Nhóm Điều tra chung (JIT) nói rằng họ sẽ phát lệnh bắt trong nước và quốc tế đối với các nghi phạm, bao gồm 3 người Nga và 1 người Ukraina. Ba người Nga là Igor Girkin, Sergey Dubinskiy và Oleg Pulatov. Nghi phạm còn lại là Leonid Kharchenko, người Ukraina.
Công tố viên Hà Lan Fred Westerbeke cho biết, 4 người nói trên "sẽ phải chịu trách nhiệm vì đã đưa vũ khí gây ra thảm kịch, hệ thống tên lửa BUK Telar, vào miền đông Ukraina". Phiên tòa xét xử 4 nghi can sẽ diễn ra tại một địa điểm được bảo vệ cẩn mật gần sân bay Schiphol ở thủ đô Amsterdam của Hà Lan vào ngày 9/3/2020.
Mảnh vỡ của MH17 |
Chiếc máy bay mang số hiệu MH17 đã bị bắn rơi khi đang bay qua miền đông Ukraina vào tháng 7/2014. Máy bay đang trên hành trình từ Amsterdam (Hà Lan) với Kuala Lumpur (Malaysia). Trên máy bay có 298 người thuộc 17 quốc gia khác nhau.
JIT gồm các điều tra viên đến từ Hà Lan, Australia, Ukraina, Bỉ và Malaysia, được thành lập để điều tra nguyên nhân MH17 bị bắn rơi. Theo JIT, MH17 bị bắn hạ bởi một quả tên lửa Buk do Nga sản xuất. Tháng 5/2018, Hà Lan và Australia cáo buộc tên lửa được phóng ra từ một đơn vị quân đội của Nga. Moscow bác bỏ, cho rằng chính quân đội Ukraina đã bắn hạ máy bay và cáo buộc kết luận điều tra của JIT là "thiên vị và mang động cơ chính trị".
Phát biểu với báo giới ngay trước cuộc họp báo của JIT, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng “không có gì để thảo luận”.
Trước đó, hôm 30/5, Thủ tướng Malaysia Tun Dr Mahathir Mohamad nói, chính phủ nước này muốn có bằng chứng cho thấy ai phải chịu trách nhiệm về thảm kịch MH17.
“Họ buộc tội Nga, nhưng bằng chứng đâu? Chúng ta đều biết tên lửa bắn rơi chiếc máy bay chở khách của Malaysia Airline là loại của Nga nhưng nó cũng có thể được sản xuất tại Ukraina. Bạn cần bằng chứng cho thấy tên lửa đó được người Nga bắn đi. Tên lửa đó có thể do phiến quân ở Ukraina hoặc chính phủ Ukraina bắn đi vì họ cũng có tên lửa như vậy”, thông tấn xã Bernama dẫn lời người đứng đầu chính phủ Malaysia.
Ông Mahathir nói, Malaysia chấp nhận báo cáo của Hà Lan rằng MH17 bị một tên lửa do Nga sản xuất nhưng không thể khẳng định nó được Nga phóng đi. Thủ tướng Mahathir cũng cho rằng đáng ra Malaysia phải được tham gia vào việc kiểm tra hộp đen máy bay vì đó là máy bay của Malaysia, và hành khách trên đó là người Malaysia.
“Chúng tôi không biết tại sao chúng tôi bị loại khỏi cuộc điều tra, nhưng ngay từ đầu chúng tôi đã thấy quá nhiều chính trị trong việc này, và ý tưởng của nó không phải là tìm hiểu xem sự việc đã xảy ra như thế nào, mà dường như đã tập trung vào việc cố gắng đổ lỗi cho người Nga. Đó không phải là một cuộc điều tra trung lập”, ông Mahathir nói.
Dương Lâm