Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên đàn vật nuôi tuy không lây lan trên diện rộng nhưng chưa chấm dứt triệt để tại nhiều địa phương ở tỉnh Cao Bằng. Theo Sở NN&PTNT, nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch bệnh tái phát kéo dài do các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo các điều kiện vệ sinh phòng bệnh, không áp dụng triệt để các biện pháp an toàn sinh học; tái đàn bằng việc tự ý mua con giống ngoài chợ không rõ nguồn gốc.

giacam.png

Một số hộ không xử lý chất thải, nước thải xả trực tiếp ra môi trường xung quanh làm lây lan dịch bệnh. Công tác giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch và báo cáo dịch bệnh tại một số xã, huyện chưa kịp thời. Người dân chủ quan chưa chú ý chăm sóc trâu, bò…

Sở chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, phòng NN&PTNT các huyện, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc. Thành lập các đoàn công tác thường xuyên đến cơ sở kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Phân công cán bộ kỹ thuật trực tiếp tham gia hỗ trợ chống dịch; xây dựng kế hoạch cụ thể giám sát dịch bệnh, tiêm phòng tại các địa phương có  nguy cơ cao và ổ dịch cũ.

Hiện nay, các huyện, xã, thị trấn đang triển khai tiêm đợt 2/2021 nhằm tạo hệ miễn dịch cộng đồng cho vật nuôi trước mùa đông.

Huyện Hạ Lang là một trong những địa phương của tỉnh đang xảy ra dịch bệnh gia súc. Với sự chủ động vào cuộc của các cấp, ngành liên quan, huyện đã khống chế, khoanh vùng dập dịch.

Đến nay, huyện tiêm trên 20.000 liều vắc xin cho đàn gia súc gồm: Hơn 6.000 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò; trên 5.500 liều vắc xin lở mồn long móng; 4.200 liều vắc xin viêm da nổi cục trâu, bò; trên 3.000 liều vắc xin dịch tả lợn. Ngành chuyên môn huyện đã phun 737 lít hóa chất vệ sinh tiêu độc, khử trùng dịch bệnh với 878.700 m2 khu vực chăn nuôi của các hộ dân tại 13/13 xã, thị trấn; phun 1.710 lọ hóa chất diệt ve, mòng.

Từ nay đến cuối năm, Sở NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo phòng NN&PTNT các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn vật nuôi. Cung ứng kịp thời vắc xin và thuốc phun khử trùng tiêu độc. Tăng cường giám sát, theo dõi dịch bệnh, cập nhật hằng ngày công tác chống dịch tại địa phương. Triển khai tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi, phấn đấu đạt tỷ lệ tiêm trên 80% đàn gia súc.

Trường hợp phát hiện dịch bệnh, chính quyền địa phương cần tổ chức khoanh vùng, bao vây, dập dịch, hướng dẫn bà con phun thuốc khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng trại, tiêm phòng bổ sung vắc xin lở mồm long món cho đàn gia súc chưa mắc bệnh. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách phòng, chống dịch và khuyến cáo người dân không thả rông gia súc bị mắc dịch, nhốt, cách ly, chữa trị, chăm sóc tại chuồng...

Đồng thời, huyện cũng thường xuyên cử cán bộ thú y phối hợp với thú y viên cơ sở hướng dẫn người dân cách phát hiện dịch bệnh gia súc, cách chăm sóc, chữa trị cho trâu, bò bằng những phương pháp đơn giản sẵn có của địa phương. 

Hoài Linh