- "15-20 năm nay nhiều phim đào xới mãi một đ tài, đào xới mãi vào chuyện của lĩnh vực ca sĩ, người mẫu, đồng tính… nhàm lắm rồi. Tôi luôn tự hỏi chả nhẽ các nghệ sĩ nhà mình tâm hồn và vốn sống thực tế lại nghèo nàn đến vậy? Hết bạo lực đâm chém đao búa rồi lại hài nhảm hoặc yêu đương, hiểu lầm, ghen tỵ… trong giới showbiz".

Trước lễ trao giải Cánh diều diễn ra tối nay, 15/3 tại Hà Nội, VietNamNet đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với nhà biên kịch Hồng Ngát, thành viên BGK hạng mục phim truyện điện ảnh, PCT Thường trực Hội điện ảnh, đơn vị tổ chức giải Cánh diều.

{keywords}
Bà Hồng Ngát (ngoài cùng bên phải) nhận giải Cánh diều cho phim "Đừng đốt" (2010).

Nhàm lắm rồi!

Vừa là thành viên giám khảo, lại là PCT Thường trực Hội điện ảnh, bà có ngại đụng chạm mà nói thật về chất lượng phim Việt tranh giải không?

- Kể thì cũng hơi ngại vì nói thật bao giờ cũng mất lòng.

Đã có rất nhiều bài báo nói về sự xuống dốc của phim Việt, và thực lòng là không còn từ nào có thể dùng để mô tả thực trạng phim Việt hiện nay thông qua các phim tranh Cánh diều năm nay. Theo bà thì điều này có phản ánh chính xác thực trạng điện ảnh VN đang xuống thê thảm không?

- Sự thực là thế. Nếu không dám nhìn thẳng vào thực trạng thì khó có biện pháp tốt để thay đổi thực trạng đó. Giống như người có bệnh, phải tìm ra đúng bệnh thì mới có thuốc hay để chữa.

Đã tổ chức được 10 năm kể từ khi lấy tên giải Cánh diều, nhưng đây cũng là năm đầu tiên sau nhiều năm giải này không tường thuật trực tiếp. Giải thưởng này đã mất đi tính hấp dẫn với công chúng hay bởi phim Việt xuống dốc đến mức làm giải này mất thiêng?

- Cái gì dùng thời gian dài cũng dễ bị chê là cũ kỹ và lạc hậu. Cánh Diều bay mãi cũng mỏi vì gió… yếu chưa thổi được diều lên  (ý tôi nói gió ở đây là những bộ phim hay). Phim “không có gì mới” vì đề tài lặp đi lặp lại, 15-20 năm nay nhiều phim đào xới mãi một đề tài, đào xới mãi vào chuyện của lĩnh vực ca sĩ, người mẫu, đồng tính… nhàm lắm rồi. Tôi luôn tự hỏi chả nhẽ các nghệ sĩ nhà mình tâm hồn và vốn sống thực tế lại nghèo nàn đến vậy? Hết bạo lực đâm chém đao búa rồi lại hài nhảm hoặc yêu đương, hiểu lầm, ghen tỵ… trong giới showbiz.

Chả nhẽ trong xã hội chỉ có mỗi giới này là đáng lên phim sao? Đồng ý là họ đẹp trai đẹp gái và ăn mặc cũng đẹp, nhà cửa xe cộ đẹp nên hình ảnh trong phim nhìn sẽ thích mắt… Và điều quan trọng là họ cần thu hồi vốn. Điều này dễ hiểu. Nhưng sao tôi cứ ao ước ở phía Nam có nhiều điều kiện thuận lợi hơn phía Bắc (đầu tư, nghệ sĩ đông và giỏi cũng nhiều, công nghệ rất chuyên nghiệp, cao cấp) giá gì họ chịu khó thay đổi món ăn đi thì biết đâu chúng ta sẽ có nhiều bộ phim hay và lạ?

Phim dở nhưng vẫn phải chọn vàng

{keywords}
"Gác kiếm", 1 trong những phim vô cùng dở tranh giải Cánh diều năm nay.

Phim thế nào thì giải thế đó. Phim dở thì giải cũng giảm giá trị vì trên thực tế toàn phim dở, chọn cũng chỉ đơn giản là so bó đũa chọn cột cờ? Liệu giám khảo có dám bỏ trống cả giải vàng và bạc nếu phim dở, chỉ trao bằng khen?

- Cũng có ý kiến như vậy, rằng nên chăng không có giải vàng? Nhưng rồi bàn đi tính lại vẫn cứ là nên có. Cái nào nhỉnh hơn chút về mặt nào đó thì cũng cứ nên “đủn toa” nhằm động viên lao động của nghệ sĩ. Nghĩ cho cùng, đây là giải thưởng của năm thôi, chấm những phim sản xuất trong một năm nên cũng không nên khe khắt quá.

Đã có nhiều người đặt vấn đề nên trao giải cho phim dở, và thực tế nhiều người làm phim cũng hưởng ứng ý tưởng này. Theo bà thì đã đến lúc làm việc đó chưa và ai nên đứng ra trao giải bởi him hay thì ít, phim dở thì quá nhiều?

- Ngay ở TP.HCM cũng có giải Trái cóc xanh cho diễn viên kém đấy thôi. Vấn đề là ai, tổ chức nào đứng ra làm việc này và ai tài trợ? Cái này xã hội hóa thì được, làm công việc phản biện và dám chỉ đích danh những bộ phim dở, diễn viên đóng dở là tốt. Còn ở những tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp lớn, sợ không đúng chức năng và nhiệm vụ.

So sánh quả thật khập khiễng. Nhưng nếu như Oscar được công chúng lẫn báo giới Việt quan tâm bình phẩm từ lúc có đề cử, báo mạng nào cũng lao vào tường thuật, rồi người ta tìm xem các phim được giải thì với Cánh diều, vốn được ví von là Oscar của Việt Nam lại đang nguội dần và được ít người quan tâm. Có ý kiến cho rằng nên gộp chung Bông sen với Cánh diều vì phim chỉ có chừng đó, mỗi năm có 1 giải thì đỡ nhàm hơn, bà thấy sao về ý kiến này?

Nói vậy cũng không ổn. Hội có nhiệm vụ của Hội. Cục có nhiệm vụ của Cục. Hội là giải hàng năm (Cục không làm việc này) Còn LHP quốc gia thì 5 năm 2 lần tổ chức. Phim sản xuất trong 5 năm dự LHP chắc chắn là nhiều và cũng dễ chọn giải thưởng hơn, giải cũng xứng đáng hơn.

Điều cốt lõi ở đây không phải là chuyện dẹp hay gộp. Mà là cần có chiến lược thúc đẩy việc sản xuất phim. Nhà nước không thể đứng ngoài mà cần làm bà đỡ trong nhiều mặt. Không chỉ cấp vốn cho sản xuất phim chỉ về chiến tranh, lãnh tụ mà cần mở rông ra những đề tài đương đại, thanh, thiếu nhi… Mảng này còn thiếu vắng trên “bản đồ” điện ảnh nước nhà nhiều năm qua.

Hoàng Vy (thực hiện)