Đưa kinh tế biên mậu trở thành một trong 3 mũi nhọn kinh tế đột phá
Cao Bằng là tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc dài nhất của Việt Nam. Trên địa bàn tỉnh có cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, 3 cửa khẩu chính và nhiều cặp cửa khẩu phụ, lối mở trên biên giới, cặp chợ biên giới.
Với vị trí nằm ở cửa ngõ giao lưu hàng hóa từ Quảng Tây và các tỉnh Tây, Tây Nam Trung Quốc (Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu) ra biển và đến các nước ASEAN, việc mở các tuyến đường qua Cao Bằng sẽ rút ngắn đáng kể chi phí vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp hai nước.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng, sử dụng dịch vụ logistics, bao gồm vận tải đường bộ, khai thuế hải quan, kho bãi, quản lý kho hàng, giao nhận hàng hóa, thanh toán, quản lý đơn hàng, dịch vụ hàng hóa, dịch vụ thủ tục giấy tờ... của các doanh nghiệp tại Cao Bằng là khá thường xuyên.
Từ khi phát triển kinh tế cửa khẩu, đời sống người dân vùng biên Cao Bằng đã thay đổi khá nhiều. Bên cạnh giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, kinh tế cửa khẩu còn đem lại cho ngân sách cả trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, kinh tế cửa khẩu của tỉnh chuyển biến mạnh mẽ hơn sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 1531/QĐ-TTg ngày 30/8/2013 phê duyệt Đề án “Rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”.
Xác định rõ mục tiêu đưa kinh tế biên mậu trở thành một trong 3 mũi nhọn kinh tế đột phá, tỉnh Cao Bằng đã từng bước có sự đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng kỹ thuật tại các khu vực cửa khẩu, đặc biệt là hạ tầng logistics. Những năm gần đây, tỉnh có nhiều chính sách trong thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh tốt để doanh nghiệp đầu tư và phát triển tại khu kinh tế cửa khẩu, mở ra triển vọng đưa Cao Bằng trở thành một “cầu nối” quan trọng giữa Việt Nam với các nước ASEAN và 6 tỉnh Tây Nam Trung Quốc.
Điển hình có thể kể đến là xây dựng Cửa khẩu Trà Lĩnh thành cửa khẩu Quốc tế với hệ thống bến bãi hiện đại, kết hợp nâng cấp hạ tầng, nâng cao năng lực thông quan của cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng, huyện Quảng Hòa. Bên cạnh đó, ngoài xúc tiến Dự án Cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh, địa phương này chú trọng đặc biệt xây dựng hệ thống giao thông, đảm bảo liên kết các cửa khẩu.
Hiện nay tỉnh đang đầu tư một là Đường tỉnh 213 từ Trùng Khánh đến Cửa khẩu Pò Peo, thứ hai là tuyến nối từ Thị trấn Trà Lĩnh cũ đến trung tâm huyện Trùng Khánh, đồng thời tiếp tục nâng cấp, sửa chữa một số tuyến giao thông đến các cửa khẩu. Các tuyến đường theo đề án đã duyệt khoảng 2000 tỉ đồng để kết nối đến các cửa khẩu và các khu du lịch. Theo kế hoạch dự kiến đến 2025 Cao Bằng sẽ hoàn thành kết nối các tuyến từ thành phố Cao Bằng đến các cửa khẩu.
Đề án tổng thể phát triển Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng
Ngày 14/3/2022, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể phát triển Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng ban hành Kế hoạch số 569/KH-BCĐ về thực hiện Đề án tổng thể phát triển khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng năm 2022.
Kế hoạch đã xác định rõ những mục tiêu cụ thể phấn đấu đạt được trong năm 2022 bao gồm: (1) Về kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa: Hoàn thành chỉ tiêu về xuất nhập khẩu (bao gồm cả giá trị hàng hóa giám sát) đạt 631 triệu USD, trong đó: kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua địa bàn là 301 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn là 125 triệu USD; Giá trị hàng hóa giám sát là 205 triệu USD; (2) Thu thuế xuất nhập khẩu: 230 tỷ đồng; (3) Thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu trên địa bàn đạt 22 tỷ đồng.
Kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể phát triển Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng năm 2022 đã đưa ra 06 phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm thực hiện 03 mục tiêu cụ thể nêu trên, đó là:
Cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo điều hành của Trung ương, của tỉnh đối với Khu kinh tế cửa khẩu , đồng thời tiếp tục rà soát cơ chế chính sách quản lý Khu kinh tế cửa khẩu để kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành mới, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước có trật tự, nề nếp.
Triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong Khu kinh tế cửa khẩu , trọng tâm là tại các khu vực cửa khẩu, lối mở tạo môi trường thuận lợi để duy trì, phát triển hoạt động kinh tế cửa khẩu.
Hoàn thiện các thủ tục pháp lý trình công bố nâng cấp, mở mới các cửa khẩu, lối mở để khai thác tối đa thế mạnh về vị trí địa lý của Khu kinh tế cửa khẩu tạo thuận lợi cho hoạt động kinh tế cửa khẩu.
Triển khai công tác xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu nhằm thu hút nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu, đặc biệt là hàng hóa nông, lâm, thủy sản qua địa bàn Khu kinh tế cửa khẩu tạo sự ổn định, bền vững cho hoạt động kinh tế biên mậu.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu ; tăng cường thu hút dự án đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu .
Tăng cường công tác thu ngân sách trên địa bàn Khu kinh tế cửa khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong việc thực hiện các chính sách, thủ tục về thuế, phí, lệ phí.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế cửa khẩu năm 2022, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh cần tiếp tục phát huy vai trò Lãnh đạo cơ quan - Phó Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Đề án tổng thể phát triển Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng, giúp Trưởng Ban chỉ đạo triển khai các công việc thường xuyên của Ban Chỉ đạo; Phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương tổ chức triển khai thực hiện Đề án; Theo dõi và đánh giá kết quả thực hiện, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện Đề án hàng năm; Phối hợp nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ để thực hiện Đề án có hiện quả; Tăng cường thực hiện xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu; Kịp thời tham mưu, đề xuất Trưởng Ban Chỉ đạo giải quyết các vấn đề vướng mắc khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Đồng thời, tiếp tục quán triệt, đôn đốc chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc rà soát tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền được giao; Nghiên cứu xây dựng “vùng xanh”, “luồng xanh” ở khu vực cửa khẩu biên giới (vùng an toàn dịch bệnh) với quy trình, tiêu chuẩn phòng chống dịch hài hòa với phía Trung Quốc theo hướng dẫn các Bộ, ngành tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư sản xuất, kinh doanh trong Khu kinh tế cửa khẩu; Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện tốt việc đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án sử dụng vốn NSNN được giao thực hiện; Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp, đốc các nhà đầu tư triển khai dự án đảm bảo đúng tiến độ, phù hợp với mục tiêu dự án; Triển khai lập quy hoạch các phân khu chức năng trong Khu kinh tế cửa khẩu; Chỉ đạo quán triệt Trung Tâm Quản lý và khai thác dịch vụ hạ tầng Khu kinh tế thu đúng, thu đủ, nộp ngân sách nhà nước theo quy định đối với Phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
Hòa An