- Nữ diễn viên hài vào vai cô gái Lùn bị khùng trong bộ phim chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, kể chuyện một gia đình bất hạnh theo lối sướt mướt để lấy nước mắt khán giả.

Chuyển thể tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, đối với điện ảnh Việt, là niềm hứng thú mà trong đó thuận lợi luôn đi kèm với thách thức. Bộ phim có thể dễ được biết đến hơn nhờ tên tuổi của nhà văn và độ phổ biến của tác phẩm. 

Nhưng việc biến câu chuyện thành một bộ phim hấp dẫn là điều không hề dễ dàng, khi mà những câu chữ đắt giá, giọng kể duyên dáng... trên trang văn không thể giúp ích gì được cho biên kịch ngoài sự khơi hứng.

{keywords}
Cảnh trong phim Đời như ý

Giống như Cánh đồng bất tận, truyện ngắn Đời như ý cung cấp cho nhà làm phim một hoàn cảnh bất hạnh, vô cùng đáng thương. Nhưng bản thân câu chuyện này lại kém hơn ở khía cạnh không có xung đột giúp biên kịch tạo các nút thắt mở, làm nổi bật tính bi kịch. Đạo diễn kiêm biên kịch Vương Quang Hùng đã xếp lại cấu trúc câu chuyện gốc theo trình tự có đầu có đuôi, đi từ ngọn ngành tới kết thúc.

Đây là điểm khác biệt với truyện ngắn, vốn đẩy người đọc ngay từ đầu vào chứng kiến cảnh bi hài của một gia đình bốn người hát rong và bán vé số ngoài phố chợ. Ông bố mù quàng dây đeo cây đàn điện được nối với loa con do đứa con gái lớn đang cầm, đứa con gái nhỏ hơn chạy lăng xăng đằng trước trong khi bà vợ nửa tỉnh nửa điên vừa đi vừa hát đằng sau. Nghịch cảnh có chút mỉa mai hài hước ở những cái tên: ông bố tên Đời, trong khi hai đứa con là Như và Ý.

Nhưng ở đây, câu chuyện về họ được kể lại từ đầu theo một nhịp điệu nhàm chán. Nỗi niềm về cảnh nghèo cứ thế dông dài, tuần tự, từ lúc anh Đời (Đông Dương đóng) bán vé số phải lòng cô Lùn (Việt Hương) bị khùng. Có quá nhiều thứ ngăn trở về mặt cảm xúc, mà nhà làm phim phải vượt qua, nếu muốn đưa mối tình kỳ lạ này chạm tới rung cảm của khán giả.

{keywords}
Việt Hương và bạn diễn Đông Dương trong phim.

Thực tế là so về tuổi tác lẫn hình thể, Việt Hương và nam diễn viên trẻ Đông Dương không hề một cặp đôi hấp dẫn nhau về mặt tự nhiên, cho dù nhân vật của họ là những con người khiếm khuyết và khao khát tình cảm, sự chở che. 

Trong lần hiếm hoi xuất hiện không phải để lấy tiếng cười, mà là nước mắt của khán giả, Việt Hương chỉ đủ khiến người xem cô có đôi chút khờ khạo, chứ không phải là ngớ ngẩn, bị khùng hay dở người.

Trong qua trình "thêm da đắp thịt" cho câu chuyện gốc vốn ngắn ngủi, ít sự kiện và xung đột, bộ phim thêm vào cảnh làm tình giữa anh Đời và cô Lùn để đưa câu chuyện tình của họ đi vào khía cạnh lãng mạn, bên cạnh chuyện thân phận. 

Có thể xếp cảnh này vào hàng "thảm họa" về mọi mặt của phim Việt, bởi nó được thiết kế diễn ra trong một nhà tắm tạm bợ ven sông (nhìn giống như nhà vệ sinh ở miền vườn Tây Nam Bộ). Góc máy ở vị trí giống của người... nhìn trộm từ bên ngoài vào, trong lúc diễn xuất của Việt Hương như thể cô đang phải chịu đựng một chuyện kinh khủng.

{keywords} 

Sau rất nhiều kể lể phô bày cái nghèo, bộ phim đẩy tới kịch tính bằng hành động bán con của Hai Đời với rất nhiều nước mắt cho tới khi kết phim. Tuy nhiên, rất khó để nói Đời như ý là một phim bi kịch thực sự khi từ đầu đến cuối, nó phủ lên câu chuyện một màu hồng cổ tích của lòng nhân ái, nghĩa tình, sự hi sinh, niềm hi vọng. Nhân vật phản diện duy nhất là cái nghèo.

Hẳn là sẽ có người xem thấy bộ phim hoàn toàn giáo điều và phi lý. Nhưng không thể phủ nhận bộ phim có nhiều chi tiết tinh tế về tinh người sẻ chia trong khốn khó. Đây có lẽ là điểm cộng duy nhất ở bộ phim (ra mắt từ ngày 28/11) nhưng được dàn dựng giống phim truyền hình này.

Khải Trí