Theo Chi Cục Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 4.500 tàu, thuyền đánh bắt thuỷ hải sản trên biển. Số tàu thuyền lớn nhưng chưa tới 10% là tàu thuyền đánh bắt xa bờ theo hướng hiện đại. Còn lại, đều là tàu nhỏ, thô sơ. Người dân đánh bắt bằng các ngư cụ cũ. Đặc biệt, tình trạng đánh bắt bằng mìn, giã điện, lồng bát quái khiến nguồn thủy hải sản gần bờ bị tận diệt, vi phạm các quy định về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt nếu có vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng người dân vi phạm khai thác thủy sản trái quy định trong Luật Thủy sản còn phổ biến. 

Thời gian qua, chi Cục Thủy sản đã phối hợp với Bộ đội biên phòng ven biển, cảnh sát giao thông và các địa phương tập trung ngăn chặn các hành vi khai thác thủy hải sản bền vững. Kiểm tra các ngư cụ không đảm bảo quy định sẽ bị xử phạt. Phối hợp với các tổ chức quản lý nghề cá ven biển vận động người dân không sử dụng mìn, kích điện khai thác thủy hải sản. 

phoi ca.png
Ngư dân Nghệ An chủ yếu khai thác hải sản gần bờ. Ảnh: Quỳnh Liên. 

Nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 48/NQ-CP về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Nghệ An đã ban hành kế hoạch triển khai trên toàn tỉnh. Trong đó coi tài nguyên, môi trường biển là nền tảng và nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tài nguyên, môi trường biển phải được khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. 

UBND tỉnh giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về biển, về sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển thông qua các chiến dịch tuyên truyền cao điểm hằng năm bao gồm: Ngày Môi trường thế giới (05/6), Ngày Đại dương thế giới (08/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam (01 - 08/6), ra quân “Chiến dịch làm sạch biển”. Triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 88/KH-UBND ngày 20/02/2023 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Đẩy mạnh giáo dục pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết, từ đó hình thành ý thức bảo vệ môi trường, trồng, phục hồi và bảo vệ rừng ngập mặn, ý thức chấp hành pháp luật về biển trong xã hội. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho cộng đồng dân cư ven biển về biến đổi khí hậu và kỹ năng thích nghi để sống chung với biến đổi khí hậu. Vận động ngư dân không sử dụng các biện pháp có tính hủy diệt, thiếu bền vững trong khai thác hải sản, không khai thác hải sản trong các vùng cấm, không đánh bắt các loài thủy sinh thuộc danh mục cấm khai thác và có trách nhiệm bảo vệ các loài thủy sinh thuộc danh mục ưu tiên bảo vệ.

Từ nay tới năm 2030, Nghệ An sẽ xây dựng và phát triển khu bảo tồn biển Hòn Ngư - Đảo Mắt; tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ngoài khu bảo tồn; phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển bị suy thoái. Đẩy mạnh điều tra, đánh giá và xác định mức độ dễ bị tổn thương, tính nguy cấp của các loài sinh vật biển đặc hữu, có giá trị khoa học và kinh tế để đưa ra các phương án, giải pháp bảo vệ, bảo tồn và phục hồi. 100% khu vực cấm khai thác có thời hạn, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản được xác định và quản lý hiệu quả.

Ngoài ra, các hoạt động khai thác, gây nuôi và buôn bán các loài sinh vật biển hoang dã thuộc danh mục cần được bảo tồn sẽ được kiểm soát chặt chẽ. 

Đến năm 2030, hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp được hoàn thiện, hoạt động hiệu quả và được kết nối và tích hợp dữ liệu với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển, đảo quốc gia.

Phương Anh