Giật mình với đủ... thủ phạm 

Trong thời gian dịch COVID-19 hoành hành, nhiều người F0 đã lo sợ và hoảng loạn, hỏi nhiều bác sĩ điều trị cho nhiều toa thuốc khác nhau, uống thuốc trùng lắp. Nhiều người truyền nhau toa thuốc, trong đó có kháng sinh, kháng viêm (không có trong toa điều trị COVID-19 của ngành y tế) dẫn đến những biến chứng nặng, điều trị lâu dài, suy gan, suy phổi, tim mạch…

Bác sĩ Trần Chí Cường phát hiện một trường hợp bệnh nặng nghi dùng nhiều loại thực phẩm chức năng như hình trên
Bác sĩ Trần Chí Cường phát hiện một trường hợp bệnh nặng nghi dùng nhiều loại thực phẩm chức năng như hình trên

Bác sĩ Nguyễn Đức Tài, Hội Dược liệu TPHCM, ghi nhận, trong những buổi khám cho bệnh nhân tại phòng khám, nhiều bệnh nhân uống quá nhiều thuốc, đặc biệt là thuốc, thực phẩm chức năng được quảng cáo trên mạng. Cùng một lúc, bệnh nhân uống đến gần cả chục loại thuốc, thực phẩm chức năng như: thực phẩm chức năng trị nám da, thuốc chống nắng, Glucosamin, thuốc huyết áp, thuốc trị đau khớp, thuốc trị tiểu đường, thuốc bổ não… Bác sĩ thấy lo ngại cho “bộ máy lọc” của cơ thể làm việc quá tải. 

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Chí Cường, Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ (S.I.S), kể trường hợp bệnh nhân teo mạch máu não nghi do dùng thực phẩm chức năng. Đó là chị N.T.P. (49 tuổi), làm nghề kinh doanh tại TPHCM. Từ trước đến nay, sức khỏe chị luôn tốt, thỉnh thoảng bị ho cảm, đau đầu… Năm 2020, chị đi kiểm tra sức khỏe, chụp MRI loại trừ những tổn thương trong đầu, khám thần kinh, mọi thứ đều ổn.

Đến đầu năm 2022, chị quay lại bệnh viện kiểm tra sức khỏe do có lúc đau cổ gáy, đau đầu, chóng mặt… Bác sĩ cho chỉ định chụp lại MRI. So sánh hai hình MRI cách nhau hai năm, bác sĩ thấy mạch máu não có dấu hiệu khác thường: một mạch máu não tự nhiên hẹp nặng…

Cố gắng truy tìm yếu tố nguy cơ nhưng bác sĩ không thấy có nguy cơ nào. Gặng hỏi mãi, chị mới chịu nói thiệt là: có uống nhiều loại thực phẩm chức năng.

Bác sĩ Cường đặt nghi vấn, không biết có phải những thứ trong mớ chai lọ kia là thủ phạm đã gây ra tắc mạch máu não, vì trong năm 2020 bệnh nhân chưa dùng thực phẩm chức năng gì.

Gây tổn hại toàn bộ máy cơ thể 

Theo thạc sĩ - bác sĩ Trần Thị Khánh Tường, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, qua nghiên cứu cho thấy, viêm gan do thuốc là một vấn đề khá phổ biến, với tỷ lệ lên đến 10% trong các phản ứng phụ do thuốc gây ra. Hầu hết thuốc dù được dùng bằng đường uống, tiêm, xịt hít qua mũi hoặc dán trên da… đều được chuyển hóa tại gan; sau đó sẽ được bài tiết qua mật hoặc nước tiểu.

Vì vậy, nếu gan bị suy, chức năng chuyển hóa, giải độc và bài tiết thuốc cũng bị ảnh hưởng. Sự tích tụ thuốc do không được chuyển hóa và giải độc có thể gây ngộ độc thuốc và có khi tấn công vào gan gây viêm gan. Việc sử dụng thuốc không đúng cách, lạm dụng hoặc tự ý uống thuốc là những nguyên nhân chính góp phần làm cho tổn thương gan do thuốc xảy ra ngày càng nhiều.

Dùng thuốc quá liều trong thời gian dài, hoặc tự ý dùng thuốc tây, thực phẩm chức năng không đúng chỉ định cũng gây độc hại cho gan, thận, làm hoại tử tế bào gan, viêm gan… Do đó, người bệnh chỉ sử dụng thực phẩm chức năng theo đúng chỉ định và khi đã thực sự biết về nó. 

Theo giáo sư Phạm Hoàng Phiệt, nguyên Chủ tịch Hội Gan Mật Việt Nam, sử dụng thuốc hay thực phẩm chức năng quá mức cần thiết không chỉ gây viêm gan, xơ gan mà còn ảnh hưởng đến các cơ quan khác của toàn bộ máy cơ thể. Do đó, những gì không cần thiết, bác sĩ không chỉ định thì không nên dùng vì vừa tốn tiền vừa gây hại. Nhiều người cứ tin vào quảng cáo của thực phẩm chức năng và mua về dùng, trong khi tác dụng thực tế đến đâu, nghiên cứu như thế nào, phương pháp nghiên cứu và sản xuất có chính xác hay không thì không biết.

Nhiều ý kiến chuyên môn của bác sĩ cũng bị ảnh hưởng của nhà sản xuất. Do đó, người bệnh nên đi khám, không tự ý dùng thuốc và nên tìm hiểu bác sĩ uy tín, có tâm để được điều trị bệnh hiệu quả.

Lương y Nguyễn Đức Nghĩa, Phó chủ tịch Hội Đông y Q.3, cho rằng việc lạm dụng thuốc tây, thực phẩm chức năng, kể cả thuốc đông y đang ngày càng phổ biến. Việc dùng thuốc vô tội vạ không theo liều lượng, chỉ định của bác sĩ làm thương tổn gan là rất khó chữa và phục hồi gan như ban đầu. 

Trong mùa dịch, những ai đã uống quá nhiều loại thuốc, nay bệnh đã khỏi nhưng vẫn mệt mỏi, vàng da, dị ứng, mẩn ngứa… thì có thể dùng các loại rau và vị thuốc nấu nước uống hoặc ăn hằng ngày nhằm nhuận gan, giải độc cơ thể như: rau má, rau đắng đất, quả dành dành, cây cứt quạ, dây khổ qua, rau sam, cây nhân trần, hạt ích mẫu (sung úy tử)…

Mỗi thứ 4 - 6g khô hoặc tươi thì gấp ba lần (12 - 16g), mỗi lần dùng từ 3 - 5 vị nấu lấy nước uống. 

Theo Phụ nữ TPHCM