Nếu những người bước vào độ tuổi lao động đau đáu với nỗi lo thiếu việc làm thì những người về hưu cũng đau đầu với những căng thẳng tâm lý lúc nghỉ hưu do… thừa thời gian.

Những xung đột tâm lý trỗi dậy

Đánh giá những tác động của đời sống lên tâm sinh lý lứa tuổi người bước vào hưu trí, TS Tâm lý Trịnh Thanh Hương, Bệnh viện Bạch Mai phân tích: Nhiều người đang độ tuổi lao động khi bước vào lứa tuổi hưu mà sức khỏe vẫn còn có khả năng cống hiến khiến họ cảm thấy hụt hẫng.

Nhiều người do có chế độ dinh dưỡng tốt, thường xuyên tập thể dục thể thao, làm việc trong môi trường công sở nhàn nhã nên khi bước vào tuổi hưu họ cảm thấy mình vẫn như còn thanh niên và nuối tiếc khi phải về “hưu sớm”. Do vậy, ngoài việc phải chuẩn bị những công việc thay thế cho mình khi về nghỉ hưu, họ còn phải chuẩn bị tâm trí cho việc “thừa thời gian”; chấp nhận mình đã già khi chuyển từ độ tuổi trung niên sang giai đoạn nghỉ ngơi sau cả một thời gian dài lao động. 

“Thế nhưng, nhiều người cao tuổi (NCT) đến với chúng tôi chia sẻ, từ khi bắt đầu nghỉ hưu, thay vì được nghỉ ngơi đúng nghĩa thì họ lại cảm thấy bị áp lực với nhiều thay đổi trong đời sống sinh hoạt cũng như những biến đổi về tâm sinh lý trong chính con người họ”, TS Hương nói.

Theo TS Hương, nhiều người về hưu cảm thấy họ bị hội chứng “thừa thời gian”, bị “sốc ngang” khi đang là lao động chính trong nhà thì nay bước vào giai đoạn nghỉ ngơi toàn thời gian. Nhiều người dù bước vào tuổi hưu nhưng trí lực và thể lực còn dồi dào, họ có cảm giác nhớ công việc, nhớ các mối quan hệ công sở và từ đây các vấn đề tâm lý bắt đầu nảy sinh. Những trạng thái bức bối, dễ nóng giận, dỗi hờn xuất hiện khi 8 tiếng nhàn rỗi mỗi ngày với họ trở nên dài đằng đẵng.

Làm thế nào để được hưu trí đúng nghĩa?

Trong các “loại hình” nghỉ hưu thì hưu trí được coi là ước mơ của nhiều người khi có lương hưu, có cuộc sống tự chủ. Trong bài thơ khuyết danh tổng kết 10 loại hưu thì số lượng NCT được hưởng hưu trí đúng nghĩa không nhiều.

Bởi, dù bước vào tuổi hưu nhưng đa phần NCT lại tiếp tục phải vật lộn với lo lắng về tài chính khi thu nhập giảm đi nhưng nhu cầu chi tiêu không vì vậy mà vơi bớt. Nhiều NCT cảm thấy bất an khi sức khỏe suy giảm trông thấy, những lo toan cho tuổi già cũng xuất hiện ngày một nhiều cho dù trước đó NCT cũng đã chuẩn bị các kế hoạch tích lũy kỹ càng cho việc nghỉ hưu. 

Người nghỉ hưu rơi vào trạng thái cảm xúc tiêu cực thì có thể luyện tập trí não thông qua các bộ môn thiên về tinh thần như yoga, thiền định, chơi cờ... 

Cũng theo TS Trịnh Thanh Hương, trong số những cảm giác mà người nghỉ hưu gặp phải là xuất hiện cảm giác như người thừa trong gia đình. Từ vai trò trụ cột, nhiều người tự ti thấy mình trở thành đối tượng yếm thế. Tâm lý “mình là người thừa, gánh nặng cho con cháu” xuất hiện dù nhiều người về hưu có lương và thu nhập rất cao, nhưng họ vẫn xuất hiện tâm lý này do họ bị thay đổi “thứ hạng” khi từ trụ cột bước vào thế hệ lớp “người già”. 

Nếu ai có thu nhập kém đi thì sẽ rơi vào trạng thái trầm cảm, dễ có trạng thái cáu gắt thất thường. “Không nên lo lắng quá nhiều, bởi đó là những chuyển biến tâm lý hết sức bình thường mà ai cũng phải trải qua ở độ tuổi sau về hưu. Là phận con cái, nhiều gia đình nên tâm niệm rằng, NCT đang bước vào độ tuổi an trí và họ xứng đáng được hưởng những gì tốt nhất vì cả đời người đã cống hiến, chăm lo cho gia đình, đóng góp cho xã hội. Vai trò của con cái là định vị lại tâm thế cho cha mẹ để NCT hiểu đúng và gạt đi những mặc cảm nếu có”, TS Hương phân tích.

Về phía NCT, sau khi hoàn thành sứ mệnh công việc ở cơ quan, nếu kinh tế khó khăn vẫn phải tiếp tục mưu sinh thì cũng coi đây là điều bình thường. Bởi còn sức khỏe thì còn cống hiến, tự tay làm ra đồng tiền cho bản thân khi sức khỏe còn cho phép mà không cần nhờ cậy ai chính là niềm hạnh phúc lớn nhất thay vì để bệnh tật đeo bám, nỗi buồn đi theo hay những xúc cảm tiêu cực ám ảnh. Đứng dưới góc độ tâm lý học, TS Trịnh Thanh Hương cho rằng, nếu gia đình nào mà NCT rơi vào trạng thái cảm xúc tiêu cực thì có thể luyện tập trí não thông qua các bộ môn thiên về tinh thần như yoga, thiền định hoặc đơn giản chỉ cần đi bộ mỗi sáng.

Sẽ không có câu trả lời nào cho việc làm thế nào để được hưu trí đúng nghĩa? Bởi hoàn cảnh của mỗi người là khác nhau, do đó định tâm, định hình và định vị bản thân để sống vui, sống khỏe, sống có ích với đúng lứa tuổi của mình cũng chính là cách NCT có thể thoải mái với chính bản thân khi bước sang giai đoạn hưu trí, tuổi già.

Lê Giáp Việt Hoàng, Nguyễn Thanh Hà, Vũ Thị Lụa, Hoàng Tư Giang