Có những xe đã nằm chờ gần 20 ngày vẫn chưa được trả hàng. Tài xế phải sinh hoạt trong cảnh thiếu thốn ngoài đường, lái nhích từng đoạn trên quãng đường vào bãi đỗ khoảng 10 km để được xuất hàng.
- Trên thùng lạnh còn gì ăn không bây?
- Còn hai con cá ướp muối là hết trơn luôn rồi anh ơi.
Hai người đàn ông đặc giọng miền Tây nói lớn để nghe rõ trong không gian đầy tiếng máy lạnh đang chạy, giữa một vùng bãi đỗ đặc kín container nằm im bất động. Đó là anh Trần Khánh Trung, một tài xế chở nông sản từ Cao Lãnh (Đồng Tháp) lên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) để xuất sang Trung Quốc.
Làm công việc tài xế đến nay cũng chục năm, mỗi chuyến đánh hàng từ Đồng Tháp, anh Trung mất chừng 2 ngày là hoàn tất thông quan trên cửa khẩu Tân Thanh. Nhưng cũng chừng ấy năm, lần đầu tiên anh kẹt ở đây tới gần nửa tháng.
Phía Trung Quốc đóng cửa, bãi xe Tân Thanh chật cứng, anh Trung và hơn 1.000 tài xế khác phải dừng ở khu phi thuế quan Pác Luống (xã Tân Thanh). Đoạn đường chưa đầy 10 km từ khu phi thuế quan Pác Luống lên tới cửa khẩu Tân Thanh, hàng dài container nối đuôi nhau nằm im trên đường quốc lộ. Các tài xế chịu cảnh thiếu thốn, ăn ngủ tại chỗ để trông coi hàng hóa và nhích xe lên cửa khẩu.
Dừng thông quan, các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn quá tải
Tính đến sáng 18/12, theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã có hơn 4.800 xe container nằm chôn chân tại các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma. Từ ngày 8/12, phía Trung Quốc đã thực hiện tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cặp cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm (huyện Ninh Minh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc).
Những ngày tiếp sau đó, năng lực thông quan tại các cửa khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc chỉ còn khoảng vài chục đến 200 xe. Có ngày không xe nào sang được khi khu vực cửa khẩu nước bạn đóng chặt.
Khu vực đường phân quản giữa Việt Nam và Trung Quốc đóng cửa im lìm. |
Phần lớn mặt hàng xuất khẩu là nông sản được chở từ các tỉnh Đồng Tháp, Bình Định, Bình Thuận, Tiền Giang... Có những xe đã nằm chờ gần 20 ngày vẫn chưa được trả hàng. Nhiều nhất là cửa khẩu Tân Thanh với 2.842 container, chủ yếu là khu vực bến xe Bảo Nguyên (sát cửa khẩu), khu phi thuế quan Pác Luống và một phần xe nằm dọc trên đường. Cửa khẩu Hữu Nghị đang tồn 1.312 xe, chủ yếu nằm trong bãi Dốc Quýt.
Tại khu vực bến Dốc Quýt - nơi chờ xe lên cửa khẩu Hữu Nghị - nhiều xe nằm từ ngày 7/12 đến nay chưa xuất bến. Lực lượng chức năng gồm công an, biên phòng, y tế... có mặt 24/24h để giữ trật tự và an toàn khu vực bến bãi. Do các tài xế đến từ nhiều nơi, việc kiểm soát trong thời điểm dịch bệnh rất quan trọng. Đều đặn 3 ngày một lần, các tài xế được làm xét nghiệm Covid-19 để đảm bảo sức khỏe.
8h sáng, tài xế Trần Khánh Trung nặng nhọc mở cửa sau của container để khí lạnh được lưu thông. Chạy hơn 1.700 km từ Cao Lãnh (Đồng Tháp) lên đến cửa khẩu Tân Thanh xuất hàng, hai tài xế được trả công 6 triệu đồng/người. Chuyến này container của anh chứa 35 tấn xoài keo. Trước khi đi, anh Trung dự tính khoảng 2 ngày là xong việc. Từ giờ đến Tết, anh cố thêm đôi chuyến nữa là "ấm cái bụng".
"Chạy gần đến Lạng Sơn rồi thì anh em trên này gọi điện nói tắc biên. Cũng chẳng quay đầu được nữa nên chúng tôi cứ đánh xe lên rồi nằm bãi chờ. Năm nào chẳng tắc, nhưng cứ nghĩ dăm hôm rồi thông như mọi lần chứ không nghĩ lâu như này", anh Trung kể.
Xe của anh vẫn còn nằm dưới bãi phi thuế quan, cách cửa khẩu Tân Thanh chừng 8 km. Tính đến sáng 18/12, khu vực này có tới hơn 1400 xe nằm chờ trong tổng số 2.842 xe tắc ở khu vực cửa khẩu Tân Thanh.
Do đặc thù mặt hàng là xoài keo, anh Trung phải chạy máy lạnh để giữ nhiệt ở mức ổn định 6-8 độ C để bảo quản. Mỗi ngày, anh chi từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng tiền dầu chạy máy. Đó là hoàn cảnh chung của hàng nghìn tài xế đang kẹt tại các cửa khẩu thuộc tỉnh Lạng Sơn, khi mặt hàng xuất khẩu tại đây chủ yếu là nông sản như mít, xoài, thanh long, dưa hấu...
Nếu bảo quản không tốt hoặc thời gian trong thùng lạnh quá lâu, chất lượng hàng sẽ giảm, thanh long bắt đầu héo, mít đen vỏ ngoài, xoài bị chín... thậm chí là hỏng, phải vứt bỏ.
35 tấn xoài keo của anh trung khi nhập còn xanh, đến nay đã bắt đầu đổi màu vỏ. Ngày nào các tài xế như anh cũng phải mở thùng để kiểm tra hàng hóa. Đôi lúc họ phải bổ ra thử xem hoa quả đã chín đến mức nào. "Tốc độ này mà nhích lên được Tân Thanh chắc thêm chục ngày nữa. Khi ấy thì hoa quả chín hết, có khi còn hỏng quá nửa", mân mê những quả xoài còn lạnh trên tay, anh Trung nói.
Nếu tình trạng ùn ứ tiếp tục kéo dài, anh có khả năng phải bù lỗ cho container hàng lần này. "Giờ thì còn tính gì tiền lương nữa, coi như hết sạch rồi. Kho xoài keo mà chín hỏng thì chỉ có nước bán nhà để đền hàng. 35 tấn hàng tính sơ cũng 200-300 triệu rồi", anh Trung bơ phờ nói.
Xe chở hàng được phân làm hai loại: hàng nóng và hàng lạnh. Xe lạnh có động cơ làm lạnh, giữ được hoa quả lâu hơn, chừng trên 10 ngày. Xe nóng là các xe để hở, thời gian bảo quản nông sản ngắn. Đối với các phương tiện này, cơ quan chức năng tại các bên đỗ sẽ ưu tiên thủ tục để được đi trước. Tuy nhiên vì lượng xe thông quan mỗi ngày tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh rất thấp, có ngày cửa khẩu đóng hẳn, không có xe qua nên nhiều xe chở hàng nóng cũng đã đợi cả tuần nay. Trong cái nắng hanh những ngày giữa tháng 12, nhiều xe mít đã chín nức mùi thơm lại càng khiến những tài xế thêm nỗi lo canh cánh.
Các xe chở nông sản không sử dụng máy lạnh được ưu tiên đi trước nhưng vẫn nằm tắc trên đường vào cửa khẩu Tân Thanh. |
Nỗi lo hàng hóa hư hỏng không chỉ của riêng mình anh Trung mà của tất cả tài xế đang mắc kẹt tại khu vực cửa khẩu này. Ròng rã nhiều đêm, họ thức tới khuya để nhích từng mét đưa xe về khu vực bãi đỗ gần cửa khẩu. Xe vào bãi sẽ phải chịu mức thuế 400.000 đồng/ngày. Nhưng nhiều ngày liên tiếp, họ vẫn chẳng biết khi nào thì có thể thông quan.
Cứ vừa nhích xe được khoảng 2-3 m, anh Hoàng Hải lại lùi về chiếc giường nhỏ phía sau ghế lái để ngồi nghỉ. Hai tuần qua, khu vực chưa đầy 2 m2 trở thành nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi của anh. Xe của anh đến Lạng Sơn từ ngày mùng 4, đến nay đã được nửa tháng, anh còn 1 km nữa mới tiến xe vào đến bãi Tân Thanh.
"Cứ tiến xe vào bãi trước đã còn ngày nào thông quan được thì chưa biết", anh Hải nói. Nam tài xế cũng cho biết thêm thông thường với mỗi chuyến đánh hàng từ Tiền Giang lên cửa khẩu, anh được trả 7 triệu tiền công. Nhưng chuyến này bù tiền bến bãi, tiền dầu chạy máy để giữ lạnh cho nông sản cũng ngốn gần hết phần tiền công ấy.
Hàng nghìn tài xế ăn ngủ tại chỗ để trông hàng và chờ thông quan
14h, các tài xế xếp hàng chờ tại khu vực tắm dịch vụ trong bãi xe. "Tầm này nắng nhất ngày, tranh thủ đi tắm cho đỡ lạnh", anh Trung nói. Trước cửa có treo biển 25.000 đồng/lượt, đây là giá cho một xô nước nóng và một xô nước lạnh. Dịch vụ này chỉ mới được mở gần đây, khi những người tài xế đã phải "nhịn tắm" nhiều ngày.
Còn với những tài xế đang cho xe nằm chờ trên đường thì không có cơ hội được sử dụng dịch vụ đó khi họ phải ở lại xe trông hàng và không có phương tiện di chuyển. Việc ăn uống, tắm rửa những ngày này cũng bớt quan trọng khi nỗi lo về hàng hóa đang đè trên vai họ.
- Trung, tối ăn với tụi này không?
- Xe bên đây còn hai con cá ướp muối thôi. Em ra mua thêm bó rau góp vào tối ăn chung nhé.
Anh Trung đáp lại lời người tài xế xe hàng kế bên. Kẹt trong bãi phi thuế quan cạnh nhau cũng chục ngày, họ đâm ra quen biết. Thỉnh thoảng lại xin nhau quả ớt, quả chanh, hôm nào hết thức ăn mấy người tài xế lại góp vào nấu ăn chung cho tiết kiệm. Hàng thực phẩm lưu động được mở mới đây nhưng họ cũng chỉ mua thêm ít rau củ vì giá cả đắt đỏ.
Chạy xe đường xa, những tài xế lâu năm đã quen mang theo dụng cụ nấu nướng để tiết kiệm chi phí. Bếp ga du lịch, gạo, cá ướp muối, trứng... thường được trữ trên khoang lạnh của container. Tuy nhiên thực phẩm chỉ đủ cho 4-5 ngày đường. Họ không ngờ lần này mắc kẹt quá lâu.
"10.000 đồng/bình nước, dùng cho cả ăn uống, đánh răng rửa mặt. Rồi tiền ăn, tiền bến bãi... không tiết kiệm từng đồng thì tiền đâu mà bù vào được", anh Trung nói.
Ra khỏi khu vực bến bãi, hàng dài xe chở hàng nằm nối nhau dọc đường B2 để vào cửa khẩu Tân Thanh. Nhóm tài xế chở hàng nóng đến Lạng Sơn từ 5 ngày trước. Với những mặt hàng không bảo quản lạnh, thời gian chờ hàng ngắn hơn nên họ được ban quản lý bến xe ưu tiên thủ tục cho đi trước. Thế nhưng vẫn phải chịu cảnh dậm chân tại chỗ khi khu vực cửa khẩu đã hết chỗ dồn xe.
"Xe này không chạy dầu để làm lạnh nên công ty hoặc các thương lái không trả thêm chi phí gì cả. Toàn bộ là các tài chịu hết", một lái xe trong nhóm nói.
Còn cách khu vực cửa khẩu chừng 1 km là nhóm của tài xế Nguyễn Văn Hoàng. Chạy xe từ Bình Định, chở hơn 20 tấn thanh long, ông Hoàng đã trong cảnh mắc kẹt này được nửa tháng. Vì nằm giữa đường nên xung quanh không có dịch vụ tắm rửa hay bán thực phẩm, nước sạch như trong bến bãi.
200 lít nước ông trữ trong thùng dưới gầm xe là nguồn nước dùng ít ỏi trong những ngày này. Đi cùng ông Hoàng là tài xế Hồ Văn Thìn. Hai người đàn ông thay nhau người trông xe, người chợp mắt. Khoang lái 2 m2 với tấm đệm chỉ đủ một người nằm phía sau cánh lái trở thành nơi ngủ nghỉ của họ đã nhiều ngày.
Cùng góp gạo thổi cơm với ông Hoàng còn có xe của của ông Phạm Văn Nhân ngay cạnh đó. Những người đàn ông từ Phan Thiết, Bình Định, Đồng Tháp... mỗi người một nơi rồi quen thân nhau từ lúc cùng chịu cảnh ùn ứ.
"Có ngày nhích được vài mét, hôm thì nằm im vì trên cửa khẩu họ đóng. Những xe ở đây đều kẹt gần hai chục ngày rồi. Dân lái xe chúng tôi thì xuề xòa nên dễ chơi với nhau. Anh em thì đều cảnh thiếu thốn nên đồ ăn uống ai có gì góp nấy ăn cho vui", ông Nhân nói.
Ông Nhân kể những người tài xế ở đây ít thì 2-3 ngày, nhiều thì cả tuần nay chưa tắm vì thiếu nước. Thế nhưng chuyện tắm gội cũng không khiến ông bận tâm bằng hàng hóa. Ngày nào xe của ông Nhân cũng chạy máy lạnh để bảo quản 20 tấn thanh long đến nay đã chớm héo. Nhiều hôm sốt ruột, người đàn ông lớn tuổi liên tục kiểm tra nhiệt độ rồi lại xem đến những thùng hàng.
Làm lái xe đã lâu năm, ông Nhân nhiều lần chứng kiến cảnh tắc biên kéo dài. "Anh em nào chạy cho công ty thì công ty chịu. Ai chạy ngoài, ôm hàng thì đồng lương chẳng còn lại phải lo thêm bù lỗ. Hàng mà hư hỏng có ông chịu 200-300 triệu là chuyện bình thường. Người thì đi vay, người bán nhà đi để đền", ông Nhân tâm sự.
"Chưa có năm nào tắc lâu vậy này. Tưởng kiếm thêm chút tiền sau Covid-19 về ăn Tết với gia đình cho ngon nhưng tình trạng này thì xong chuyến hàng chắc nghỉ dài luôn chứ chạy gì nữa", ông Nhân nói trong lúc nằm nghỉ trên chiếc võng mắc tạm trong khoang lái.
Buổi tối trên vùng cao, nhiệt độ chênh lệch nhiều so với ban ngày, nhóm tài xế tranh thủ nhóm lửa rồi ngồi sưởi ấm. Chưa biết khi nào sẽ được thông quan cũng không thể làm gì để giải quyết tình trạng hiện tại, họ chỉ còn cách nằm chờ rồi phó mặc chuyến này cho may rủi.
Chiều 18/12, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành tiếp tục thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19.
Đối với Bộ Công Thương, Phó thủ tướng yêu cầu tiếp tục đàm phán với các bộ, ngành, địa phương phía Trung Quốc để tăng thời gian thông quan tại cửa khẩu, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu nông sản Việt Nam; chủ động nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa và các vấn đề phát sinh tác động đến hoạt động giao nhận, thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa để có giải pháp xử lý phù hợp.
Trong khi các bãi xe quanh khu vực cửa khẩu đã quá tải nhiều ngày, lượng xe container vẫn tiếp tục dồn về tỉnh Lạng Sơn. Ngày 17/12 thống kê được 4.785 xe nằm chờ, đến ngày 18/12 tăng thêm 46 xe nữa.
Theo ZingNews