tú, cán bộ phụ trách mảng dân số, gia đình và trẻ em của xã cũng đã thường xuyên đến tận các khu dân cư phổ biến các tài liệu giúp các phụ huynh có kiến thức cơ bản về phương pháp phòng ngừa và cách điệu trị cho trẻ khi mắc bệnh.

Gặp chị Nguyễn Thị Phương đưa con dến trường Maika, được chị thổ lộ: “Nghe thông tin qua báo đài, tôi mới thật sự lo sợ cho các cháu trước nguy cơ lan rộng của dịch bệnh. Gần đây cũng nhờ trường, chính quyền phổ biến cách bảo vệ các cháu khi ở nhà tôi mới biết cách giữ vệ sinh cho cháu trong lúc dịch bệnh bùng phát”.

Theo số liệu thống kê của các cơ quan chức năng, đa số các trẻ mắc bệnh tại cộng đồng. Số trẻ mắc bệnh này nhiều khi phụ huynh không biết hoặc xem thường nên vẫn đưa cháu tới trường khiến dịch bệnh càng có nguy cơ lan rộng.

Vì vậy, sự cảnh giác và các biện pháp phòng bệnh đang được các trường mầm non và tiểu học hết sức quan tâm.

Theo bà Trần Thị Thanh Thủy, Phó phòng Giáo dục Quận 10, không phải khi có dịch mới có biện pháp đối phó. Bà nói, đây là việc làm thường xuyên hàng năm.

Phòng Giáo dục luôn theo dõi và phổ biến cũng như đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dịch bệnh đồng thời thực hiện vệ sinh phòng dịch theo chỉ đạo của Sở Y Tế TP.

Căng sức đối phó

Theo thống kê của ngành y tế, TP.HCM là địa phương có tỉ lệ trẻ nhiễm tay chân miệng vào hàng đầu của cả nước. Trong đó, các điểm nóng là các quận có dân nhập cư đông như quận 8, quận Bình Tân và Bình Chánh.

Theo TS. BS Nguyễn Ngọc Hữu, Giám đốc Viện Pasteur TP.HCM, theo chu kỳ dịch tay chân miệng phát triển thành hai đỉnh dịch, một là vào tháng 5 đến tháng 6, hai là từ tháng 9 đến tháng 11.

Quá tải bệnh tay chân miệng tại bệnh viện Nhi Đồng 1

Trong đó, đỉnh dịch sau luôn cao hơn đỉnh dịch trước về mức độ nguy hiểm cũng như khả năng lây lan. Do thời điểm bùng phát dịch trùng với mùa tựu trường nên UBND TP.HCM đã chỉ đạo các Sở ngành liên quan cấp tập chuẩn bị những biện pháp đối phó với dịch bệnh.

Trước ngày 15/8, thời điểm học sinh các cấp tập trung vào năm học mới 2010-2011, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận đã ký công văn khẩn gửi các sở, ngành, quận, huyện về tăng cường phòng chống dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết.

Theo đó, UBND yêu cầu Sở Giáo dục – Đào tạo TP.HCM tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho thầy cô cũng như học sinh các kiến thức về bệnh tay chân miệng, cũng như cách thức thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng ngừa dịch.

HTML clipboard

Ban hành phác đồ điều trị

Trao đổi với VietNamNet sáng 16/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết hiện nay Bộ Y tế đã ban hành phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng bổ sung, trong đó có những điểm mới được cập nhật để phù hợp với tính chất và diễn biến của bệnh trong năm 2011, đảm bảo quá trình chẩn đoán và điều trị sẽ giảm bớt khó khăn.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng nhấn mạnh: hiện tay chân miệng là bệnh có số ca tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.

Bà Tiến cũng nhận định: Công tác truyền thông về dịch là mạnh mẽ, có nhiều kênh, nhiều hình thức nhưng chưa phát huy được hiệu quả cao nhất bởi chưa “phủ sóng” hết đối tượng đích, thông điệp truyền thông chưa thật rộng và chuẩn.


Ngay trong cao điểm dịch tháng 3, Sở Y tế TP.HCM cũng đã ban hành hai công văn khẩn vào các ngày 17-3 và 30-3 nhằm tăng cường phòng chống dịch trong trường học.

Mới đây, chuẩn bị cho năm học mới, BS Phạm Việt Thanh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã ra tiếp công văn, quy định rõ trường hợp nếu lớp học có từ hai học sinh nhiễm tay chân miệng kéo dài 7 ngày, có khả năng lây lan thì phải đóng cửa lớp.

Nếu trong một trường có hai lớp có học sinh mắc bệnh tay chân miệng, và kết quả kiểm tra, khảo sát dịch tễ cho thấy có khả năng lây lan thì phải đóng cửa trường.

Các bé trên giường bệnh

Khi phát hiện trẻ nhiễm bệnh, phải cách ly y tế trẻ ngay tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh. Khi trẻ đã hết các triệu chứng của bệnh thì mới được đến lớp để tránh lây bệnh cho trẻ khác.

Trước ngày khai giảng, các bệnh viện được giao trách nhiệm điều trị tay chân miệng như Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 cũng đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho giáo viên kiến thức về bệnh tay chân miệng như cách phòng tránh, cách nhận biết trẻ nhiễm bệnh…

Tuy vậy, tình hình dịch tăng đột biến, chưa rõ nguyên nhân từ đầu năm đến nay đang là một mối nguy lớn cho ngành giáo dục và y tế TP.HCM.

HTML clipboard Dịch chồng lên dịch

Không chỉ phải đối mặt với dịch tay chân miệng, đến nay các tỉnh thành phía Nam đang phải đối mặt với dịch sốt xuất huyết.

Trên báo Sức khỏe đời sống số ra ngày 16/8, TS.BS. Tăng Chí Thượng, Giám đốc BV Nhi đồng 1 TP.HCM cũng cho biết, hiện BV đang quá tải vì dịch bệnh tay chân miệng.

Mỗi ngày BV phải khám tới bảy ngàn bệnh nhi và có gần hai ngàn ca đang điều trị nội trú, 1/3 trong số đó diễn tiến nặng. Sốt xuất huyết cũng đã có hơn hai ngàn ca nhập viện (hơn một nửa bệnh nhân ở TP. HCM) nên BV rất lo nếu tình trạng tay chân miệng vừa giảm, sốt xuất huyết lại tăng. Trong thời gian qua, BV phải di dời bệnh nhân Khoa Nhiễm như các bệnh sởi, viêm màng não đi nơi khác và hồi sức tăng cường dành cho bệnh nhi tay chân miệng và sốt xuất huyết.

Trần Chánh Nghĩa - Cẩm Quyên


Bộ trưởng Y tế: Dịch tay chân miệng bùng phát
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Trưởng Bộ Y tế đã nhận định: “Bây giờ dịch tay chân miệng đang bùng phát rồi chứ không còn gọi là có nguy cơ nữa”.
 
Bệnh tay chân miệng tăng cao chưa từng thấy
Có thể nói lúc này ngành y tế TP.HCM đang phải đối mặt với nhiều loại dịch bệnh bùng phát cùng một lúc.