Trong vòng chưa đầy 3 tháng, ở TP Hội An đã xảy ra 2 vụ cháy xe điện du lịch khiến hơn 60 xe bị thiêu rụi.
Sáng nay (26/7), 21 xe điện du lịch bị thiêu rụi sau đám cháy ở bãi đỗ xe điện của Công ty TNHH MTV Xe điện Hội An (số 5 Lê Văn Hiến, phường Tân An, TP Hội An, Quảng Nam).
Thông tin ban đầu, lúc gần 5h, một xe điện phát nổ rồi bốc cháy. Ngay lập tức, các nhân viên đã dùng bình chữa cháy mini để dập lửa nhưng bất thành.
Nhận tin báo, hàng chục cán bộ, chiến sĩ của Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Bắc Quảng Nam cùng 4 xe chữa cháy đã khẩn trương có mặt ở hiện trường. Đến khoảng 6h, vụ cháy cơ bản được khống chế.
Thời điểm phát hiện vụ cháy, một số nhân viên của trường học gần đó đã đẩy được 4 xe ra ngoài, còn lại 21 xe bị thiêu rụi.
Đây là vụ cháy xe điện thứ 2 xảy ra chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng qua ở TP Hội An. Trước đó, sáng 8/5, tại khuôn viên trường Cao đẳng Điện lực miền Trung (phường Tân An) cũng đã xảy ra vụ cháy lớn khiến 40 xe điện du lịch bị thiêu rụi, nhà để xe rộng khoảng 500m2 bị đổ sập, bức tường xung quanh bị cháy sém.
Nguyên nhân các vụ cháy đang được cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguy cơ cháy nổ xe điện chủ yếu xuất phát từ nguồn điện của xe như ắc quy hoặc pin. Nguy cơ này không chỉ xảy ra khi xe đang sạc mà có thể cả khi đang lưu thông trên đường phố.
Để chủ động phòng ngừa nguy cơ cháy xe điện du lịch, các cơ quan chức năng cần vào cuộc thanh kiểm tra xe điện du lịch, thắt chặt quy trình đăng kiểm loại phương tiện này, không để xe điện du lịch trở thành mối lo khi tham gia lưu thông.
Chữa cháy pin xe điện cần lưu ý gì?
Mặc dù nguy cơ cháy nổ của xe điện thấp hơn rất nhiều lần so với xe xăng, tuy nhiên, nếu đã cháy sẽ rất nguy hiểm vì còn kèm hiệu ứng phát nổ, đặc biệt là rất khó để dập tắt bằng nước hay những bình chữa cháy thông thường (các bình chữa cháy xách tay loại bình bột và bình khí CO2).
Theo thử nghiệm của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an), một số loại bình chữa cháy có hiệu quả trong chữa cháy pin xe điện như:
Bình chữa cháy nhãn hiệu Orion OR-6 sử dụng công nghệ nước và foam đặc biệt, dập tắt được đám cháy trong thời gian 4 phút. Sau khi đám cháy được dập tắt, các viên pin không có hiện tượng nổ, không có khói, nhiệt độ giảm sâu dưới 60 độ C.
Bình chữa cháy nhãn hiệu F500 EA, sử dụng dung dịch chữa cháy gốc nước - Công nghệ bọc phân tử dập tắt được đám cháy trong thời gian 2 phút. Sau khi đám cháy được dập tắt, các viên pin không có hiện tượng nổ, không có khói, nhiệt độ cũng giảm sâu.
Ngoài ra, cát cũng được dùng trong chữa cháy pin xe điện. Tuy nhiên, phải chuẩn bị một lượng cát đủ lớn, tưới nước duy trì độ ẩm cho cát để đảm bảo dập tắt đám cháy.
Hiệp hội PCCC Việt Nam khuyến cáo, sau khi cháy pin xe điện, chỉ vài phút, nhiệt độ đám cháy đo được hơn 500 độ C. Do các viên pin khi cháy sẽ nổ và văng ra xa tới 30m với nhiệt độ lên tới 250 độ C, do vậy người chữa cháy nên có đồ bảo hộ để đảm bảo an toàn trong quá trình chữa cháy.
Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất, những bình ắc quy sử dụng quá thời gian quy định sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Ngoài ra, cần đề phòng các loại động vật như chuột có thể cắn vào dây điện vì có thể dẫn tới hỏng hóc, cháy nổ ắc quy; tránh để xe quá gần các vật dụng dễ cháy, dễ bắt lửa để phòng ngừa rủi ro có thể xảy ra.
Nguy cơ xảy ra cháy nổ liên quan tới chập ắc quy xe có thể xảy ra bất cứ lúc nào, trên bất kỳ chiếc xe nào. Chính vì thế, cần phải thường xuyên bảo dưỡng định kỳ xe tại các cơ sở uy tín để giảm thiểu tối đa nguy cơ này.