Jan Koum có một tuổi thơ không mấy êm đềm. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại thị trấn nhỏ vùng ngoại ô Kiev, Ukraine. Ngôi nhà của Jan không có điện và nước nóng. Năm 16 tuổi, ông di cư sang Mỹ cùng mẹ và bà ngoại để chạy trốn khỏi tình trạng bất ổn chính trị và đàn áp tôn giáo. Mẹ của ông làm nghề giữ trẻ ở California, còn ông vừa đi học vừa đi làm tại một cửa hàng tạp hóa với công việc lau rửa sàn nhà.
Cha của Jan dự định sẽ đoàn tụ với hai mẹ con khi họ ổn định hơn nhưng không may ông mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời 5 năm sau đó. Đáng buồn hơn, mẹ của Jan không lâu sau cũng được chẩn đoán mắc ung thư và qua đời sau cha của ông 3 năm.
Tuổi thơ đầy nghịch cảnh và nỗ lực tự học tuyệt vời
Do thiếu đi sự quan tâm của cha mẹ, Jan từng có thời gian nổi loạn và gặp rắc rối ở trường. Dần dà, ông bắt đầu không thích trường học và những mối quan hệ "nông cạn" xung quanh.
Jan suýt nữa không đỗ tốt nghiệp vì học hành chểnh mảng. Tuy nhiên, do có niềm đam mê với máy tính nên ông đã tự học bằng cách mua sách từ tiệm sách cũ và bán lại để lấy tiền khi đã đọc xong.
Bên cạnh đó, Jan còn học kỹ thuật mạng và đăng ký học Đại học San Jose để nghiên cứu khoa học máy tính và toán học. Dù vậy, cũng giống như trường cấp 3, đại học cũng không khiến Jan cảm thấy hứng thú. Ông từng chia sẻ với Forbes: "Tôi ghét trường học".
Trong quá trình học tại San Jose, Jan xin làm việc bán thời gian tại công ty kiểm toán Ernst & Young ở vị trí kiểm tra an ninh máy tính. Tại đây, ông có dịp gặp gỡ Brian Acton, một nhân viên của Yahoo! và người này đã giúp Jan trở thành nhân viên an ninh của công ty. Không lâu sau, ông quyết định nghỉ học để làm việc toàn thời gian tại Yahoo!. Ngoài ra, ông còn gia nhập tổ chức tin tặc mang tên w00w00 trên mạng chat trực tuyến Efnet.
Sau 9 năm cống hiến, Jan cảm thấy không còn hứng thú với Yahoo! và đã xin nghỉ việc năm 2007 để dành thời gian du lịch khắp nơi và tìm kiếm cảm hứng mới. Khi trở về, Jan và Acton xin việc tại Facebook nhưng đều bị từ chối.
Jan Koum (phải) và Brian Acton.
2 năm sau, Jan mua một chiếc iPhone và nhận ra tiềm năng của App Store. Từ đó, ông bắt đầu viết mã để tạo ứng dụng nhắn tin. Thế nhưng, thất vọng vì không thể khiến nó hoạt động, Jan gần như đã bỏ cuộc với kế hoạch của mình.
Câu chuyện thành công truyền cảm hứng
Sau một thời gian bế tắc với phát minh, cuối cùng, năm 2009, ở tuổi 33, Jan Koum đã cho ra mắt nền tảng nhắn tin WhatsApp cùng Acton. Đến năm 2014, ứng dụng có 400 triệu người dùng trên toàn thế giới và hai nhà đồng sáng lập đã bán công ty cho Facebook với giá 19 tỷ USD.
Ngày trước, có thể họ đã không nhận được lời mời làm việc tại Facebook nhưng sau này, lời đề nghị họ nhận được lại là một thứ đáng giá hơn gấp nhiều lần. Năm 2017, WhatsApp có 1,3 tỷ người dùng hàng tháng và Jan đã trở thành một trong những tỷ phú công nghệ truyền cảm hứng nhất nước Mỹ. Hiện tài sản ròng của Jan ước tính khoảng 10 tỷ USD.
WhatsApp là một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến trên thế giới.
Trước khi kiến thức và thông tin được phổ biến rộng rãi và dễ tiếp cận như ngày nay, Jan đã tự học từ những năm 1990, một việc không phải ai cũng có đủ động lực để làm.
Ở thời điểm hiện tại, một đứa trẻ bằng tuổi Jan ngày trước có thể học về máy tính, kỹ thuật mạng hay bất kỳ chủ đề nào thông qua các cổng thông tin trực tuyến miễn phí và dễ dàng kết nối với mọi người từ khắp nơi trên thế giới, tìm kiếm người hướng dẫn hay người có chung chí hướng phần nhiều nhờ vào phát minh như WhatsApp.
Có thể nói, với việc tự học, bạn có thể chủ động hơn trong việc xây dựng sự nghiệp của mình. Tác giả và doanh nhân Jim Rohn từng nói: "Giáo dục chính quy giúp bạn kiếm sống nhưng tự học mới là điều giúp bạn làm giàu".
Theo Trí Thức Trẻ/Entrepreneur