Dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khó khăn phải tạm ngừng hoạt động, công nhân (CN) mất việc. Trong vài ngày gần đây, lợi dụng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin xấu, giả mạo nhằm thu mua sổ BHXH của người lao động (NLĐ) để trục lợi.
Công khai thu mua sổ BHXH
Tại tỉnh Bình Dương, các đối tượng đã lập trang Facebook mạo danh BHXH tỉnh Bình Dương để rao mua sổ BHXH.
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều CN tại tỉnh Bình Dương cho biết họ bị "mắc bẫy" do các đối tượng xấu đã cố tình sử dụng tài khoản Facebook với tên "Bảo hiểm Xã hội Bình Dương" để lừa đảo. Trên tài khoản Facebook giả mạo, đối tượng này liên tục rao thông tin nhận thanh lý sổ BHXH trước thời hạn, ưu tiên cho CN làm việc tại TP HCM và tỉnh Bình Dương. NLĐ cần tiền gấp có thể bán sổ BHXH với điều kiện: đóng BHXH nhưng đã nghỉ việc từ 7 tháng trở lên và muốn bán sổ; có sổ hộ khẩu trên mọi miền lãnh thổ Việt Nam; trực tiếp giao dịch và nhận tiền tại phòng công chứng. Đối tượng này thậm chí còn công khai cả số điện thoại cá nhân (086.641.34...) để CN có thể liên lạc nếu muốn bán sổ.
Bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương, trao sổ BHXH cho công nhân |
Mất việc, khó khăn, lại hiểu chưa thấu đáo giá trị của sổ BHXH, nhiều NLĐ đã bị những đối tượng này dụ dỗ bán lại sổ BHXH để lấy tiền trang trải cuộc sống trước mắt.
Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương, khẳng định cơ quan này không sử dụng tài khoản Facebook chính thức nào để thu mua sổ BHXH của NLĐ. Ngay sau khi phát hiện sự việc, BHXH tỉnh Bình Dương đã có công văn gửi Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đề nghị có biện pháp ngăn chặn và xử lý theo quy định pháp luật đối với những tài khoản mạo danh nêu trên. Đồng thời, đề nghị Công an tỉnh phối hợp vào cuộc điều tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. BHXH Việt Nam cũng đã gửi thông tin về các trang Facebook lập ra với mục đích mua, thu gom sổ.
Ngoài tài khoản Facebook giả mạo cơ quan BHXH tỉnh Bình Dương, chỉ cần một cú click chuột, NLĐ còn có thể dễ dàng tìm kiếm các địa chỉ thu mua sổ BHXH trên mạng. Thủ tục rất đơn giản, người bán chỉ cần đến cơ quan công chứng làm giấy ủy quyền cho người mua nhận BHXH 1 lần sẽ được nhận tiền ngay. Mức giá mua lại sổ BHXH tùy vào thời gian tham gia đóng BHXH của từng NLĐ. Chẳng hạn, với một sổ BHXH có thời gian tham gia đóng BHXH 5 năm liền, với mức lương đóng BHXH gần 5 triệu đồng/tháng, sẽ được trả 4 triệu đồng.
Thiệt thòi thuộc về NLĐ
Theo BHXH tỉnh Bình Dương, hành vi lợi dụng khó khăn của NLĐ để thu mua lại sổ BHXH với giá trị chỉ từ 40% đến 50% giá trị thực tế mà NLĐ được hưởng, là khó chấp nhận và cần được xử lý nghiêm.
Trong thực tế, lợi dụng tâm lý cần tiền của NLĐ lúc khó khăn, các đối tượng xấu đồng ý trả tiền ngay, song buộc họ phải làm giấy ủy quyền làm thủ tục hưởng chế độ. Do chính sách cải cách thủ tục hành chính, một năm sau, các đối tượng có thể làm thủ tục hưởng chế độ một lần ở bất kỳ BHXH cấp huyện nào ở tất cả tỉnh, thành trên cả nước và "rải" người đi lãnh tiền ở khắp nơi.
Hành vi cầm cố và thế chấp sổ BHXH cũng tương tự hình thức cho vay tiền. Đối tượng mua sẽ định giá mức cho vay (từ 40% đến 50% giá trị sổ), nếu NLĐ muốn chuộc lại thì phải chịu lãi cao, khó có khả năng chi trả và cuối cùng bị ép bán sổ. "Mức thiệt hại của NLĐ phụ thuộc vào quá trình đóng BHXH dài hay ngắn, tiền lương cao hay thấp. Khi bán sổ BHXH cho những người thu gom, trước mắt NLĐ sẽ bị ép giá, số tiền nhận được thấp hơn số tiền mà cơ quan BHXH chi trả. Chưa hết, toàn bộ quá trình đóng BHXH cũng sẽ bị mất. Hết dịch Covid-19, NLĐ đi làm trở lại sẽ phải tham gia BHXH lại từ đầu, ảnh hưởng đến quá trình nhận lương hưu sau này" - bà Lê Minh Lý lưu ý.
Theo luật sư Đặng Anh Đức, Giám đốc Công ty Luật TNHH Đặng và Cộng sự (TP Hà Nội), sổ BHXH là một loại tài sản đặc biệt gắn liền với nhân thân, quyền lợi không thể tách rời của NLĐ. Sổ BHXH thể hiện quá trình tham gia, đóng các chế độ về BHXH hằng tháng của NLĐ tại các cơ quan, doanh nghiệp, được xem như cuốn sổ tiết kiệm để hưởng các chế độ trợ cấp BHXH sau này. Trường hợp NLĐ mang sổ BHXH đi cầm cố, thế chấp thì sẽ không được cấp lại sổ.
"Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn không cho phép mua bán, chuyển nhượng thời gian NLĐ tham gia BHXH; không quy định việc cầm cố sổ BHXH và không quy định cấp lại sổ đối với trường hợp NLĐ đem đi thế chấp, mà chỉ cấp lại sổ khi bị hỏng, mất. Sổ BHXH không có giá trị cầm cố, mua bán. Việc thế chấp, mua bán là tự phát, mang tính chất dân sự giữa hai bên. Sử dụng sổ BHXH để mua bán, trao đổi, thế chấp thì khi có tranh chấp về pháp luật, người NLĐ sẽ chịu thiệt. Do vậy, NLĐ tuyệt đối không thế chấp hay bán lại sổ BHXH của mình cho các đối tượng thu mua để phòng những tình huống xấu có thể xảy ra" - luật sư Đặng Anh Đức khuyến cáo.
Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP HCM: Không được bán, chuyển nhượng Cách đây không lâu, BHXH TP HCM đã phát hiện một đối tượng có hành vi gian lận BHXH khi sử dụng 2 sổ BHXH và ủy quyền cho 2 người đi làm thủ tục hưởng chế độ BHXH một lần ở 2 nơi. Lần đó, BHXH TP đã truy tìm nguồn gốc sổ, ngăn chặn kịp thời hành vi sai phạm, phối hợp với cơ quan công an điều tra xử lý nên phát huy được tính răn đe. Để không bị các đối tượng lừa đảo, trục lợi lợi dụng, NLĐ cần phải hiểu rõ sổ BHXH không phải là một loại hàng hóa để trao đổi, mua bán và nó chỉ có giá trị đối với cá nhân người tham gia BHXH. Sổ BHXH ghi nhận quá trình đóng BHXH của người tham gia nhằm giải quyết các chế độ bảo hiểm trước mắt như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và các chế độ BHXH lâu dài như hưu trí, tử tuất. Do đó, NLĐ không thể chuyển nhượng, bán sổ BHXH cho bất cứ ai, phải giữ sổ để bảo đảm an sinh cho chính mình và cho xã hội. |
(Theo NLĐ)