- Không có nỗi khổ nào bằng việc phải ép mình ngồi xem cho bằng hết cả chục phim thảm họa trong vài ngày.


Từ 7-10/3, ban giám khảo (BGK) phim truyện điện ảnh đã xem hết 13 phim gửi dự tranh giải Cánh diều của Hội điện ảnh. BGK báo chí đã tiến hành bỏ phiếu ngay khi kết thúc buổi xem cuối cùng vào trưa 10/3, BGK chính cũng đã họp để chọn các giải trong ngày.

Kết quả có lẽ là điều không phải nhiều người quan tâm, bởi từ chất lượng các phim tham dự cũng đã nói lên phần nào sức hút của giải thưởng đối với công chúng lẫn cả những người dự giải. Nhất là khi, lễ trao giải năm nay không tường thuật trực tiếp trên sóng VTV và Cánh diều, như thường lệ, diễn ra khi dư âm của giải Oscar vẫn còn mạnh.

{keywords}
Cảnh trong phim "Gác kiếm"

4 ngày qua, ban giám khảo đã thực sự phải căng óc, vắt kiệt sức để lấy kiên nhẫn xem cho hết 13 phim dự giải Cánh diều với: Những người viết huyền thoại, Tèo em, Săn đàn ông, Và anh sẽ trở lại, Sau ánh hào quang, Thần tượng, Hiệp sĩ quốc vông, Âm mưu giày gót nhọn, Cô dâu đại chiến 2, Đường đua, Tiền chùa, Gác kiếm Tía ơi. Trong số này có đến gần chục phim 'xem không nổi'.

Ngay suất chiếu mở màn, giám khảo đã bị tra tấn thực sự bởi 85 phút phim dài lê thê, lộn xộn, khó hiểu và gây ức chế của "Gác kiếm", một bộ phim - nếu có thể gọi như vậy, của đạo diễn từng đứng sau bộ phim truyền hình gây nhiều tranh cãi "Lý Công Uẩn đường tới thành Thăng Long". Những lời thoại lúc Nam, lúc Bắc, các tình huống thiếu thuyết phục không đầu không cuối và lên gân một cách thái quá, "Gác kiếm" giống như một mớ hổ lốn thách thức sự kiên nhẫn của người xem. Tư duy lẫn lộn khiến cho mạch phim trở nên rối rắm, khó hiểu đến mức ức chế.

Ngoại trừ hai bộ phim được làm giải trí được làm hoàn toàn với mục đích bán vé như Tèo em, Cô dâu đại chiến 2 và bộ phim đề tài chiến tranh được làm hoàn toàn từ kinh phí Nhà nước - Những người viết huyền thoại, thật khó để nhặt ra vài ba cái tên phim 'xem được', chứ đừng nói đến chuyện hay đến độ 'phải xem'. 'Tía ơi' với diễn xuất của nghệ sĩ hài Hoài Linh không khác nào một tiểu phẩm truyền hình với ấn tượng duy nhất là những tiếng quát tháo the thé đến chói tai từ người con gái thứ 3 của nhân vật do Hoài Linh đảm nhiệm.

{keywords}
"Săn đàn ông" xứng tầm 'bom tấn thảm họa'.

"Hãi hùng" nhất là "Săn đàn ông", bộ phim từng tự tin tranh giải Bông sen vàng tại LHP VN 18 vừa qua, giờ tiếp tục tranh suất ở Cánh diều vàng. Chuyện về ba cô nàng ế chồng sốt sắng đi tìm người đàn ông của riêng mình được đẩy lên mức nhảm nhí. Nhân vật cô cháu gái làm giáo viên người Huế ẻo lả, điệu chảy nước từ lời nói đến hành động khiến người xem thay vì cười thì thấy mệt mỏi. Các nhân vật trong phim, từ thầy giáo đến thầy bói, từ anh chàng chuyên cặp với gái già để đào mỏ với chất giọng lồng tiếng cho phim chưởng bộ Hồng Kông đến nàng ôsin lúc nào cũng trông như sát thủ làm người xem khiếp vía. 

Độ nhảm của phim Việt tiếp tục đẩy lên đến cao trào với hai phim Hiệp sĩ guốc vôngSau ánh hào quang. Cả hai phim này đều bị chê tơi tả khi đi LHP Việt Nam hồi tháng 10 năm ngoái nay tiếp tục góp mặt tại giải Cánh diều. Không rõ Hiệp sĩ guốc vông thuộc thể loại gì, chỉ biết giữa đất Sài Gòn, bất cứ chỗ nào người ta bị bắt nạt, từ vũ trường đến quán cafe ngoài phố đều thấy gã hiệp sĩ mặc đồ trắng, đội nón, đi guốc vông xuất hiện ra tay dẹp loạn. Kỳ lạ là gần như chỗ nào có anh ta, cũng sẵn có anh nhà báo ở đó để phục vụ việc săn hình đăng báo. Chưa kể sự xuất hiện của 1 lão trùm suốt ngày la hét bằng một thứ tiếng không ai hiểu và luôn tỏ ra nguy hiểm.

Tuy nhiên, bộ phim gây ức chế nhất có lẽ lại nằm ở Sau ánh hào quang với một tổng thể dở từ nội dung đến diễn xuất. Đường đua thì đã được báo chí nhắc đến quá nhiều từ khi ra mắt, không còn gì để nói. Và anh sẽ trở lại chỉ dừng lại ở chỗ là một phim đèm đẹp, thiếu điểm nhấn. Tiền chùa ngay từ đầu đã bị đạo diễn hiểu sai từ này, và đưa lên màn ảnh một bộ phim vô duyên, thiếu ấn tượng. Còn lại hai phim Âm mưu giày gót nhọnThần tượng là hai phim giải trí khá và có sức hút hơn cả.

{keywords}
Kathy Uyên trong 'Âm mưu giày gót nhọn'.

Âm mưu giày gót nhọn của Hàm Trần có thể nói là 1 phim khá duyên dáng từ bối cảnh, nội dung, diễn xuất, âm nhạc đến  dựng phim. Phim dù mang hơi hướm của hollywood nhưng cuốn hút người xem với cách xử lý tình huống nhanh cùng dàn diễn viên khá đồng đều từ chính đến phụ. Được gắn mác giải trí hoàn toàn, do chính ông bầu Quang Huy viết kịch bản và đạo diễn, Thần tượng gây bất ngờ với nhiều người xưa nay vốn thiếu cảm tình với những ngôi sao giải trí.

Dù còn nhiều tình tiết vô lý và khiên cưỡng nhưng nhìn tổng thể Thần tượng khá chỉn chu về mặt hình ảnh, tiết tấu nhanh, bối cảnh đẹp, góc máy mới lạ và đặc biệt là diễn xuất của các diễn viên Hoàng Thùy Linh, ChiPu, Hứa Vỹ Văn, Vĩnh Thụy, Ngô Kiến Huy, Harry Lu.... Có người chưa từng được coi là diễn viên chuyên nghiệp, có người chưa từng được coi là giỏi nghề nhưng tất cả đã mang đến một bộ phim chân thực, trẻ trung và nhiều cảm xúc cho người xem.

{keywords}
Hoàng Thùy Linh vào vai nữ chính trong "Thần tượng"

Vốn là người am hiểu trong giới ca sĩ nên ông bầu Quang Huy đã mang đến một bộ phim hấp dẫn và tránh được sự giả tạo mà những bộ phim trước cùng khai thác về đề tài này đã thất bại, cụ thể là HIT: Hoàng tử và Lọ Lem năm ngoái. Có lẽ chính vì làn gió mới mà Thần tượng mang lại nên đây là bộ phim duy nhất nhận được tràng vỗ tay của giám khảo sau suất chiếu sáng 9/3.

Hiếm có năm nào mà lượng phim dự giải lại có quá nhiều 'thảm họa' như năm nay, đến mức nếu chỉ được phép chọn ra 3 phim để đề cử phim hay nhất cũng đã là thách thức. Xem phim, có người nói đùa: "Phải yêu cầu BTC đền bù cho giám khảo vì đã phải ngồi xem mấy phim này, hại hết cả não". Có nhà báo hài hước nói: "Phải mua thuốc bổ não uống trước khi xem phim". Chẳng thế mà kết thúc 4 ngày xem, nhiều người thở phào vì cuối cùng cũng được giải phóng khỏi mớ phim nhảm.

Lễ trao giải Cánh diều sẽ diễn ra vào tối 15/3 tại Cung Việt Xô Hà Nội.

Hạnh Phương