Đặng Thị Thanh Hương trong buổi ra mắt tập thơ mới ngày 20/5. 

Tập thơ Cánh cửa bên kia trời là tập thơ thứ 9 của nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương. 8 tập thơ đã xuất bản trước đó của chị là: Cổ tích tình yêu, Phiên bản, Vọng đêm, Những chiều mưa đi qua, Những con ốc chờn ren, Trà nguội, Người đàn bà chơi dao sắc, Con đã đến trong cuộc đời này.

Nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương.

Nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương cho biết, tập thơ này chị viết rất nhanh, chỉ 1 tháng khi từ Mỹ trở về Việt Nam. Cánh cửa bên kia trời gồm 90 bài thơ được chọn lọc trong 300 bài mới viết của Đặng Thị Thanh Hương. Tập thơ được chia làm 3 phần: Những giấc mơ đàn bà, Nắng vàng phương khác, Cánh cửa bên kia trời. 

“Phần 1 và phần 2 như những trang nhật ký về đời người đàn bà đã đi qua những vui buồn nhân thế, những khát vọng, sự xác tín về khổ đau và hạnh phúc. Phần 3 mở ra cho chính người thơ và tất cả chúng ta về một cõi khác. Nơi chúng ta chưa ai từng qua nhưng rồi ai cũng phải đi đến và dừng lại chặng cuối cùng. Nơi ấy -  Phía bên kia trời. Thơ ca, với bạn đọc là sự cảm nhận và chia sẻ, còn với nhà thơ chính là sự trải nghiệm trong trầm luân của tâm hồn người viết”, nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương chia sẻ.

Ca sĩ Thanh Lam hát trong buổi ra mắt tập thơ của Đặng Thị Thanh Hương.

Một ngày cách đây 3 năm, khi đang trên đỉnh cao của tài năng và công việc, Đặng Thị Thanh Hương đã dừng lại sang Mỹ sinh sống cùng con gái và cháu ngoại. Đọc thơ chị phần nào chúng ta đã hình dung quãng thời gian này khi chị sống trên đất khách quê người. Tâm trạng ấy thể hiện xuyên suốt Cánh cửa bên kia trời. 

Nhà thơ Nguyễn Quyến nhận xét, với tập thơ Cánh cửa bên kia trời, Đặng Thị Thanh Hương một lần nữa trút bỏ xiêm áo ngôn từ với tình yêu thơ ca. “Giữa lúc thơ ca đang hỗn loạn bởi view và like, Cánh cửa bên kia trời xuất hiện. Trái tim một người đàn bà xa xứ, những người đàn ông không còn là đích ngắm, mà chỉ còn là hồi tưởng, các động từ đã hướng vào bên trong, chữ yêu đã nhuốm chút tà mị.

Chính ở đấy, ở nơi chiến trường mà tình yêu cứ ngỡ chỉ còn là hồi ức mênh mang, Đặng Thị Thanh Hương đã khiến ngôn ngữ một lần nữa thức dậy, hút lấy chất tủy sống của thời gian, xóa bỏ cái màn ngăn cách hư ảo của ký ức để một lần nữa trút xiêm áo ngôn từ với tình yêu thơ ca”, nhà thơ Nguyễn Quyến chia sẻ.

Tình Lê