Biến cố thay đổi cuộc đời

Phạm Thu Phương (1999) sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều làm kinh doanh. Từ nhỏ, cả Phương và em trai đều được bố mẹ bao bọc, chỉ cần lo học hành mà không phải nghĩ nhiều về chuyện tiền bạc.

“Cuộc sống của em khi ấy rất dễ dàng. Mặc dù sống xa nhà nhưng đều đặn hàng tháng, bố mẹ sẽ gửi tiền vào tài khoản. Số tiền dư dả nên em chưa từng phải nghĩ đến chuyện đi làm thêm”, Phương nhớ lại.

Thế nhưng, giữa năm 2 đại học, một biến cố xảy đến khiến gia đình Phương phá sản. Toàn bộ đất đai, nhà cửa mất trắng. Bố mẹ phải rời bỏ quê hương tới một nơi xa. Mẹ Phương cũng vì thế mà sinh ra trầm cảm

Bố mẹ bỏ đi để lại Phương và em trai khi ấy đang học lớp 11. Không còn cách nào khác, em trai Phương phải bỏ học giữa chừng. Sợ em hư hỏng, Phương thuyết phục để đón em lên Hà Nội sống cùng mình, dù vẫn chưa biết phía trước sẽ như thế nào. 

Khi ấy, Phương vẫn đang là sinh viên Khoa Du Lịch, Trường ĐH Mở Hà Nội.

Nhìn nụ cười "quên trời đất" của Phương, không ai nghĩ cô đã từng trải qua muôn vàn khốn khó.

Mọi thứ diễn ra chóng vánh, trong vòng chỉ chưa đầy 1 tháng khiến Phương sốc và bế tắc.

“Nhìn em trai còn chưa tốt nghiệp cấp 3, đột nhiên tương lai biến thành dang dở, em chỉ biết ứa nước mắt”.

Nhưng, bằng một động lực nào đó, cô đã tự vực dậy tinh thần để trở thành điểm tựa cho em.

Việc đầu tiên Phương làm là xin rời khỏi ký túc xá, đi tìm phòng trọ cho hai chị em. Trước đó, do thói quen tiêu tiền không cần suy nghĩ, Phương gần như không có khoản tiền dự phòng nào.

“Em cứ đi hỏi khắp nơi, sau đó tìm được một căn nhà trọ xập xệ, lợp tôn, nằm ở ven sông Hồng. Mặc dù ở đó mùa hè nóng khủng khiếp, chỉ cần mưa to là dột lênh láng, nhưng bù lại chủ nhà không bắt cọc tiền và chỉ cần đóng theo tháng”.

Có chỗ ở, Phương bắt đầu lùng sục tìm việc làm thêm. Thời điểm đó, cô làm đủ thứ nghề và làm nhiều việc một lúc, miễn có thể kiếm ra tiền.

“Em đi chạy đám cưới tới khuya, rửa bát hay nhận bốc vác thuê chỉ vì có thể lấy được tiền công ngay trong ngày hoặc mỗi cuối tuần. Mặc dù mệt nhưng em cũng không dám kêu than với ai vì sợ bị người ta đuổi. Không còn ai để dựa đằng sau nên em không cho phép mình yếu đuối hay tủi thân”.

Cứ thế ròng rã suốt 2 năm, cứ 5h sáng Phương lại đạp xe tới khách sạn, buổi trưa vội vã đi học, tối đi dạy thêm hoặc làm những công việc chân tay,…

Dù vậy, mọi thứ vẫn không hề dễ dàng. Đỉnh điểm, Phương từng nghĩ tới chuyện bỏ học.

“Hồi đó, em đã suy nghĩ rất nhiều. Sức nặng của đồng tiền, áp lực của việc đi học ngành mình không yêu thích càng làm em bức bí, cùng quẫn. Em định bảo lưu một năm để đi làm công nhân, sau này có điều kiện sẽ quay lại học”.

Khi gọi điện chia sẻ ý định này với bố, bố chỉ nói: “Bố không phản đối việc con muốn nghỉ học đi làm công ty. Nhưng một năm ra trường muộn, con có biết mình sẽ bỏ lỡ mất bao nhiêu cơ hội”. 

Đắn đo suy nghĩ, cuối cùng, Phương quyết định bước tiếp.

Biết ơn những khốn khó

Mặc dù làm nhiều công việc, nhưng Phương vẫn giữ niềm đam mê chụp ảnh và quay video. Không có tiền mua đồ trang trí, Phương lại xin những chiếc bìa, tấm gỗ người ta bỏ đi để tập chụp. Mỗi tối, Phương cũng mày mò học chỉnh sửa video trên mạng để thỏa mãn sở thích cá nhân.

Dần dần, những tấm ảnh chụp và video của Phương được nhiều người thích thú, thậm chí còn liên hệ để cộng tác trong công việc.

Một khách sạn 4 sao đã đề xuất nhận Phương làm nhân viên chính thức và làm marketing với mức lương cao so với mặt bằng chung của sinh viên mới ra trường.

Và rồi, công việc marketing đến như một cơ duyên và gắn bó với Phương cho đến hiện tại. 

Ngoài công việc chính, Phương cũng đang là trưởng nhóm khoảng 10 người, chuyên quản lý nội dung fanpage cho các doanh nghiệp nhỏ.

Phương hiện đang là một một Marketing Executive.

Phương nói, “từ một người sống hời hợt, đụng tí là bỏ cuộc”, khó khăn đã khiến cô phải thay đổi mỗi ngày để cuộc sống trở nên tốt hơn.

“Em cảm thấy may mắn vì đã gặp được rất nhiều người tốt, sẵn sàng giúp đỡ và tạo điều kiện để em có được công việc mình thích.

Em cũng biết ơn những khoảng thời gian khốn khó đã khiến mình trở nên mạnh mẽ và trưởng thành. 

Đó là những Tết phải cặm cụi đi làm, đến cơm cũng không kịp ăn. Là khi em trai phải bỏ học giữa chừng, muốn cho em học tiếp cũng chẳng lo được. Là lúc nghỉ việc hơn một tuần ở nhà mà sốt ruột đến “điên đầu”. Là những lần luôn phải nghĩ xem tháng này lấy lương sẽ trả nợ ai trước. Là rất nhiều lần tủi thân, tự trách sao mình phải suốt ngày phải nghĩ tới tiền và lo lắng nhiều thế,...

Quả thực, trước đây khi có tiền của bố mẹ, em quyết vấn đề rất nhanh nên không mấy trân trọng. Nhưng khi gặp phải khó khăn mà chỉ dùng tiền mới giải quyết được, em mới hiểu được nó quan trọng tới thế nào.

Cú sốc đầu đời đã khiến em trở nên vững vàng hơn.

Khó khăn nào cũng sẽ qua đi, học cách chấp nhận để tiến về phía trước, dần dần rồi sẽ có được quả ngọt”, Phương chia sẻ.