Bình Phước là tỉnh có 260,433 km đường biên giới giáp 3 tỉnh: Mondulkiri, Kratie và Taboung Kh’mum của Vương quốc Campuchia.
Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh diễn biến khó lường với các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Thống kê cho thấy, khoảng 90% nạn nhân trong các vụ mua bán người là người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em.
Theo đó, hoạt động dụ dỗ, lừa gạt, tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép, mua bán người Việt Nam từ nhiều địa phương trên cả nước sang Lào, Campuchia, Trung Quốc nhằm mục đích lừa đảo qua mạng, cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục, kết hôn trái pháp luật, đánh bạc... ngày càng phức tạp.
Cụ thể, thủ đoạn của nhóm tội phạm này là lập tài khoản ảo trên mạng xã hội, lập các hội nhóm "lao động việc nhẹ, lương cao", "cho, nhận con nuôi", "tìm dâu cho người Trung Quốc"… Từ đó, lừa đảo, lôi kéo nhiều người xuất ngoại.
Trong số đó, nhiều người bị ép ký hợp đồng làm việc trái pháp luật và bị cưỡng bức lao động, bị hành hạ, đánh đập. Thậm chí, nhiều người bị chà đạp nhân phẩm, bị đòi tiền chuộc hoặc bán qua tay nhiều công ty.
Gần khu vực biên giới có 3 casino hoạt động, còn ở khu vực gần biên giới Tây Ninh có 18 tòa nhà cao tầng với khoảng 10.000 người đang cư trú. Những người này làm việc cho các công ty chuyên lừa đảo qua mạng như đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo…
Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, đạo đức, lối sống, tinh thần của người Việt Nam mà còn tạo dư luận xấu trong xã hội, xâm phạm đến các quyền cơ bản của con người, cướp đi hạnh phúc của nhiều gia đình.
Để đấu tranh, trấn áp tội phạm mua bán người và nâng cao nhận thức cho người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước vừa có văn bản chỉ đạo lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương tăng cường đấu tranh, ngăn chặn tệ nạn dụ dỗ, lừa gạt người dân qua Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao”.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu lực lượng chức năng và địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không tham gia, tiếp tay cho tội phạm, vi phạm pháp luật và phòng, chống mua bán người.
Tăng cường quản lý địa bàn, chủ động phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi phạm tội. Nhất là hoạt động lôi kéo, dụ dỗ người dân qua Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao" nhằm cưỡng bức, ép buộc đòi tiền chuộc.
Theo thống kê của Công an tỉnh Bình Phước, từ năm 2022 đến nay, công an đã tiếp nhận, xử lý 6 tin báo tố giác tội phạm về mua bán người trên địa bàn. Trong đó có 4 vụ, 21 bị can đã bị khởi tố để điều tra, xử lý.
Bên cạnh đó, công an cũng đã phát hiện, ghi nhận nhiều vụ việc có dấu hiệu liên quan đến tội phạm mua bán người. Trong đó, 23 trường hợp có dấu hiệu bị lừa gạt, dụ dỗ qua Campuchia làm "việc nhẹ, lương cao". Lực lượng chức năng đã xác minh, giải cứu được 7 nạn nhân.
Tỉnh xác định công tác phòng chống mua bán người là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên và lâu dài; cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hoá thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với từng ban ngành, đoàn thể, địa phương.
Vì vậy, UBND tỉnh Bình Phước đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục triển khai đợt cao điểm tuyên truyền, truyền thông và cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người trên địa bàn trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025. Tổ chức điều tra nắm tình hình tội phạm mua bán người. Mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người. Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người. Tuyên truyền và xây dựng các mô hình điển hình trong công tác phòng, chống mua bán người.
Đồng thời, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống, trình độ văn hóa, nhận thức của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm, có biện pháp thu hút, tạo việc làm cho người dân tại địa phương... nhằm giúp người dân cải thiện cuộc sống, hạn chế di cư và chủ động phòng ngừa tội phạm mua bán người.
Các ban ngành, đoàn thể tại địa phương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra lĩnh vực, cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tội phạm mua bán người. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống mua bán người trên địa bàn.
Chủ động nhận diện, đánh giá tình hình tội phạm mua bán người tại địa phương; tích cực đấu tranh, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người. Bố trí và huy động nguồn lực hợp pháp cho công tác phòng chống mua bán người, đặc biệt là công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thực hiện đa dạng hóa các hình thức, biện pháp, nội dung tuyên truyền về phòng chống mua bán người qua hệ thống thông tin đại chúng, thông tin cơ sở, các trang mạng xã hội, tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng...