Từng khai thác hải sản với nghề lưới kéo (giã cào), nhưng ông Nguyễn Việt Hòa, ngư dân ở huyện Yên Thành, Nghệ An đã sớm chuyển sang nghề câu cá ngừ đại dương. Bởi theo ông Hòa, nghề giã cào với mắt lưới rất nhỏ, thường đánh bắt được cả các loại cá nhỏ. Khai thác lâu dài, nguồn lợi bị suy giảm và không có sản lương hiệu quả nên đã chuyển đổi sang nghề câu cá ngừ đại dương. 

Tuy nhiên, với nghề câu cá ngừ, ông Hòa cũng than phiền, những năm trước, hiệu quả khai thác khá tốt. Nhưng năm nay, giá cá ngừ ở mức thấp kéo dài nên hiệu quả khai thác cũng không cao. 

Không chỉ ông Hòa mà nhiều ngư dân đang phải đối mặt với tình trạng khai thác hải sản không được hiệu quả như trước đây. Không chỉ do chi phí tăng cao mà còn bởi sản lượng khai thác cũng đang ngày một thấp hơn. 

anh 18ss.jpg
Ngư dân sẽ được hướng dẫn tổ chức khai thác trên biển theo chuỗi để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường.

Hiện cả nước có 5.810 tổ đội sản xuất trên biển, với 48.000 tàu tham gia sản xuất cùng 252.000 ngư dân. Các mô hình này thường gồm từ 5-10 tàu làm cùng nghề, cùng khai thác trên một ngư trường có mối quan hệ thân thuộc như cùng dòng họ, anh em hay cùng làng xã… liên kết hỗ trợ nhau trong thiên tai, rủi ro trên biển, hỗ trợ về thông tin ngư trường, vận chuyển sản phẩm khai thác vào bờ hoặc vận chuyển nhiên liệu cho tàu còn khai thác ngoài biển…

Bên cạnh những kết quả trên, khai thác thủy sản tại nước ta vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Ủy ban châu Âu tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam. Cùng với đó là tình trạng thiếu lao động chất lượng cao trong khai thác thủy sản đã và đang phổ biến ở nhiều địa phương; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành, nguồn lực đầu tư còn hạn chế, công tác duy tu, bảo trì chưa được địa phương quan tâm nhiều. Sản phẩm từ tàu khai thác mang hàm lượng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật chưa cao làm cho năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch và giá thành cao ảnh hưởng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng năm, sản lượng khai thác biển cơ bản không tăng. Hiện có 80 cảng cá đủ điều kiện hoạt động; 53 cảng cá đủ điều kiện hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; 62 cảng cá cho tàu cá vùng khơi cập cảng.

Công tác quản lý đội tàu đã đi vào nề nếp, thực hiện công bố và quản lý tốt số tàu theo hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản, số lượng tàu cá đã giảm. Tổng số tàu cá tính đến hết tháng 6/2023 đang duy trì ở mức 86.820 tàu, trong đó tàu cá từ 6-12m là 38.500 chiếc; từ 12-15m là 18.229 chiếc; từ 15-24m là 27.503 chiếc; trên 24m là 2.588 chiếc. Chỉ tiêu đặt ra đến cuối năm 2023 còn 86.585 chiếc (giảm 3,5% so với năm 2022).

Đến nay, 84,4% tàu cá hiện có đã được đăng ký và cập nhật dữ liệu lên cơ sở dữ liệu quốc gia ngành thủy sản phục vụ công tác theo dõi, quản lý. 15,6% số tàu còn lại không đủ điều kiện để đăng ký và được địa phương thống kê theo dõi, quản lý. Có 28.797 tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình (đạt 97,65%). Tuy nhiên, số lượng tàu cá vi phạm quy định về duy trì kết nối hệ thống giám sát hành trình tàu cá còn diễn ra phổ biến.

Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định thực hiện tốt các giải pháp khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Quản lý tốt hạn ngạch khai thác hải sản, giảm dần số lượng tàu cá khai thác và đẩy mạnh công tác chuyển đổi từ nghề khai thác xâm hại nguồn lợi thủy sản và môi trường sang làm các nghề khác cho ngư dân. Chỉ đạo các địa phương hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác trên biển theo chuỗi để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường, nâng cao hiệu quả khai thác. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong chế biến, bảo quản sản phẩm thủy sản khai thác, nâng cao giá trị sản phẩm.

Xây dựng và triển khai các chính sách phù hợp với thực tiễn sản xuất và định hướng phát triển ngành trong thời gian tới, đảm bảo chính sách được thực thi hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát triển bền vững ngành Thủy sản nói chung, nghề khai thác thủy sản nói riêng.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng đề án tạo sinh kế cho những ngư dân không làm nghề đánh bắt hải sản trên biển. Bộ sẽ thống kê những nhóm đang khai thác ở vùng biển cần bảo tồn để ưu tiên chuyển đổi nghề trước. Những người này sẽ được hỗ trợ để chuyển sang nuôi trồng thủy sản trên bờ, ven bờ với quy mô hợp tác xã. Ngư dân cũng sẽ được hỗ trợ chuyển sang các nghề khác như làm du lịch biển. Và địa phương giữ vai trò tổ chức mô hình, tập huấn, đào tạo nghề, có chính sách hỗ trợ để ngư dân chuyển đổi nghề phù hợp.

Tiến Quang