Điều 125 Bộ luật Lao động 2012, có 4 hình thức xử lý kỷ luật mà doanh nghiệp được áp dụng đối với người lao động vi phạm nội quy lao động: Khiển trách; kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng; cách chức; sa thải.
Mỗi doanh nghiệp đều có những nội quy riêng được đặt ra cho phù hợp với quy mô, ngành nghề doanh nghiệp. Khi người lao động có hành vi vi phạm, người sử dụng lao động có thể xử lý kỷ luật. Tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm mà doanh nghiệp sẽ quyết định áp dụng hình thức xử lý kỷ luật cho phù hợp.
Đáng chú ý, chỉ được áp dụng 1 hình thức xử lý kỷ luật đối với 1 hành vi vi phạm; trường hợp cùng lúc có nhiều hành vi vi phạm thì chỉ áp dụng hình thức kỷ luật cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm nặng nhất.
Tuy nhiên, trong những hình thức xử lý kỷ luật nhân viên đi làm muộn thì phạt tiền không phải là một hình thức xử lý kỷ luật.
Điều đáng nói, đây còn là một hành vi bị cấm trong quá trình sử dụng lao động. Điều này được quy định cụ thể trong Điều 128 Bộ luật lao động 2012.
Tại Điều 128, Bộ luật lao động 2012, có 3 hành vi bị cấm khi xử lý kỷ luật lao động, gồm:
- Xâm phạm thân thể, nhân phẩm của người lao động.
- Dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
- Xử lý kỷ luật đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động.
Như vậy, theo các quy định trên, nếu doanh nghiệp áp dụng hình thức phạt tiền để xử lý nhân viên đi làm muộn thì được coi là hành vi trái pháp luật.
Ngoài ra, việc phạt nhân viên một khoản tiền vì lý do đi muộn là vi phạm pháp luật và người sử dụng lao động có thể bị xử phạt lên đến 15 triệu đồng.
Điều này được quy định rõ tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 95/2013/NĐ-CP về việc xử phạt những vi phạm quy định về kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất. Theo đó, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10-15 triệu đồng nếu dùng hình thức phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
Đồng thời, doanh nghiệp phải trả lại khoản tiền đã thu hoặc trả đủ tiền lương cho người lao động (việc này được nêu rõ trong khoản 12 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP).
Do đó, nếu có nhân viên đi làm muộn thì doanh nghiệp nên cân nhắc lựa chọn phương án xử lý kỷ luật. Có rất nhiều phương án xử lý nhân viên đi làm muộn không phạm luật mà người sử dụng lao động có thể áp dụng hơn là việc nhắm vào tài chính của người lao động.
Anh Tuấn (Tổng hợp)