Một địa chỉ rao bán "Samsung Galaxy A10 Pro" Made in Vietnam giá rẻ giăng bẫy người tiêu dùng. |
Như ICTnews đã đưa, phản ánh đến ICTnews mới đây, phía FPT Shop cho hay từ đầu tháng 12/2018 có rất nhiều khách hàng tìm đến FPT Shop 608 Trần Hưng Đạo, TP.HCM để yêu cầu nhận hàng là iPhone do họ đã đặt hàng và chuyển khoản trước trên website có địa chỉ nhapkhausingapore.com.
Qua trao đổi với khách hàng và kiểm tra thực tế thông tin, FPT Shop nhận thấy tất cả đều đặt hàng và chuyển khoản cho doanh nghiệp có tên gọi là Công ty TNHH Nhập khẩu Singapore số tiền 100.000 đồng để mua iPhone giá rẻ từ... 3 - 4 triệu đồng.
Chủ sở hữu của website nhapkhausinhgapore.com đã có hành vi giả mạo địa điểm kinh doanh của FPT Shop nhằm tạo niềm tin cho khách hàng khi đặt hàng, ước tính có hàng trăm người bị lừa đảo.
Khi kiểm tra thông tin về các doanh nghiệp có tên nêu trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp https://dangkykinhdoanh.gov.vn thì phát hiện không tồn tại.
Liên quan đến trường hợp nói trên, thời gian qua, báo chí đã phản ánh rất nhiều vụ việc người tiêu dùng bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền đặt cọc khi mua hàng qua mạng (điện thoại Samsung, iPhone, xe máy Sh...) với thủ đoạn tương tự.
Như mới đây, tháng 12/2018, lực lượng công an đã triệt phá băng nhóm lừa đảo trú tại Đà Nẵng với hành vi lừa đảo bán xe máy giá rẻ để chiếm đoạt tiền đặt cọc.
Các đối tượng đăng thông tin trên các trang thương mại điện tử, qua Facebook, Zalo để bán xe máy thanh lý như Honda SH trị giá 70 triệu đồng chỉ với giá 30 triệu đồng.
Ham rẻ, hàng trăm người đã mắc bẫy, chuyển khoản trước cho các đối tượng số tiền từ vài triệu cho tới hơn 20 triệu đồng cho các đối tượng nhưng sau đó đều bị cắt đứt liên lạc.
Thực tế cho thấy, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng thường theo chiêu thức đơn giản như rao bán, hoặc thông báo cho nạn nhân đã trúng giải thưởng nào đó, muốn nhận phải chuyển lệ phí nhận giải bằng thẻ cào hoặc tiền chuyển qua tài khoản.
Khi nạn nhân chuyển tiền, đã sập bẫy thì các đối tượng lừa đảo liền cắt đứt liên lạc.
Các vụ việc lừa đảo thường rộ lên vào những thời điểm như gần Tết Nguyên đán, khi nhu cầu mua sắm, khuyến mãi giảm giá của thị trường vào mùa cao điểm.
Trước thực trạng nói trên, người tiêu dùng cần thận trọng với những lời mời mua hàng giá rẻ “giật mình” với thông tin doanh nghiệp mập mờ, không chính xác.
Một vấn đề quan trọng là cần tìm hiểu về hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo. Cần có sự đối chiếu, kiểm tra khi thấy có sự chênh lệch quá lớn giữa giá bán và giá trị hàng hóa hoặc có sự khác biệt quá lớn giữa giá bán được giới thiệu so với giá bán trên thị trường của cùng loại hàng hóa hoặc hàng hóa tương đương.
Nên thận trọng không vì ham rẻ mà đặt cọc hay thanh toán tiền trước để tránh rủi ro, chỉ chuyển tiền khi đã nhận hàng, kiểm tra chất lượng kỹ lưỡng trước khi giao tiền.
Trong trường hợp quyền lợi bị xâm phạm, cần nhanh chóng liên hệ với các cơ quan chức năng để được bảo vệ.