Hôm nay (22/3), Bộ Công an tổ chức Hội nghị tập huấn Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) và các văn bản quy định chi tiết thi hành. Hội nghị được tiến hành bằng hình thức trực tuyến, kết nối từ điểm cầu Bộ Công an tới công an 63 tỉnh, TP trong cả nước. Thiếu tướng Lê Ngọc Châu, Tư lệnh Cảnh sát cơ động chủ trì hội nghị.

Chính quy hoá, chuyên nghiệp hoá lực lượng CSCĐ.

Với mục đích tập trung xây dựng lực lượng CSCĐ thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết 12 của Bộ Chính trị, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh CSCĐ năm 2013, Bộ Công an đã ban hành và triển khai Luật CSCĐ với nhiều nội dung mới, quy định cụ thể, chi tiết nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng và triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất.

Hội nghị được kết nối với 63 điểm cầu. Ảnh: Thu Hằng

Tại hội nghị, những nội dung cơ bản của Luật CSCĐ số 04/2022/QH15 ngày 14/6/2022 và các văn bản hướng dẫn, thi hành chi tiết Luật CSCĐ được báo cáo viên truyền tải tới các đại biểu. 

Thiếu tướng Lê Ngọc Châu, Tư lệnh CSCĐ cho rằng, để nâng cao hiệu quả ứng dụng Luật vào thực tiễn công tác, đề nghị lãnh đạo công an các tỉnh, thành, lực lượng cơ động tại địa phương tăng cường phổ biến rộng rãi nội dung luật tới đông đảo cán bộ, chiến sỹ cùng nắm vững và thực hiện nghiêm; các địa phương tiếp tục tham mưu cho cấp ủy chính quyền ban hành các văn bản triển khai thực hiện chi tiết gắn với điều kiện thực tiễn tại từng địa bàn.

CSCĐ được mang vũ khí, vật liệu nổ lên máy bay.

Tại hội nghị cũng nêu rõ, Điều 3 Luật CSCĐ quy định: CSCĐ là lực lượng vũ trang nhân dân thuộc CAND Việt Nam, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. 

Phạm vi, địa bàn hoạt động của CSCĐ trước hết phải theo quy định của Luật CAND và được xác định rõ trong Luật CSCĐ, đồng thời được phân định bởi các quy định của pháp luật có liên quan (như Luật Biên phòng Việt Nam, Luật Cảnh sát biển Việt Nam).

Thiếu tướng Lê Ngọc Châu nhấn mạnh vai trò của việc luật hoá nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ. Ảnh: Thu Hằng

Việc luật hóa nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ, đặc biệt là các nhiệm vụ, quyền hạn có liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân sẽ góp phần tác động tới tình hình trật tự, an toàn xã hội theo chiều hướng tích cực. Theo đó, các quan hệ xã hội được CSCĐ quản lý, thực hiện nhiệm vụ sẽ được bảo đảm ổn định, an toàn, kịp thời xử lý có hiệu quả những vấn đề phát sinh do có đủ cơ sở pháp lý và phân định rõ phạm vi thẩm quyền của lực lượng này.

Các vụ bạo loạn có vũ trang, khủng bố, tập trung đông người biểu tình bất hợp pháp… sẽ được CSCĐ giải quyết trên cơ sở thực thi đúng trong khuôn khổ pháp luật, lập lại trật tự, kỷ cương và bảo đảm hoạt động bình thường của các chủ thể.

Luật quy định, CSCĐ được mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự để làm nhiệm vụ trong các trường hợp đặc biệt, như: Sử dụng tàu bay do cấp có thẩm quyền huy động riêng cho CSCĐ để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.

Quy định về CSCĐ được quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện rõ tính chất đặc thù của lực lượng này so với các lực lượng khác trong ngành CAND…