Tình cảnh bệnh nhân và người nhà nằm ghép, nằm la liệt ngoài hành lang đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện tại các bệnh viện Việt Nam.

TIN BÀI KHÁC

Những con số giật mình

Theo nguồn tin của báo Lao động, số liệu báo cáo tính đến ngày 31/12/2010 cả nước có 1.148 bệnh viện với 191.020 giường bệnh. Nhưng con số này không là gì so với số lượng bệnh nhân khám và điều trị ngoại trú hàng năm là hơn 120.000 lượt, điều trị nội trú là hơn 10 triệu lượt. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tại các bệnh viện tuyến trung ương, công suất sử dụng giường bệnh từ 200 đến 250%. Ở tuyến trên, mức quá tải của các bệnh viện khoảng 130%, thậm chí có nơi đến gần 300% như những chuyên khoa Huyết học và truyền máu, u bướu...

Cảnh chen lấn để chờ tới lượt tại các bệnh viện là tình trạng diễn ra phổ biến từ nhiều năm nay (Nguồn: Tuổi trẻ)

 Thảm cảnh "ăn bờ ngủ bụi" tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội (Nguồn: Giáo dục Việt Nam)

Chính sự quá tải này đã khiến các bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện rất vất vả. Anh Nguyễn Văn Nguyên (Nghệ An) điều trị bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ: “Chuyện bệnh nhân nằm chung giường là quá bình thường. Thế mới nảy sinh chuyện bệnh nhân chúng tôi đi chữa bệnh chỉ mong may mắn là người bệnh cùng giường mình gầy gầy để còn dễ xoay sở, nằm chung giường với người mập thì đúng là…”.

Anh Nguyên cũng cho biết, một người bạn của anh đi chữa bệnh đã than vãn về việc bạn cùng giường của anh này có tật xấu là lúc ngủ hay ngáy. “Bạn tôi kêu than, mấy đêm đầu chưa quen nên bị mất ngủ suốt, chẳng biết bệnh có giảm hay không mà mất ngủ liên miên. Nhưng lâu rồi cũng phải sống chung với lũ…”

Chị K., một bệnh nhân đến từ Hòa Bình cũng cho biết, nhiều người trước lúc nhập viện chữa trị đã nhanh chân đi mua cái chiếu, tấm bạt để làm “giường di động”. “Ngủ chung giường suốt mấy tháng chữa bệnh, chúng tôi lại đâm ra thân thiết như người thân”, người phụ nữ này chia sẻ. Chị cũng kể câu chuyện mà mình được chứng kiến từ lần lên Hà Nội đi chữa bệnh. Đó là có hai ông ở Ninh Bình cùng chung một giường bệnh. Cám cảnh cùng lên thành phố chữa bệnh mà họ nhanh chóng thân thiết nhau. Sau đó, hai ông bố này về nhà đã mai mối cho con trai và con gái họ thành đôi. Sau này, con cháu họ còn đùa nhau đấy là “Câu chuyện tình bệnh viện”.


  Bệnh viện quá tải khiến người nhà và bệnh nhân nằm la liệt dưới sàn (Nguồn: Đất Việt)

Trong khi đó bệnh nhân phải nằm chen chúc nhau trong những chiếc giường hẹp như thế này. (Nguồn: VIetNamNet)

Quá tải ở bệnh viện khiến bệnh nhân đợi chờ lâu, dẫn đến hệ quả là các chi phí gián tiếp phục vụ việc khám chữa bệnh phát sinh. Không chỉ có bệnh nhân đi chữa bệnh vất vả mà người nhà của họ cũng phải đối mặt với nhiều nỗi lo. Hiện nay, mỗi người đi viện thường kéo theo ít nhất 1 người nhà, thậm chí có gia đình có đến 2-3 người đi cùng để san sẻ công việc chăm sóc tại bệnh viện.

Vì phải đợi chờ qua đêm, túi tiền eo hẹp nên bệnh nhân đến khám và người nhà đành chấp nhận bạ đâu ngủ đó. Bác Nguyễn Văn Minh, quê ở Nam Đàn, Nghệ An ra bệnh viện K để khám vì nghi ung thư phổi. Ngày đầu không xong vì xếp hàng đến chiều tối mới tới lượt, sang tận sáng hôm sau, bác Minh bắt đầu được xét nghiệm. Sau đó ăn trực nằm chờ đợi kết quả. "Đêm đầu tiên tôi không biết ngủ đâu. May rủi thế nào đúng lúc đang lo lắng lại gặp được một người đi khám như tôi, lại cùng quê. Ông ấy cũng đang cần thêm người để tiền thuê phòng giảm xuống", bệnh nhân này chia sẻ với báo VietNamNet.

E ngại bác sĩ địa phương?

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, nguyên nhân của tình trạng quá tải một phần là do cả nước mới chỉ có 18 giường bệnh trên một vạn dân. Năng lực tuyến y tế cơ sở còn hạn chế. Nhiều bệnh viện tuyến huyện đã xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, thiếu thốn. Ngoài ra, sự chêch lệch về thu nhập ở các tuyến cũng khiến các bác sĩ có tay nghề cao bỏ tuyến dưới lên tuyến trên. Cũng vì thế, người bệnh có xu hướng vượt tuyến gây nên tình trạng quá tải trầm trọng ở tuyến trên.

Trên báo An ninh Thủ đô có đăng tải một câu chuyện của bạn đọc Nguyễn Thị Hoa ở địa chỉ pkspk_21....: “Tôi năm nay 25 tuổi, ở TP Hà Đông, tỉnh Hà Tây (cũ). Năm 2007, do điều kiện gia đình và công việc nên vợ chồng chúng tôi quyết định không giữ lại thai nhi trong bụng. Tôi đến bệnh viện tỉnh để kế hoạch, tại đây sau khi khám và siêu âm tôi được giới thiệu ra phòng khám sản phụ khoa 27 P.H, Hà Đông. Tôi nghĩ chắc là phòng khám riêng của bác sỹ nên yên tâm đến.

Vì không có tiền, không có chỗ ở, không ít người phải căng bạt, trải chiếu ngay hành lang hay sân bệnh viện để ngủ qua đêm(Nguồn: VietNamNet)

Thậm chí nhiều người còn phải trèo lên tường hoa để ngủ (Nguồn: VietNamNet)

Bữa trưa của nhiều bệnh nhân và người nhà là những bữa ăn tạm bợ trong những cảnh đứng ngồi thất thểu (Nguồn: 24h)

Tại đây, chị Hoa được 2 "bác sĩ" còn rất trẻ nạo hút thai. Chừng 30 phút đã xong, sau đó họ đưa cho chị một đơn thuốc mua thuốc tại phòng khám, dặn uống trong 1 tuần. Thời gian về nhà, chị Hoa liên tục thấy đau bụng, thỉnh thoảng ra máu, nhưng khi gọi điện thì phòng khám vẫn bảo bình thường. Chỉ đến khi bụng đau dữ dội, ra quá nhiều máu chị mới đi siêu âm lại ở phòng khám khác và tá hỏa khi bác sĩ kết luận, thai bị xót.

Mãi sau này chị Hoa mới biết vị bác sỹ đứng tên phòng khám này đang công tác tại Trung tâm Sức khỏe sinh sản tỉnh, còn 2 người hôm trước nạo thai cho chị chỉ là y tá. Nghĩ lại, chị Hoa ân hận "Tôi nghĩ lại mà thấy tự trách mình dại quá. Từ đầu đến ngay BV Phụ sản Trung ương thì có phải đỡ mất thời gian, tiền bạc và ảnh hưởng sức khỏe không”.

Tuy nhiên có thể thấy, đây là tâm lý chung của nhiều người dân, khi tình trạng quá tải tại các bệnh viện diễn ra thường trực và khó kiểm soát. Để tiết kiệm thời gian, không phải chen lấn, xếp hàng, không ít người buộc phải lựa chọn phương án khám chữa tại các phòng khám tư dù không dám chắc chất lượng tại đó có được đảm bảo hay không.

Sau câu chuyện của mình, bạn đọc này chia sẻ: “Tôi nghĩ, suy nghĩ của tôi cũng giống nhiều người khác, nếu mắc bệnh thì đến ngay các bệnh viện Trung ương khám và điều trị. Có lẽ đó là lý do bệnh nhân dồn về, gây quá tải cho các bệnh viện Trung ương nhưng điều trị tại địa phương, lỡ xảy ra chuyện thì chúng tôi biết làm sao?”

Minh Ngọc (Tổng hợp)